Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗi buồn khoai môn

Nỗi buồn khoai môn
Ngày đăng: 22/06/2015

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò, vụ hè thu 2015 toàn huyện xuống giống 267,2ha khoai môn, tập trung ở các xã: Tân Mỹ, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B và Hội An Đông. Hiện toàn huyện đã thu hoạch được gần 100ha, các diện tích khoai môn còn lại đang tiếp tục thu hoạch.

Thời tiết thuận lợi nên năng suất khoai môn đạt từ 3 - 3,5 tấn/1.000m2, cá biệt một số nơi khoai môn đạt năng suất 5 tấn/1.000m2. Tuy nhiên, do giá khoai môn đang sụt giảm chỉ còn bằng 1/4 mức giá cùng kỳ năm 2014, khiến người trồng khoai bị thua lỗ nặng. Hiện giá bán tại ruộng chỉ có 3.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2015 và giảm hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2014.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng ở ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng B có 2.500m2 trồng khoai môn cho biết: “Tôi trồng khoai môn đã hơn 10 năm nay nhưng chưa có khi nào như năm nay, giá khoai môn cứ xuống, thương lái chỉ trả 3.000 đồng/kg. Đám khoai đã gần 6 tháng rồi, nếu để một tuần nữa rễ bị mục, bán sẽ không ai mua”. Theo tính toán của bà Hồng thì bà thua lỗ gần 20 triệu đồng (chưa kể công lao động chăm sóc ruộng khoai suốt 6 tháng). Bà Hồng than vãn: “Vụ này mua vật tư chịu của đại lý hơn chục triệu đồng rồi. Nếu không có tiền trả thì họ sẽ nâng lãi lên hơn 200 ngàn đồng/tháng”.

Tình cảnh của bà Hồng được xem là “đỡ” hơn so với nhiều nông dân thuê đất trồng khoai môn ở địa phương. Như trường hợp của ông Trần Văn Tiếp ở cùng ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A. Sau khi thắng lớn ở vụ khoai năm 2014, năm 2015 này cùng với 3.500m2 đất của gia đình, ông Tiếp thuê thêm 3.500m2 đất với giá 4 triệu đồng/1.000m2 để trồng khoai môn với hy vọng sẽ “thắng lớn”. Nhưng đến ngày thu hoạch, giá khoai môn trên thị trường càng giảm. Ông Trần Văn Tiếp buồn hiu nói: “Vụ này lỗ nặng rồi, đất mướn cộng thêm chi phí đầu tư tính ra 18 triệu đồng/1.000m2, nếu bán giá 3.000 đồng/kg tôi cầm chắc lỗ 10 triệu đồng/1.000m2”.

Theo thống kê của UBND xã Mỹ An Hưng A, vụ hè thu 2015 toàn xã xuống giống 75ha khoai môn. Hiện nông dân mới thu hoạch được 6ha, các diện tích còn lại đang tiếp tục thu hoạch, tuy nhiên do thị trường tiêu thụ khoai môn đang gặp khó nên việc thu hoạch khoai môn của người dân rất khó khăn. Anh Trần Lê Duy Linh - cán bộ nông nghiệp xã Mỹ An Hưng A cho biết: “Khoai môn từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch khoảng 5 - 6 tháng, nhưng hiện nay có đám để gần 7 tháng chưa đào vì thương lái không mua. Hơn nữa tháng trước khi giá khoai 4.000 - 5.000đồng/kg, thương lái Trung Quốc vào mua thì có nhích lên 7.000 đồng/kg. Hiện nay chỉ còn 3.000 đồng/kg”.

