Nghề Ép Chuối Khô Giúp Người Dân Thoát Nghèo
Theo thống kê, tỉnh Cà Mau có diện tích trồng chuối lớn thứ 2 trong khu vực ĐBSCL, với 5.509 ha, tập trung các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Năng suất trung bình 10,5 tấn/ha và sản lượng trên 44.000 tấn/năm.
Với lợi thế nguồn nguyên liệu chuối có sẵn tại địa phương, nghề ép chuối khô được nhiều hộ dân ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chọn làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cứ mỗi khi mùa mưa sắp kết thúc, bà con ở đây ai cũng náo nức chuẩn bị đương vĩ, làm giàn và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị bước vào mùa ép chuối khô.
Theo lời kể của ông Phạm Văn Tiễn, ở ấp 10B, nghề ép chuối khô nơi đây có truyền thống hàng trăm năm. Nghề này đã lưu truyền cho đến ngày hôm nay theo cách cha truyền con nối. Chuối ép ở đây vị ngon, ngọt, bởi vùng đất này rất thích hợp cho cây chuối phát triển.
Ông Tiễn cho biết thêm, vốn đầu tư cho mùa ép chuối khô không lớn, khoảng 15 - 20 triệu đồng, nhưng lợi nhuận khá cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Hiện tại, một chục chuối (14 nải) giá khoảng 28.000 - 35.000 đồng, bình quân ép được 5 ký chuối khô; giá bán chuối khô khoảng 15.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 35.000 đồng. Bình quân từ 2 - 7 giờ sáng mỗi người ép được 5 chục chuối, lợi nhuận 175.000 đồng/ngày. Sản phẩm làm ra không đủ bán, thương lái từ Cà Mau, TP Hồ Chí Minh đến đặt mua hàng với số lượng lớn.
Ông Tiễn còn cho biết thêm, nghề ép chuối khô ở đây rất mạnh, toàn ấp hiện có khoảng 125 hộ với trên 550 lao động làm nghề này, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống.
“Chuối là một trong những loại cây dễ trồng, có khả năng thích nghi với điều kiện đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay đa số nông dân đều trồng với quy mô nhỏ lẻ, nên việc đầu tư chăm sóc và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất chưa được quan tâm.
Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, rất cần được các ngành liên quan xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng cây chuối”, ông Nguyễn Văn Ðấu, ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, mong muốn.
Ngoài ra, phương thức ép chuối khô của bà con nơi đây cũng mang tính thủ công, sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên số lượng thành phẩm không ổn định, không đảm bảo cung ứng cho thị trường, nhất là trong dịp lễ, Tết.
Ðể tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng, đặc biệt xây dựng thương hiệu làng nghề ép chuối khô truyền thống, các ngành có liên quan cần quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, tại một số địa phương trong tỉnh Hậu Giang, các thương lái vào tận vườn thu mua xoài cát hòa lộc, xoài cát chu với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg (tùy loại), tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với vụ trước.
Nằm trong chương trình cải tạo vườn cây ăn quả, trong những năm qua, các hộ dân xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư để ghép vườn xoài.
Với mục tiêu hoàn thiện hệ thống quản lý và mở rộng mô hình sản xuất chôm chôm, nhãn đạt chứng nhận VietGAP, với qui mô diện tích 50 ha chôm chôm (16,6 ha đã chứng nhận và 33,4 ha mở rộng)
Nằm trên địa bàn thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), Trung tâm Giống thuỷ sản nước ngọt, trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình có diện tích gần 9 ha.
Từ đầu năm 2015 đến nay, người nuôi ngao ở Nghệ An rơi vào cảnh trắng tay. Tình hình này khiến nhiều hộ nuôi ngao điêu đứng.