Chăn Nuôi Gia Công Ở Bà Rịa Vũng Tàu Lời Ít Nhưng An Toàn
Người chăn nuôi gia cầm đang phải chịu nhiều rủi ro vì giá thức ăn, dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… Để tránh những rủi ro này, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày càng nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang chăn nuôi gia công cho DN trong và ngoài nước. Đây đang là mô hình chăn nuôi ít rủi ro do được bao tiêu sản phẩm.
Chăn nuôi theo hình thức gia công có độ an toàn với dịch bệnh cao do đội ngũ cán bộ thú y của doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ và người chăn nuôi không lo đầu ra cho sản phẩm. Trong ảnh: Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong 82 trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh, có 53 trại chăn nuôi gia công. Trang trại nuôi heo theo hình thức gia công cũng phát triển mạnh. Nguyên nhân tăng số lượng trang trại chuyển sang chăn nuôi gia công là do tác động của dịch bệnh và giá cả thị trường.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm và ít phải chịu rủi ro nên nhiều trang trại chuyển sang chăn nuôi gia công. “Trước đây, tôi nuôi heo với hình thức nhỏ lẻ trong gia đình ở tỉnh Đồng Nai và gặp nhiều rủi ro từ dịch bệnh cho đến khâu mua thức ăn, tiêu thụ sản phẩm…
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi quyết định đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gia công cho một công ty nước ngoài và nhận thấy chăn nuôi theo hướng này an toàn hơn. Vật nuôi được đối tác tiêm phòng vắc xin, khử độc chuồng trại… nên rất an toàn. Chấp nhận hưởng lãi ít hơn nuôi cho mình, nhưng tránh được tình trạng như dịch bệnh, đầu ra, đầu vào đều có đối tác bao tiêu”- ông Hồ Xuân Thống, ở Phước Hội (huyện Đất Đỏ) cho biết.
Ông Trần Quang Hoàn, một hộ chăn nuôi gia công gia cầm tại huyện Đất Đỏ cũng cho biết thu nhập từ việc chăn nuôi gia công của gia đình ông ổn định. Ông Hoàn nhận định, tình hình dịch bệnh hiện rất phức tạp, thức ăn cho gia cầm, tiền cước vận chuyển… đều tăng, vì vậy, chăn nuôi gia công đang là lựa chọn tốt cho người chăn nuôi ở thời điểm này.
Theo các hộ chăn nuôi gia công, trung bình mỗi tấn sản phẩm heo hơi, người chăn nuôi hưởng khoảng 3 triệu đồng, gia cầm khoảng 2,2 triệu đồng tùy theo thỏa thuận giữa người chăn nuôi và đối tác. Các hộ chăn nuôi gia công sẽ được đối tác đầu tư trọn gói từ giống, thức ăn, kỹ thuật còn người chăn nuôi chỉ tốn công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Theo đánh giá của Chi cục Thú y, lợi thế của việc chăn nuôi theo mô hình tập trung là an toàn dịch bệnh cao, được ngành thú y và cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm soát, quản lý chặt chẽ nên ít xảy ra dịch bệnh. Cụ thể, trong chăn nuôi gia công, những quy định quản lý dịch bệnh được các cơ sở chăn nuôi áp dụng theo quy trình của đối tác. Phía địa phương kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra, kiểm soát con giống ngay từ khi các công ty đối tác của người chăn nuôi đưa vào.
Theo định kỳ, lực lượng thú y sẽ kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, có lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra bảo hộ đàn gia súc, gia cầm. Khi mức độ bảo hộ thấp, ngành thú y sẽ làm việc với các công ty đối tác của người chăn nuôi để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi.
Với những ưu điểm đó, chăn nuôi gia công đang là một lựa chọn được nhiều hộ chăn nuôi phát triển. Và chăn nuôi gia công cũng là một trong những hướng phát triển đã được ngành nông nghiệp tỉnh định hướng và xây dựng. Theo đó, cùng với khuyến khích người chăn nuôi tham gia thì ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người chăn nuôi, ngoài lợi ích kinh tế, cần cố gắng tích lũy những kinh nghiệm và những kiến thức tiến bộ khoa học trong chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 17-4 UBND huyện Đak Hà (Kon Tum) cho biết vừa phối hợp với Văn phòng điều phối EDE Consulting khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án “Việt Nam có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn-Hướng tới giảm lượng nước tưới trong sản xuất cà phê”.
Là một trong số ít nông sản của Hà Nội được cấp nhãn hiệu tập thể và có chất lượng thơm ngon, tuy nhiên, khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì) vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kênh tiêu thụ ổn định.
Sản phẩm của cây dừa Bến Tre đã có mặt ở 77 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng nông dân trồng dừa thu nhập vẫn thấp; sản phẩm chế biến từ dừa đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành dừa phát triển bền vững cần vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp (DN).
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây có múi tăng, nhưng mạnh nhất là sản phẩm chanh tươi. So với mùa thuận, giá chanh hiện nay tăng gấp 4 - 5 lần, nhiều nhà vườn trồng chanh ở Đồng Tháp “hốt bạc” nhờ vụ chanh nghịch mùa năm nay.
Do nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, hiện giá nhiều loại thủy sản như: cá lóc đồng, cá ba sa, lươn, cá bống kèo, ếch… đã tăng từ 3.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước.