Chăn nuôi theo chuỗi giá trị hướng đi bền vững cho nông dân
Và đây cũng là giải pháp chủ yếu nhằm duy trì và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay.
Mô hình đang được Tổ hợp tác (THT) nuôi gà thả vườn thị xã Bình Long thực hiện với quy mô hàng trăm ngàn con, lợi nhuận cao và phát triển bền vững, ổn định. Hiện mô hình đang được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh nhân rộng.
Hướng đi mới
Ông Phan Văn Túy, Tổ trưởng THT nuôi gà thả vườn thị xã Bình Long cho biết: Tháng 10-2013, 13 hộ nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương đã thành lập THT với tên gọi là THT nuôi gà thả vườn thị xã Bình Long nhằm liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia THT, các hộ phải có đủ điều kiện như: xây dựng được chuồng trại, có diện tích vườn điều, cao su hoặc vườn cây ăn trái đảm bảo độ che phủ, an toàn sinh học, không gây ô nhiễm môi trường và đóng góp 10 triệu đồng làm vốn bảo lãnh.
THT ký cam kết với các doanh nghiệp sẽ cùng mua 1 loại giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và sản xuất sản phẩm an toàn sinh học. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng cam kết bán giống, thức ăn, thuốc thú y cho THT có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, với giá rẻ hơn thị trường; tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu hết sản phẩm. Các thành viên được THT cam kết với doanh nghiệp khi mua giống, thuốc thú y, cám được trả chậm 70%, được hưởng tiền chiết khấu và không phải đi giao dịch. Với mô hình này, người nông dân không còn phải đi tìm đầu ra như những năm trước.
Hiệu quả cao
Gia đình ông Túy hiện nuôi 11 ngàn con gà thả vườn/3 lứa. Giống được mua từ Công ty TNHH MTV chăn nuôi gà thả vườn Bình Minh (tỉnh Đồng Nai), với giá 14 ngàn đồng/con. Gà giống được tiêm vắc-xin đầy đủ, sức khỏe tốt và có nguồn gốc xuất xứ. Gà được nuôi từ 3,5 đến 4 tháng, có trọng lượng 1,7 - 1,8kg/con thì xuất chuồng. Sản phẩm được Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ với giá 60 ngàn đồng/kg. Và đơn giá bao tiêu gà thịt được hai bên cam kết tính như sau: Nếu gà giống có giá 14 ngàn đồng/con thì giá thu mua là 60 ngàn đồng/kg.
Nếu giá gà giống dưới hoặc trên 14 ngàn đồng/con, thì giá thu mua là: 60 ngàn đồng + (giá gà giống - 14 ngàn đồng/con) :2. Ví dụ, giá gà giống là 18 ngàn đồng/con, thì giá thu mua là: 60 ngàn đồng + ((18 ngàn - 14 ngàn đồng/con) :2) = 62 ngàn đồng/kg. Với giá đầu vào, đầu ra như hiện nay, sau khi trừ chi phí thì gia đình ông Túy lãi từ 14 - 15 triệu đồng/1.000 con. Hiện THT phát triển lên 20 thành viên với quy mô từ 2.000 - 15.000 con/hộ.
Theo kinh nghiệm ông Túy, để đem lại hiệu quả cao và bền vững, ngoài thực hiện đầy đủ các quy định đã cam kết thì người nuôi cần có kiến thức sâu rộng về chăn nuôi như: Trang trại chăn nuôi cần có đủ ấm, thông thoáng, đảm bảo vệ sinh; diện tích vườn phải rộng, có độ che phủ và hàng rào bao quanh. Sau khi gà xuất chuồng, trang trại cần được khử trùng và cách ly từ 20-30 ngày. Trong quá trình chăm sóc, gà cần được tiêm vắc-xin đầy đủ, khi có sự cố báo ngay nhân viên kỹ thuật để kịp thời xử lý. Để có thịt gà thơm ngon, săn chắc và đẹp, từ tháng thứ 2 trở đi cần cho ăn thêm rau, cỏ, bắp...
Nhân rộng mô hình
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho rằng: Chăn nuôi theo chuỗi giá trị là hướng đi mới và bền vững cho nông dân, nhằm nâng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp.
Theo mục tiêu đề án phát triển chăn nuôi được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020 cơ bản các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo phương thức trang trại, công nghiệp; đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu; nâng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 11,5% vào cuối năm 2015 và 15% vào năm 2020.
Thực hiện đề án, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã ký cam kết với các doanh nghiệp trong việc liên kết, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Năm 2014, đơn vị đã vận động nông dân xây dựng được 10 mô hình tại 3 huyện: Đồng Phú, Hớn Quản và Chơn Thành.
Trung tâm cũng đã thực hiện 1 mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP quy mô nông hộ làm điểm cho người dân tham quan, học tập. Năm 2015 và các năm tiếp theo sẽ xây dựng 10 mô hình/năm, trong đó hỗ trợ 100% chi phí mua 1.000 con giống/mô hình/năm, tổ chức tập huấn cho nông dân. Khi các mô hình phát triển sẽ thành lập các câu lạc bộ, THT chăn nuôi. Cũng theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, ngoài nuôi gà thả vườn, nếu hộ nào ít diện tích có thể thực hiện mô hình nuôi gà Lương Phượng hoặc nuôi vịt ở nơi có diện tích ao, hồ nhưng phải đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Chúng tôi tìm gặp anh Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, đúng lúc ông đang cùng lãnh đạo Cty đi kiểm tra vườn quýt PQ1 tại xã Minh Hợp.
Chẳng biết được “khai sinh” từ bao giờ nhưng theo ông Khảm, giống bưởi Luận Văn đã được trồng cách đây khoảng 200 năm trước.
Lần đầu tiên, một giống lúa nếp năng suất cao được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp Bằng bảo hộ, đó là giống nếp N98.
Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ông Nghiêm Xuân Yêm - Bộ trưởng Bộ Nông trường đi công tác ở Bungari về mang được năm bắp ngô rất to và đẹp.
Qua trồng khảo nghiệm tại Việt Nam, giống siêu cao lương nhập từ Nhật Bản đã cho năng suất hơn hẳn so với các cây trồng truyền thống như mía, bắp... để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm...