Dịch Bệnh Tôm Gia Tăng

Về vùng nuôi tôm Công Lương, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) vào những ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi được biết vấn đề thời sự của người dân ở đây là nạn dịch tôm đang hoành hành. Trước đây, vùng nuôi tôm Công Lương chưa bao giờ bị dịch bệnh vì cơ sở hạ tầng nuôi tôm nơi đây được Nhà nước đầu tư khá tốt, tính cộng đồng trong nuôi tôm cũng được người nuôi thực hiện chu đáo.
Thế nhưng, bước vào vụ nuôi năm nay, trong khi theo khuyến cáo của ngành Thủy sản, thời vụ nuôi tôm bắt đầu từ tháng 3 thì người nuôi tôm ở Hoài Mỹ lại "cãi lịch" thả tôm sớm trước hơn 2 tháng. Kết quả là hầu hết diện tích tôm thả sớm đều bị dịch bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm.
Ông Đỗ Phú Hữu, Trưởng Trạm Kiểm dịch Thú y thủy sản Hoài Nhơn, cho biết: "Toàn huyện Hoài Nhơn đã tiến hành thả nuôi 117ha/256 ha mặt nước nuôi tôm, tuy nhiên, đã có 50 ha bị dịch bệnh, tập trung chủ yếu tại các vùng thả nuôi trước lịch thời vụ. Riêng tại khu vực nuôi tôm Công Lương có 18 ha diện tích mặt nước nuôi tôm thì đã có 16,8 ha bị dịch bệnh phải cải tạo lại hồ để nuôi lại".
Ông Nguyễn Chí Tâm, một hộ nuôi tôm ở Công Lương, đang rầu rĩ bên hồ tôm đã chết sạch. Ông cho biết, vào đầu tháng 1/2008 khi thấy các hộ trong vùng bắt đầu cải tạo hồ để thả tôm, ông cũng làm theo. Nhưng không ngờ năm nay thời tiết diễn biến quá phức tạp, rét lạnh kéo dài rồi đến các đợt nắng nóng đã làm nhiệt độ môi trường ao nuôi biến động, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của tôm.
Tôm bắt đầu có hiện tượng biếng ăn, ruột rỗng rồi chết dần, buộc ông phải thu dọn hồ sớm để thả nuôi lại. Số vốn hơn 30 triệu đồng đầu tư cho hồ tôm bỗng chốc trở thành mây khói. Ông Tâm than thở: "Ở vùng nuôi tôm Công Lương chưa bao giờ bị dịch bệnh, vậy mà năm nay dịch lại bùng phát sớm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả vùng. Cả khu vực Công Lương có tất cả 43 ao nuôi tôm nhưng đã có đến 40 ao bị bệnh, còn lại chỉ có 3 ao nhưng tôm rất chậm lớn".
Ông Trần Đình Ba, cũng là người nuôi tôm ở Công Lương, có ao rộng 4.000 m2, thả 30 vạn tôm giống được hơn 30 ngày thì tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Ông cho biết: "Lúc đầu chỉ vài hồ tôm bị dịch bệnh, thấy vậy các chủ hồ tôm khác đã cảnh giác xử lý thuốc rồi thay nước… nhưng không ai cứu được con tôm. Từ đầu tháng 4 đến nay, hàng chục ao tôm trong vùng đều bị bệnh rỗng ruột, tôm không ăn dẫn đến chết hàng loạt. Người bị thiệt hại ít nhất cũng mất 5 - 10 triệu đồng, cao nhất lên tới 30 - 50 triệu đồng vốn đầu tư".
Ngoài diện tích nuôi tôm ở Hoài Nhơn, tại các địa phương như: Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn dịch bệnh tôm cũng đã xuất hiện. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại các địa phương nói trên diện tích tôm bị bệnh gần 15 ha, tập trung chủ yếu tại các vùng thả sớm trước lịch.
Ông Võ Đình Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản Bình Định, qua khảo sát tại các vùng nuôi tôm, đã cho rằng: Nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm là do người nuôi tôm không tuân theo lịch thời vụ quy định. Do thả tôm sớm nên gặp rét lạnh kéo dài, sau đó thời tiết nắng nóng, độ mặn trong hồ nuôi tăng cao gây sốc cho tôm dẫn đến dịch bệnh.
Bên cạnh đó, người nuôi tôm vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của chất lượng con giống trước khi thả nuôi, phần lớn số tôm giống thả nuôi đều chưa qua kiểm dịch. Ngoài ra, ở nhiều vùng nuôi tôm hệ thống cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải vẫn chưa được quan tâm, đã làm cho dịch bệnh tôm lan rộng.
Nghề nuôi tôm nhiều năm trở lại đây ở Bình Định luôn ẩn chứa nhiều yếu tố may rủi. Thế nhưng đáng tiếc là người nuôi vẫn tỏ ra xem thường các quy định, khuyến cáo của các cơ quan chức năng về lịch thời vụ, về kỹ thuật nuôi tôm... Do vậy, vấn đề dịch bệnh tôm "đến hẹn lại lên" là điều không mấy khó hiểu.
Có thể bạn quan tâm

Ông Lê Văn Hoàng, ở ấp Phú Long A - xã Phú Khánh (Thạnh Phú - Bến Tre), có kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn gần 4 năm nay. Trước đây, với ý định nuôi gà ta nhỏ lẻ để bán cho bà con trong xóm nên ông chỉ nuôi trên 30 con. Thấy có hiệu quả kinh tế, ông bắt đầu tăng số gà nuôi.

Bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh, huyện, vụ hè thu và vụ thu đông, Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã cung ứng 4.800 kg giống lúa chất lượng cao gồm: OM 4900, OM 10041, OM 6976 và OM 8017 cho các xã Phong Mỹ, Ba Sao, Tân Nghĩa, Mỹ Thọ, Phương Trà và Gáo Giồng để nhân giống trên diện tích 40 ha.

116 hộ dân tham gia mô hình nuôi bò vàng thuần chủng do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đổi thay nếp nghĩ, cách làm của người chăn nuôi.

Nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu trễ ở miền Tây Nam Bộ thu lợi nhuận khá lớn. Ông Trần Thanh Mẫn trồng 5 ha lúa ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Mới tuần trước tôi thu hoạch lúa hè thu bán ngay tại ruộng 5.000 đồng/kg, nay lúa đã tăng lên 5.100 đồng/kg đã làm mất một số tiền không nhỏ”. Dù bán lúa sớm mất tiền nhưng ông Mẫn vẫn thu được 15 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với những nông dân đã thu hoạch hơn 1 tháng trước đây.

Hiện nay, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đẩy mạnh việc ứng dụng và trồng nhãn chín muộn với thời gian chín muộn hơn nhãn chính vụ 1 tháng, qua đó giá trị đã được nâng lên rõ rệt.