Năm 2011, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bình Sơn đã phối hợp với UBND xã Bình Phú, triển khai mô hình nuôi thỏ New Zealand tại hộ anh Phạm Tấn Cung ở thôn An Thạch 1, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn. Đây là mô hình nuôi thỏ New Zealand thành công đầu tiên tại địa phương này, mở ra triển vọng trong công tác phát triển giống, con vật nuôi mới; tạo ra nghề chăn nuôi mới cho nông dân địa phương.
Được sự vốn hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của huyện Bình Sơn, từ giữa tháng 8/2011, anh Cung đã ra Ninh Bình mua giống thỏ New Zealand, với số lượng thỏ giống ban đầu là 26 con.
Trong quá trình nuôi, anh Cung đã được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi cơ bản về xây dựng và vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị thức ăn và công tác vệ sinh phòng bệnh cho thỏ.
Sau hơn 5 tháng nuôi, trong đàn thỏ đã có 8 thỏ cái sinh sản được 40 con thỏ con, nâng tổng số đàn thỏ lên trên 60 con cả lớn lẫn nhỏ. Anh Cung đã bán 20 con thỏ giống với giá 100.000 đồng/con, thu về 2 triệu đồng.
Ngày 10/2/2012 vừa qua, UBND xã Bình Phú đã tổ chức tổng kết mô hình nuôi thỏ đã được thực hiện tại gia đình anh Cung. Tại thời điểm này, đàn thỏ của gia đình anh có 8 thỏ mẹ, 14 thỏ con và 16 thỏ cái đang mang thai. Dự kiến, sau 1 năm nuôi, với 26 thỏ bố mẹ sẽ cho 344 thỏ con, bình quân tăng trọng được 688 kg thịt thỏ, với giá bán 90.000 đồng/kg sẽ thu 62 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất khoảng 33 triệu đồng, lợi nhuận đạt 29 triệu đồng/năm.
Anh Cung cho biết: thời gian triển khai mô hình gặp thời tiết thuận lợi nên thỏ sinh trưởng phát triển tốt, thức ăn cho thỏ có sẵn ở hộ gia đình, hơn nữa thỏ dễ nuôi, không kén thức ăn (chủ yếu là rau cỏ, lá cây) nên chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, do gia đình chưa có kinh nghiệm nên công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng bệnh còn hạn chế, thỏ có xảy ra một số bệnh như ký sinh trùng trùng, cầu trùng, tiêu chảy.
Tại Hội nghị tổng kết mô hình, ông Bùi Văn Thánh - Phó chủ tịch xã Bình Phú cho biết: mô hình nuôi thỏ New Zealand đã tạo ra những chuyển biến mới cho nông dân trong công tác phát triển giống, con vật nuôi mới; tạo tiền đề cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, phát huy tối đa tiềm năng, năng suất vật nuôi; tạo ra nghề chăn nuôi mới cho nông dân địa phương; nâng cao giá trị vật nuôi có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Mô hình cần được tiếp tục hỗ trợ để nhân dân có điều kiện phát triển nghề nuôi thỏ, ngành nông nghiệp nên tạo điều kiện giới thiệu mô hình để tìm đầu ra cho nông dân. Các cấp ngành cần tuyên truyền vận động nhân dân tham gia ngành chăn nuôi thỏ. Cũng theo ông Thánh, từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi thỏ tại gia đình anh Cung đã được nhiều hộ nông dân trong xã quan tâm học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu mua giống về nuôi.