Giá Heo Liên Tục Giảm, Người Nuôi Treo Chuồng Ở Tiền Giang
Tiền Giang có hơn 550.000 con heo và sản lượng thịt hơi hàng năm cung cấp cho thị trường trên 120.000 tấn. Tuy nhiên, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh trong một thời gian dài, khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thua lỗ nặng, một số hộ không còn khả năng tái đầu tư đành ngậm ngùi “treo chuồng”.
GIÁ HEO GIẢM MẠNH
Những ngày này, chúng tôi đi đến các trang trại hay hộ chăn nuôi heo nào cũng đều nghe người dân than thở, ngao ngán vì giá heo quá thấp. Hiện tại, giá heo hơi trên thị trường chỉ còn từ 37.000 - 38.000 đồng/kg (đối với trang trại lớn) và từ 33.000 – 34.000 đồng/kg (đối với hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ), khiến người chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.
Bà Nguyễn Thị Hồng, ấp 10 (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) là một trong những hộ nuôi heo với số lượng nhiều phải chịu thua lỗ. Bà Hồng cho biết: “Hơn 10 năm nuôi heo, chúng tôi chưa thấy năm nào giá heo hơi lại xuống thấp hơn giá thành và lâu phục hồi như năm nay. Hiện tại, gia đình tôi có 30 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng nhưng với mức giá này thì không thể bán được. Nếu bán với giá 37.000 đồng/kg, sẽ bị lỗ vốn khoảng 500.000 đồng/con. Gia đình chỉ còn cách neo lại với hy vọng trong thời gian tới, giá heo hơi nhích lên để bớt thua lỗ”.
Trước đây, khi giá heo ở mức cao, trang trại của bà Hồng lúc nào cũng có không dưới 300 con heo thịt và nái; mỗi lần xuất chuồng từ 70 - 80 con heo thịt. Thời gian qua, giá heo liên tục xuống thấp, lỗ lã triền miên nên bà Hồng phải “treo” bớt 1 số ô chuồng và chỉ nuôi cầm chừng 150 heo thịt, nái. Theo bà Hồng, nếu tình hình giá cả dao động theo chiều hướng thấp như hiện nay, gia đình bà cũng như nhiều người chăn nuôi ở trong xã sẽ còn tiếp tục thua lỗ.
Giá heo giảm mạnh, nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh túng quẫn vì không biết xoay xở đâu ra tiền để trả cho chủ đại lý thức ăn, chưa kể một số hộ còn vay tiền ngân hàng về đầu tư, khiến cho khó khăn thêm. Trang trại của bà Trương Thị Lệ, ấp Bình Phú (Bình Trưng, Châu Thành) có khoảng 900 con heo nái, thịt và heo con. Trung bình mỗi tháng bà phải xuất bán trên 100 con heo thịt. Bà Lệ cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, gia đình bà vay 1 tỷ đồng để sửa chữa trang trại và bù vào khoảng thua lỗ do nuôi heo.
“Giá heo giảm 700.000 đồng/tạ so với tháng 8-2012 và giảm 300.000 đồng/tạ so với thời điểm Tết Nguyên đán. Giá heo giảm nhưng giá thức ăn lại tăng 20.000 đồng/bao 25 kg so với 3 tháng trước. Hiện nay, mỗi con heo xuất bán với giá 38.000 đồng/kg, người nuôi phải chịu lỗ trên 500.000 đồng” - bà Lệ nói.
Không chỉ có các trang trại mà những hộ nuôi heo nhỏ lẻ cũng đang gặp phải cảnh lỗ vốn triền miên. Ông Nguyễn Văn Tâm, ấp Chà Là (Phú Nhuận, Cai Lậy) cho biết, trước đây thấy heo hơi có giá cao nên đã mua 13 con heo giống về nuôi, với hy vọng tăng thêm thu nhập. Nào ngờ đến khi xuất bán, giá heo hơi lại tuột dốc mạnh.
Ông Tâm tính toán: “Mỗi con heo giống có giá trên 2 triệu đồng, cộng thêm chi phí thức ăn, tiền thuốc thú y khoảng 2,5 triệu đồng/con trong thời gian từ 4-5 tháng nuôi. Bình quân chi phí đầu tư cho mỗi con từ lúc nuôi cho đến khi xuất bán lên đến 4,5 triệu đồng. Nhưng heo bán chỉ được giá 35.000 đồng/kg, tính ra gia đình tôi lỗ 1 triệu đồng/con”.
