Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Từ Tiền Mua Kinh Nghiệm

Thành Công Từ Tiền Mua Kinh Nghiệm
Ngày đăng: 25/02/2015

Tuy chỉ mới hình thành, nhưng Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thí nghiệm thành công công nghệ bột sinh khối và đông trùng hạ thảo. Đây là hai công nghệ mới mà từ trước đến nay rất ít người làm được. Thành công này có từ “tiền mua kinh nghiệm” của Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Hưng.

Nghề trồng nấm đến với anh Nguyễn Duy Hưng-Chủ nhiệm HTX xã nấm Bình Thạnh như một cơ duyên. Lúc đầu anh chỉ trồng nấm rơm với mục đích là kiếm thêm thu nhập. Nhưng rồi có một lần xem tivi, anh Hưng thấy PGS.TS Nguyễn Thị Chính nói về công nghệ làm nấm. Từ đó, anh Hưng quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, khăn gói ra Hà Nội để học nghề trồng nấm. Sau đó anh về đầu tư xây dựng trang trại trồng nấm linh chi.

Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của anh Hưng cho ra lò 500 bịch phôi giống linh chi, cung cấp cho xã viên trong HTX. Tuy nhiên, số lượng này không đủ nên anh Hưng đã đầu tư mua thêm nồi hấp mới với công suất 2.000 bịch/ngày.

Anh Hưng cho biết, trong các loại nấm thì nấm linh chi thuộc loại khó trồng. Bởi loại nấm này có sức đề kháng kém. Vì vậy để nấm sinh trưởng tốt, không bị ảnh hưởng xấu của các yếu tố môi trường thì nơi trồng nấm phải sạch sẽ, nhất là vật liệu để nuôi cấy nấm như mùn cưa không bị nhiễm thuốc chống mốc, không lẫn đất sét... Để chủ động được mùn cưa, đảm bảo được yếu tố an toàn trong quá trình sản xuất nấm, anh Hưng quyết định đầu tư trên 500 triệu để mua máy xay bột cưa.

“Lần đầu tiên làm Chủ nhiệm HTX nên còn khá bỡ ngỡ, mọi việc cứ rối tung lên. Nào lo làm thủ tục, lo phương án kinh doanh, mở rộng diện tích sản xuất… May mà thị trường đầu ra đã có cô Chính lo nên mình cũng đỡ gánh nặng”, anh Hưng kể.

Điều mà anh Hưng trăn trở nhất không phải là công nghệ làm nấm mà chính là nguồn vốn bỏ ra để mua sắm máy móc. Muốn bảo quản được bột sinh khối cần phải có máy sấy, máy nghiền vì loại nấm này rất dễ bị nhiễm khuẩn. Riêng đông trùng hạ thảo chỉ sống được trong môi trường từ 17 – 22 độ C nên cần phải có phòng lạnh mới trồng được. Anh Hưng cho hay, HTX nấm Bình Thạnh mới thành lập với 12 thành viên nên nguồn vốn còn hạn hẹp. Bây giờ muốn đầu tư đủ các máy móc, trang thiết bị cần thiết phải tốn một số tiền rất lớn. Vì vậy bên cạnh sự nỗ lực của HTX, anh Hưng mong muốn cấp trên quan tâm, tạo điều kiện để HTX ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Thành công từ những thất bại

Mặc dù đã nhiều lần thất bại, thiệt hại hơn 200 triệu đồng, nhưng anh Hưng vẫn không hề nản chí mà coi đó là “tiền mua kinh nghiệm”.

Anh Hưng bộc bạch: “Năm ngoái, tôi mua 18 tấn mùn cưa về làm, nhưng rồi làm đến đâu hư đến đó. Cứ như thế, trong vòng 3 tháng, tôi lỗ trên 100 triệu đồng. Sau đó, cô Chính bảo tôi gửi mẫu mùn cưa và nước ra Hà Nội để cô kiểm tra. Qua kiểm tra, phát hiện trong mùn cưa có sử dụng thuốc chống mốc. Rút kinh nghiệm, lần này tôi đặt mua 20 tấn bột cưa trên tận Gia Lai, nhưng rồi về làm vẫn bị hư, nấm không lên. Lần này tôi lại mang đi kiểm tra thì phát hiện trong mùn cưa có lẫn đất sét. Vậy là 2 lần thất bại, tôi thiệt hại trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, từ những thất bại trên, tôi đã học được nhiều thứ”.

