Trứng Cá Tầm Ngàn Đô
Kỹ sư Nguyễn Đình Quyền - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Giang Ly, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật nuôi cá nước lạnh ở trạm cá Klong Klăn cho biết: “Trứng cá tầm được xem là bài thuốc trị bệnh yếu sinh lý một cách vô cùng hiệu quả. Giá trung bình một kg trứng cá tầm là 2.500USD”.
THU TRỨNG KHÔNG KHÓ
Công ty cổ phần Giang Ly là một trong số các đơn vị đầu tiên nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng. Đây cũng là đơn vị có diện tích mặt nước nuôi cá tầm và cá hồi khá lớn ở Lâm Đồng hiện nay.
Nam, tài xế của Công ty cổ phần Giang Ly là một anh chàng còn khá trẻ vừa cầm vô lăng vừa nói: “Bây giờ, ngay cả Đà Lạt này cũng đã bắt đầu xuất hiện cá tầm Trung Quốc rồi đấy, anh ạ! Ai đời cá tầm Đà Lạt mà lại đưa từ TP HCM lên đến cả xe tải là sao! Anh muốn ăn cá tầm ở Đà Lạt nuôi, phải lựa đúng nhà hàng; không thì dễ bị mắc lừa lắm. Mà, cách phân biệt cá Trung Quốc với cá tầm Đà Lạt cũng không mấy khó. Sợ rồi đây có cả trứng cá tầm giả nữa thì khốn!”.
Từ Đà Lạt vào Klong Klăn không quá xa - chỉ khoảng 70km theo đường 723. Trạm cá Klong Klăn của Công ty cổ phần Giang Ly nằm ngay cạnh con đường mới mở Đà Lạt - Nha Trang ấy, ngay dưới chân đèo Hòn Giao giáp với địa phận tỉnh Khánh Hoà. Dọc theo tuyến đường này là cả một khu rừng nguyên sinh rộng vài chục hecta thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng quốc gia Bidoup Núi Bà và Ban quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim.
Hồi mới nhập giống cá nước lạnh (chủ yếu là cá hồi và cá tầm) về nuôi ở Lâm Đồng, cán bộ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã chọn khu vực suối đầu nguồn ở Klong Klăn làm nơi nuôi thử nghiệm. Giang Ly là một trong số các đơn vị đi tiên phong trong việc nuôi cá nước lạnh mang tính thử nghiệm những ngày đầu ở Lâm Đồng. Thế rồi thành công nối tiếp thành công nên chỉ vài năm sau, hai giống cá nước lạnh này có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh. Trong đó, cá tầm xem ra dễ tính hơn nên có khá nhiều địa phương trong tỉnh nuôi.
Anh Phạm Văn Tiến, quản lý Trạm cá, đưa tôi đi một vòng và bảo: “Ở trạm cá Klong Klăn, Giang Ly có 19 ao trên diện tích gần 1,5ha mặt nước (trong tổng diện tích tự nhiên khoảng 2,5ha) nhưng chỉ mới đưa vào nuôi được 16 ao. Sắp đến, chúng tôi sẽ mở rộng thêm khoảng 2ha diện tích tự nhiên. Mấy anh ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với nhân viên Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà hôm nay đang tiến hành đo đạc và cắm mốc ở ngoài thực địa.
Giang Ly đã đầu tư vào đây khoảng 30 tỷ đồng rồi đấy. Giang Ly bắt đầu nuôi cá ở đây từ năm 2006. Cá nước lạnh thương phẩm đã đưa ra thị trường từ vài năm nay rồi. Với chúng tôi, đến lúc này, việc nuôi cá tầm và cá hồi và cả việc thu trứng của chúng không khó lắm đâu. Có điều, công nghệ sau khi thu hoạch cả thịt thương phẩm và đặc biệt là trứng cá là vô cùng quan trọng”.
CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI
Tôi trở ra bàn trà ngồi nói chuyện với kỹ sư Nguyễn Đình Quyền. Quyền cho biết: “Hiện Giang Ly đang nuôi vỗ hai đàn cá tầm hậu bị để thu trứng. Hai đàn cá này có số lượng khoảng 600 con”. Tôi hỏi: “Một con tầm cái khi đẻ cho được khoảng mấy lạng trứng?”. Quyền bảo: “Tính thế này anh ạ: Cá tầm cái cho trứng trung bình bằng 5% - 7% trọng lượng cơ thể của chúng. Loại cá này ở nước ngoài nuôi đến trên dưới mười năm mới cho trứng. Còn ở Lâm Đồng, chỉ cần đến năm thứ năm là thu trứng được rồi. Đến năm thứ năm, tầm cái đạt khoảng 7kg. Cứ tính 5% - 7% là biết!”. Tôi lại hỏi: “Đàn hậu bị 600 con của Giang Ly đến khi nào đẻ?”.