TREO CHUỒNG
Đến thời điểm này, giá heo hơi biến động theo chiều hướng giảm dần, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế nên nhiều người đã chọn cách “treo chuồng” để không tiếp tục bị lỗ vốn. Bà Hồ Thị Hà, ấp Mỹ Trinh B, (Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè) đang nuôi 3 con heo thịt cho biết: “Chưa có năm nào người nuôi heo phải lao đao như năm nay. Mọi năm, giá có xuống thấp nhưng ít ra cũng còn lời chút đỉnh; còn năm nay coi như trắng tay, thậm chí lỗ vốn nặng. Nếu tình hình này kéo dài, chắc tôi phải bỏ chuồng để tránh rủi ro cho gia đình”.
Có cùng cách nghĩ với bà Hà, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Chà Là (Phú Nhuận, Cai Lậy) quyết định nghỉ nuôi heo một thời gian với lý do giá cả bấp bênh. Ông Hùng chia sẻ: “Bao nhiêu vốn liếng đều đổ hết vào 8 con heo thịt nhưng đến khi xuất chuồng giá lại quá thấp làm gia đình lỗ khoảng 8 triệu đồng trong lứa heo vừa qua. Tình hình này, gia đình tôi sẽ không dám tái đàn nuôi nữa, mà đợi đến khi giá cả ổn định trở lại”.
Trước tình trạng giá heo hơi liên tục giảm mạnh, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp ở một số tỉnh, thành trên cả nước đã làm hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải bỏ trống chuồng trại, Ông Nguyễn Vĩ Nhân, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh cho biết:
Người chăn nuôi không thể chạy theo đuôi thị trường mà cần phải có một giải pháp chủ động. Bởi một thực tế, giá heo lên cao thì người chăn nuôi ào ạt tái đàn, đến khi xuất bán thì giá heo lại giảm mạnh do cung thừa.
Cái vòng luẩn quẩn đó đã làm cho rất nhiều trang trại hay hộ chăn nuôi heo khốn khó. Nhà nước chưa thể trợ giá để giúp người chăn nuôi mà người chăn nuôi phải phụ thuộc vào thị trường.
Đã đến lúc, người nuôi phải tự cứu mình, các yếu tố chủ quan phải tính đến là: giảm được chi phí, tăng năng suất và phải hội đủ các điều kiện như đất đai, vốn, có chuyên môn, hiểu được cơ chế thị trường…
Những năm gần đây có nhiều trang trại nuôi heo quy mô lớn được xây dựng, hướng đến một nền chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Tuy nhiên, người chăn nuôi luôn gặp khó khăn, hết dịch bệnh rồi đến hóa chất độc hại làm cho ngành Chăn nuôi heo rơi vào cảnh khốn đốn. Tỉnh cũng có chương trình phát triển ngành Chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2015 nhưng việc triển khai còn chậm và chưa thể tạo “cứu cánh” được cho nông dân tỉnh.
Giá heo bán tại nông hộ rất thấp nhưng giá thịt heo tại các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho vẫn ở mức cao. Theo đó, giá thịt heo ba rọi rút xương từ 80.000 - 95.000 đồng/kg, sườn non 90.000 đồng/kg, thịt đùi từ 65.000 - 70.000 đồng/kg…
Giải thích nghịch lý này, một tiểu thương tại chợ Thạnh Trị tạm trên đường Trần Hưng Đạo nói: “Thương lái bán cho tiểu thương sao thì tiểu thương bán lại như vậy, chứ mình có trực tiếp mua đâu. Mua mắc thì bán mắc thôi. Đến chợ thì đủ thứ chi phí, nào là thuế, kiểm dịch, tiền thuê sạp…”.
Có thể bạn quan tâm
Có một loài rau dại mọc ven các đầm tôm, trảng cát hoặc dọc các cánh đồng muối chỉ thu hoạch được một mùa, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp.
Thông qua chương trình “Thanh niên sáng tạo làm kinh tế giỏi” do Thành đoàn Hà Nội phát động, đã có nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Ba Vì vượt khó, làm giàu.
Với lợi thế nằm ven sông Hồng, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Phát triển chăn nuôi theo mô hình liên kết, hộ chăn nuôi được đầu tư con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và đặc biệt không lo về giá cả đầu ra.