Bột sinh khối nấm linh chi và đông trùng hạ thảo là hai loại dược liệu quý hiếm có khả năng nâng cao năng lực chống một số bệnh hiểm nghèo của cơ thể. Khác với công nghệ sản xuất nấm quả thể, công nghệ bột sinh khối chỉ thu ở hệ rễ. Do đó làm thế nào để rễ ra càng nhiều càng tốt. Mặt khác, công nghệ bột sinh khối có thời gian thu hoạch ngắn hơn linh chi quả thể; giá bán khoảng 600 - 700 nghìn đồng/kg. Khi sử dụng cũng không cần loại bỏ bã như nấm quả thể.

Anh Hưng cho biết, nếu như trồng nấm linh chi khó hơn các loại nấm khác gấp mười lần thì nấm đông trùng hạ thảo phải khó gấp ngàn lần. Bởi theo anh Hưng, tất cả các loại nấm khác đều dùng vật liệu là mùn cưa hoặc rơm để trồng. Riêng đông trùng hạ thảo chỉ sống trên một loại sâu chuyên biệt.

Song mình lại không có loại sâu đó, nên muốn trồng đông trùng hạ thảo thì phải tạo ra môi trường có các chất giống hệt với loại sâu đó rồi mới cấy meo lên. Trong quá trình trồng phải điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng theo quy trình chặt chẽ thì mới ra quả được.

Hiện tại anh Hưng đã trồng thí nghiệm thành công 0,5kg meo giống đông trùng hạ thảo. Theo tính toán của anh Hưng thì ăn Tết xong, nấm sẽ ra khoảng 1kg quả. Với giá bán từ 80 – 120 triệu đồng/kg, hứa hẹn đông trùng hạ thảo sẽ là một bước đi đột phá của HTX nấm Bình Thạnh.

Ngoài trồng nấm linh chi, nấm bào ngư; đặc biệt là bột sinh khối và đông trùng hạ thảo, trong thời gian tới HTX sẽ sản xuất nấm sò, nấm đầu khỉ và các loại nấm khác để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, HTX còn kinh doanh một số ngành nghề khác như buôn bán nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ cho việc trồng nấm; sản xuất mùn cưa, bịch nilon, phôi nấm, giống nấm các loại…


Có thể bạn quan tâm

Trở Lại Vùng Sản Xuất Giống Thuỷ Sản Chất Lượng Cao Trở Lại Vùng Sản Xuất Giống Thuỷ Sản Chất Lượng Cao

Trở lại vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải (Ninh Phước), tôi chợt bâng khuâng nhớ về một ngày cách nay 20 năm, khi lần đầu tiên cùng một đồng nghiệp đi ngang qua đây để đến Phú Thọ, một thôn hẻo lánh thuộc phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm).

29/07/2013
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Nho Trôm Hiệu Quả Mô Hình Trồng Nho Trôm

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho- trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn. Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho- trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.

29/07/2013
Nuôi Trồng Thủy Sản Đồng Bằng Sông Cửu Long Kẻ Lấp, Người Đào Nuôi Trồng Thủy Sản Đồng Bằng Sông Cửu Long Kẻ Lấp, Người Đào

Trong khi nông dân ương cá tra giống ở ĐBSCL quyết định lấp ao do giá cá rớt mạnh, không còn vốn duy trì sản xuất, thì phong trào đào ao từ đất ruộng để nuôi cá lóc lại phát triển rầm rộ, dù đầu ra sản phẩm vẫn còn là câu hỏi lớn.

30/07/2013
Cựu Chiến Binh Nguyễn Thành Nga Làm Kinh Tế Giỏi Cựu Chiến Binh Nguyễn Thành Nga Làm Kinh Tế Giỏi

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Thành Nga nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

30/07/2013
Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế

Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc với trên 98% là đồng bào dân tộc Raglai. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đến ¾ là đồi dốc, dễ bị xói mòn nên canh tác rất khó khăn. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, những đề án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, đem lại sự đổi thay ấm no cho nhân dân Phước Chiến.

30/07/2013