Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Trồng Dừa Ta Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô Hình Trồng Dừa Ta Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Ngày đăng: 23/12/2011

Nhờ sưu tầm trồng nhiều giống dừa chất lượng và có cách chăm sóc phù hợp, vườn dừa của ông Đỗ Thành Thưởng (mọi người thường gọi là ông Tám Thưởng), ở ấp 2, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm đã đem về thu nhập cao cho gia đình ông.

Ông Tám Thưởng được mệnh danh là “vua dừa”, ông được Tổ chức Hiệp hội dừa Châu Á Thái Bình Dương trao giải thưởng Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam và được Viện tài nguyên giống cây trồng quốc tế cùng Ngân hàng phát triển Châu Á và Mạng lưới phân phối nguồn giống cây dừa quốc tế cấp bằng công nhận là nông dân tiêu biểu của phong trào trồng Cây xanh Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2010 vừa qua, ông được Ban chỉ đạo diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL khen thưởng là người đã có công "đóng góp tích cực vì sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long".

Để đạt được những thành tích trên, ông Tám Thưởng là người đam mê, gắn bó đời mình với cây dừa. Ông dày công sưu tầm nhiều giống dừa lạ, chất lượng về trồng trên mãnh vườn rộng 2,5 hecta của gia đình. Vườn dừa của ông hiện có trên 20 giống dừa các loại như: dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa ta đỏ, dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa dâu đỏ; dừa núm, dừa dâu, dừa dứa, dừa sọc,...

Biết ông Tám Thưởng là người dành nhiều tâm huyết đối với sự phát triển của cây dừa trên đất Bến Tre, khoảng năm 1994, Viện nghiên cứu Cây có dầu thực vật đã tìm đến và hợp tác với ông trồng thử nghiệm một số giống dừa lai. Ông được giao 60 trái dừa giống PB121 (giống dừa lai giữa dừa cao Tây Thi và dừa lùn Malaysiaa) và được cán bộ của viện hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa, chăm sóc và bón phân. Các giống dừa này sau 3 năm trồng đã cho năng suất rất cao, bình quân 140 – 150 trái mỗi năm.

Ông Tám Thưởng kể lại: “Trồng dừa lai, chăm sóc dừa theo hướng dẫn của các nhà khoa học, cây dừa tươi tốt, năng suất cao, tôi đã đúc kết cho mình kinh nghiệm: muốn trồng dừa đạt hiệu quả thì cũng phải chăm sóc cây dừa như các loại cây trồng khác. Và Tôi đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc dừa lai đối với các giống dừa khác trong mảnh vườn của mình. Mỗi năm Tôi bón phân cho dừa 2 lần bằng cách đào đất xung quanh góc dừa khoảng 2 mét, sau đó bón vào các loại phân lân, urê, kali theo tỷ lệ 1,2 – 0,8 – 1; bình quân mỗi năm 1 cây dừa tôi bón 3 kg phân. Trong năm 2011 này, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, tôi tiếp tục nâng số lần bón phân cho dừa lên 3 lần mỗi năm để cung cấp đủ dưỡng chất cho dừa phát triển”.

Cơn bão số 5 năm 1997, vườn dừa của ông Tám Thưởng bị ngập hoàn toàn, năng suất dừa giảm đáng kể. Từ thực tế này, ông nhận định nguồn nước cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây dừa, vì vậy ông đầu tư bờ bao khép kín cho cả mãnh vườn và gia cố hàng năm để điều tiết nước không cho vườn bị ngập úng và độ mặn cao xâm nhập vào vườn.

Nhờ được đầu tư, chăm sóc đúng mức mà vườn dừa của ông Tám Thưởng trái rất sai vào mùa thuận và ít treo vào mùa nghịch. Bình quân một cây dừa ta ông Tám Thưởng thu họach từ 70 – 80 trái mỗi năm. Hàng năm, trong khi nhiều vườn dừa vào mùa treo giảm 70 – 80% sản lượng trái, nhưng vườn dừa của ông chỉ giảm khoảng 50% sản lượng. Từ đầu năm 2011 đến nay, tháng thấp nhất ông Tám Thưởng thu hoạch trên 1 thiên dừa, tháng cao nhất trên 3,2 thiên và ông đã đạt thu nhập gần 200 triệu đồng từ vườn dừa của mình. Ngoài thu nhập từ cây dừa, trên mãnh vườn ông Tám Thưởng còn trồng xen bưởi da xanh, bưởi năm roi đạt thu nhập mỗi năm 20 triệu đồng.

Biết ông Tám Thưởng trồng dừa giỏi, nông dân nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Bến Tre đã tìm đến nhà ông để tham quan mảnh vườn và học hỏi kinh nghiệm trồng dừa của ông. Nhiều cuộc hội thảo liên quan đến phát triển cây dừa cũng đã mời ông để ông nói lên những kinh nghiệm thực tiễn giúp các nhà khoa học, ngành chức năng đúc kết, rút ra phương pháp trồng dừa đạt kết quả để chuyển giao cho nông dân trồng dừa đạt hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Lúa Trúng Mùa, Nông Dân Vẫn Không Vui Lúa Trúng Mùa, Nông Dân Vẫn Không Vui

Nông dân vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2013. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi và nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa tại một số địa phương ĐBSCL cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa vẫn chưa vui, vì giá lúa đang ở mức thấp…

11/09/2013
Cá Thát Lát Cườm Giống Tăng Giá Cá Thát Lát Cườm Giống Tăng Giá

Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 470ha thủy sản, đạt 70% kế hoạch. Năm nay, do cá thát lát cườm thương phẩm tăng giá từ 80.000 - 90.000 đ/kg tăng gần gấp đôi năm rồi, nên nhiều người trở lại đầu tư nuôi cá này, dẫn đến giá con giống cũng tăng theo.

11/09/2013
VietGAP - Đòn Bẩy Giúp Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ Phát Triển Bền Vững VietGAP - Đòn Bẩy Giúp Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ Phát Triển Bền Vững

Ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, nghề NTNL đã xuất hiện và bắt đầu từ năm 2000 NTNL phát triển nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2000 diện tích NTNL toàn tỉnh chỉ đạt 2.617 ha với sản lượng 1.348 tấn, tạo việc làm cho 5.000 lao động; đến năm 2012 diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh đạt 5.082 ha, sản lượng đạt 11.821 tấn và tạo ra việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động địa phương.

12/09/2013
Giá Nhím Giống Giảm Mạnh Giá Nhím Giống Giảm Mạnh

Sau thời gian giá nhím con ở mức khá cao: khoảng 15 triệu đồng/cặp, thì hiện nay người chăn nuôi chỉ cần đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng/cặp để chăn nuôi. Giá nhím giống giảm mạnh cũng kéo theo giá nhím thịt giảm từ trên 500.000 đồng xuống chỉ còn 150.000 đồng/kg.

12/09/2013
Ngư Dân Canh Cánh Nỗi Lo Bám Biển Ngư Dân Canh Cánh Nỗi Lo Bám Biển

Mùa khai thác thủy sản năm nay được xem là thất bát nặng nề nhất trong 20 năm qua. Ngư dân dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do biển mất mùa, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, nhiều chủ tàu vẫn tìm mọi cách huy động vốn, kể cả vay “tín dụng đen” để “đặt cược” trong những chuyến biển cuối vụ khai thác…

13/09/2013