Kỹ sư Quyền không giấu: “Chỉ vài tháng nữa thôi. Nhưng cái lo lớn nhất của Giang Ly lúc này là làm thế nào để muối được trứng chứ không phải chuyện thu hoạch trứng. Ở Việt Nam cho đến lúc này, trứng cá tầm chỉ mới thu thô và làm sạch chứ chưa muối và chưa làm giàu dinh dưỡng như ở nước ngoài được. Chỉ là “thô” thôi nhưng trứng cá tầm của Việt Nam cũng đã bán với cái giá trên dưới 2.500USD một kg. Làm thế nào để muối trứng mới là điều quan trọng trong lúc này!”. Theo lời của Quyền thì trên thế giới hiện nay, Thuỵ Sỹ là một trong số ít quốc gia nổi tiếng về trứng cá tầm muối.
Biết mấy anh chàng công nhân đang mổ cá đãi khách, tôi vòng lên phía bếp ăn tập thể của Công ty. Chàng lái xe tên là Nam đang “chỉ huy” việc làm cá và nấu nướng. Nam nói với tôi: “Đây là giống cá tầm Xiberi đấy anh ạ! Con này nặng khoảng 1,5kg. Đây là con cái. Cá tầm nuôi ở Lâm Đồng cỡ từng này là bắt đầu “tượng trứng” rồi!”. Để chứng minh cho điều mình vừa nói, Nam đón con cá vừa mổ bụng từ tay anh công nhân rồi moi ruột chỉ cho tôi nhìn thấy hai chùm trứng cá và bảo: “Lúc còn non, trứng có màu vàng pha hồng; đến khi trưởng thành cho thu hoạch, nó ngả sang màu nâu hơi đen tuyền. Giá loại trứng này cao như “vàng đen” nên ngay cả châu Âu cũng chỉ giới quý tộc mới ăn nổi. Còn ở Việt Nam, tính ra mỗi kg đến năm bảy chục triệu đồng thì mấy ai dám sờ vào!”.
Bữa trưa, dưới bàn tay đạo diễn của anh chàng lái xe tên là Nam, trên bàn tiệc nhỏ có đến ba món chính được chế biến từ cặp cá hồi và cá tầm là cháo cá, cá nướng giấy bạc và cá sống ăn với mù tạt. Tuy ít món nhưng số lượng khá nhiều nên các thực khách (khoảng mười người) không cần phải dè sẻn. Riêng tôi là người không được ăn các thứ bổ béo nhiều (do bị bệnh) nên chỉ nhón đũa gắp mấy miếng cá nướng giấy bạc và dăm lát cá mù tạt rồi húp lưng chén cháo là xong bữa. Tuy ăn ít là vậy nhưng khi về đến nhà tôi vẫn cảm thấy lo lo vì mấy thứ cá ấy chứa quá nhiều đạm. Riêng anh bạn tên là Công được sẻ hai chùm trứng cá tầm nọ không biết đêm qua về có còn bị vợ dỗi nữa không! Lúc này, đã qua một đêm, có lẽ nên gọi cho anh bạn ấy một cú điện thoại là được rồi chăng?
Có thể bạn quan tâm
Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội thảo về biện pháp cải thiện giống quýt hồng Lai Vung. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và UBND huyện Lai Vung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện “Chiến dịch phòng, chống bệnh chổi rồng trên nhãn” theo nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vụ Xuân năm nay, huyện Bắc Quang thực hiện gieo cấy trên 2.900 ha lúa. Đến nay, đã có 1.816,1 ha mạ đã được gieo để chuẩn bị cấy lúa Xuân. Đặc biệt, khi làm đất gieo mạ, người dân chú trọng công tác đầu tư thâm canh bằng cách bón lót phân chuồng, phân lân hoặc bón vôi cho những diện tích ruộng đã đến chu kỳ bón vôi cải tạo.
Nhằm đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết và mong muốn bán được giá cao, nhiều nhà vườn trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã tập trung xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ để bán vào dịp Tết Ất Mùi năm 2015. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất vụ xoài năm nay bị giảm đáng kể, có không ít nhà vườn phải “lỗi hẹn” với mùa xoài tết trong sự tiếc nuối.
Ngay khi vừa thu hoạch mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã không một chút đắn đo khi phá bỏ ruộng mía để trồng mì, tỉa đậu. Ông Chánh là một nông dân gắn bó lâu đời với cây mía mấy chục năm qua, chẳng còn thiết tha với cây mía.