Thành Công Từ Nuôi Lươn Bể Bạt Ở Hậu Giang

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuất hiện phong trào nuôi lươn trong bể bạt cho hiệu quả kinh tế cao, bởi chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, thị trường ổn định. Sự thành công của các hộ nuôi lươn ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ là một ví dụ.
Nuôi lươn trong bể bạt là cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ dân áp dụng và đã gặt hái được thành công. Mô hình không đòi hỏi nhiều diện tích, người dân chỉ cần tận dụng đất trống xung quanh nhà khoảng vài chục mét vuông là có thể tiến hành nuôi. So với các mô hình khác như nuôi cá, nuôi rắn, nuôi gà… thì nuôi lươn đơn giản hơn nhiều. Người nuôi không cần tốn nhiều chi phí đầu tư về con giống, thức ăn cũng như thời gian chăm sóc, nhưng nguồn lợi nhuận mang lại khá hấp dẫn. Chính những nguyên nhân trên dẫn đến nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Viễn quyết định đầu tư nuôi và gắn bó với mô hình này.
Ông Đỗ Văn Trắng, ở ấp 1, cho biết: “Từ lúc tôi nuôi lươn đến nay đã được 5 năm. Lúc đầu, thấy bà con trong khu vực nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và nuôi thử một bể khoảng 12 m2 với 15 kg lươn giống. Sau 8 tháng chăm sóc, vụ nuôi đầu tiên cũng thu hoạch được 50 kg lươn thịt, bán với giá 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí con giống, dụng cụ làm bể bạt, gia đình tôi cũng thu về được trên 3 triệu đồng”. Thấy có lời, ông Trắng tiếp tục đầu tư cho bể nuôi. Đến thời điểm này, ông Trắng đã có 4 bể với diện tích gần 50 m2, mỗi bể ông thả khoảng 25 kg lươn giống. Hàng ngày, ông Trắng bắt ốc bươu vàng về làm thức ăn cho lươn vừa tiết kiệm được chi phí, vừa hạn chế được lượng ốc lưu tồn trên đồng ruộng. Trung bình mỗi năm, ông thu về được hơn chục triệu đồng.
Nhờ mô hình nuôi lươn mà nhiều người dân ở xã Vĩnh Viễn có được nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống dần được cải thiện. Anh Nguyễn Văn Đông, ở ấp 1, chia sẻ: “Lúc trước hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, do nhà có ít đất canh tác lại không có cơ sở làm ăn, nên hàng ngày phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Khi được chính quyền địa phương phát động phong trào nuôi lươn, tôi liền tham gia. Vụ nuôi đầu tiên thu được lợi nhuận tương đối khá, đời sống từ đó cũng được nâng lên. Gia đình tôi không còn phải vất vả như trước nên tôi tiếp tục gắn bó với nghề này”. Được biết, năm vừa qua, anh Đông tự kiếm con giống bằng cách đặt trúm, dớn thả nuôi được 60 kg lươn giống, rồi tận dụng công nhà bắt ốc, cá tạp cho lươn ăn, cuối vụ xuất bán được 118 kg lươn thịt, với giá bán từ 105.000 - 115.000 đồng/kg, thu về được trên 10 triệu đồng.
Thực tế đã chứng minh mô hình nuôi lươn trong bể bạt cho hiệu quả kinh tế khá cao. Con giống thường được đánh bắt trong tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cua, ốc bươu vàng, cá vụn rất dễ tìm, nhất là vào mùa nước nổi. Đầu ra của lươn tương đối ổn định, giá lươn dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy theo trọng lượng. Với mức giá này, người dân có thể thu được lợi nhuận cao. Ông Trần Văn Vẹn, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Viễn, cho biết: Mô hình nuôi lươn đã hình thành khá lâu ở địa phương, nhưng phát triển mạnh từ năm 2008 đến nay.
Trên địa bàn xã hiện có 17 hộ dân tham gia, với khoảng 36 bể nuôi. Nuôi lươn trong bể bạt không cần tốn nhiều diện tích, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, đầu ra của lươn thuận lợi, thị trường ưa chuộng nên người dân yên tâm đầu tư vào loài thủy sản này. Đây là mô hình hay không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập mà còn giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ nuôi lươn mà nhiều hộ dân thuộc diện hộ nghèo trong xã đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định…
Có thể bạn quan tâm

Mô hình thực hiện với quy mô 100m3 lồng, 1.000 con cá giống với 2 hộ tham gia là ông Lê Văn Thư và Hà Văn Đức ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống với kích cỡ tối thiểu 5cm/con, không còi cọc, dị hình, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng và 50% thức ăn công nghiệp, 50% vôi bột tỏa, 50% thuốc phòng bệnh cho cá. Tổng số tiền hỗ trợ 47.150.000 đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được tập huấn về kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi, thả cá, chăm sóc quản lý, phòng bệnh cho cá...

Sáng 19/12, Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiệm thu loại khá đối với kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa”. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Võ Thế Dũng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Cà Mau phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Tuy nhiên, việc sản xuất và quản lý chất lượng con giống còn nhiều hạn chế: toàn tỉnh hiện có trên 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương cá tra giống, sản lượng giống cá tra sản xuất được 18,9 tỷ con cá bột (giảm 1,3 tỷ con so với cùng kỳ), 1,19 tỷ con cá giống (tăng 51 triệu con); giống cá tra bố mẹ thoái hóa do cận huyết nên tỷ lệ sống thấp, ảnh hưởng đến giá thành; công tác kiểm tra chất lượng con giống còn bỏ ngõ dẫn đến chất lượng con giống không đảm bảo.

Theo đó, sản lượng thủy sản nước ngọt là 71 tấn, nuôi nước mặn và nước lợ thu hoạch hơn 17.000 tấn. Sản lượng các đối tượng thủy sản nuôi trồng đạt khá là tôm thẻ chân trắng dẫn đầu với khoảng 7.500 tấn; tiếp đến là cá mú, cá chẽm và một số loại thủy sản khác. Nuôi tôm lót bạt cho thu nhập khá nên diện tích thả nuôi liên tục tăng.