Nhiều nông dân trồng khoai môn ở huyện Lấp Vò phản ánh. Nếu như trước đây thương lái mua khoai môn thu mua cả củ cái lẫn củ giáo (củ phụ đeo quanh củ khoai cái) thì hiện nay thương lái không còn thu mua củ giáo như trước, người trồng khoai càng khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Lê Hồng cho biết: “Khoai môn thu hoạch sản lượng củ giáo chiếm từ 40 - 60% của toàn ruộng khoai. Giờ thương lái chỉ lấy củ cái còn củ giáo bỏ lại. Bán khoai giá thấp lỗ lại càng lỗ thêm. Do không được thương lái thu mua nên củ giáo bỏ đầy đồng, ai mót thì cứ mót”.

Theo ông Nguyễn Thành Công - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò: “Mọi năm sau một thời gian thu hoạch, khoai môn còn ít thì giá sẽ tăng lên nên nông dân thường neo khoai để chờ giá. Nhưng năm nay càng neo giá lại càng xuống thấp”.

Giá khoai xuống thấp, nông dân thua lỗ nặng, nhưng theo ông Nguyễn Thành Công do trồng khoai thu nhập khá, nếu năng suất đạt trung bình 3 - 3,5 tấn/1.000m2 nếu bán được giá ổn định thì nông dân trồng khoai sẽ lãi trung bình 20 triệu đồng/1.000m2. Sau nhiều năm “thắng lớn” liên tục nông dân sẽ không bỏ trồng khoai môn sau vụ này.

Ông Phan Thanh Tùng - Thương lái chuyên mua bán khoai môn ở ấp An Thái, xã Mỹ An Hưng A, Lấp Vò cho biết: “Tôi vừa làm thương lái vừa trồng khoai môn đã hơn 10 năm, nhưng chưa có năm nào khoai môn có giá “bèo” như năm nay. Do trùng mùa khoai với Trung Quốc nên hiện nay khoai môn của mình chỉ tiêu thụ ở nội địa. Nếu đặt cọc cho nông dân 100 triệu đồng, thương lái như tôi chấp nhận bỏ cọc chứ không dám đào khoai, vì đào lên sẽ lỗ thêm 200 triệu đồng nữa. Thương lái và những người trồng khoai hiện gọi vui củ khoai là “củ nợ”.


Có thể bạn quan tâm

Tăng cường hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác lúa trên đất tôm Tăng cường hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác lúa trên đất tôm

Trước những diễn biến bất lợi về thời tiết, Phòng NN&PTNT huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn vùng quy hoạch để giúp nông dân thực hiện mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa.

27/09/2015
Cây ớt hàng hóa ở Tân Lập Sơn La Cây ớt hàng hóa ở Tân Lập Sơn La

Những năm gần đây, người dân xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La) đã biết trồng cây ớt làm hàng hóa. Tuy diện tích chưa nhiều nhưng bà con tận dụng đất vườn hoặc đất nương gần nhà để trồng loại cây này làm nguồn thu nhập thêm cho gia đình.

27/09/2015
Hiệu quả bước đầu từ cây thanh long Hiệu quả bước đầu từ cây thanh long

Từ khu đất bỏ hoang hơn 10 năm nay, anh Võ Thanh Sơn (Vạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn cải tạo để trồng thanh long. Sau hơn 1 năm chăm sóc, cây thanh long bước đầu đã cho thu nhập, hứa hẹn hiệu quả kinh tế.

27/09/2015
Kinh nghiệm trồng nhãn tiêu da bò Kinh nghiệm trồng nhãn tiêu da bò

Thanh Lương là xã trọng điểm về diện tích cây ăn trái của thị xã Bình Long (Bình Phước), bao gồm các loại cây như: nhãn, quýt đường, cam, bưởi, chanh. Trong đó nhãn chiếm khoảng 400ha tập trung chủ yếu ở ấp Thanh An.

27/09/2015
Diễn đàn phát triển cây ăn quả ôn đới tỉnh Lào Cai Diễn đàn phát triển cây ăn quả ôn đới tỉnh Lào Cai

Sáng 25/9, Ban Quản lý Dự án AGB phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã tổ chức Diễn đàn phát triển cây ăn quả ôn đới tại Lào Cai.

27/09/2015