Chăn Nuôi Bò Sữa Làm Giàu Cho Nông Dân

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh ở một số huyện và trở thành nghề làm giàu cho một bộ phận người dân ngoại thành Hà Nội. Tổng đàn bò sữa của toàn thành phố hiện có 10.868 con với sản lượng sữa đạt 92,6 tấn/ngày.
Nhiều địa phương có đàn bò sữa khá ổn định như các xã: Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh (Ba Vì); Phù Đổng, Trung Màu (Gia Lâm); Phượng Cách (Quốc Oai)… Các xã này có tới 8.643 con, chiếm 81% tổng đàn bò sữa toàn thành phố, với sản lượng đạt 70,2 tấn/ngày, mang lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 60 điểm thu mua sữa của 8 nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa nên đầu ra tương đối ổn định.
Trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Nguyễn Văn Bưởi, ở xã Yên Bài (Ba Vì) nuôi 14 con, trong đó có 7 con đang khai thác sữa nhưng cũng đạt sản lượng 1 tạ sữa/ngày, với giá 12.500 - 12.600 đồng/kg. Anh Bưởi tâm sự: Nghề nuôi bò sữa không giàu nhanh, nhưng đổi lại, người nuôi có cuộc sống ổn định, vì không phải lo đầu ra. Cùng chung tâm trạng, anh Phí Đình Nghi, hộ nuôi bò sữa ở xã Vân Hòa (Ba Vì) cho biết thêm: Trang trại của gia đình nuôi 5 bò sữa, trong đó có 2 con đã cho khai thác với sản lượng 30 lít sữa/ngày, nhưng cũng đã bảo đảm cuộc sống. Thời gian tới, cả 5 con đều cho khai thác sữa thì khi đó anh có tiền để mở rộng sản xuất...
Tuy nhiên, khó khăn nhất của nghề chăn nuôi bò sữa hiện nay là việc lựa chọn con giống vì giá bò giống đang rất cao, từ 40-42 triệu đồng/con, song chất lượng con giống vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều hộ dân mua bò về nuôi một thời gian không cho khai thác sữa buộc phải bán thành bò thịt. Một số giống bò có chất lượng tốt như giống của Hà Lan, Newzeland… song chỉ các công ty sữa lớn mới có khả năng mua về nuôi. Ngoài ra, giá thức ăn cũng tăng quá cao, chỉ trong 2 tháng vừa qua đã tăng thêm 20.000 đồng/bao, trong khi giá thu mua sữa không thay đổi, khiến người nông dân lo lắng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (Ba Vì) Nguyễn Đình Hồng, năm 2007 cả xã chỉ có 140 con, đến nay đã tăng lên hơn 2.000 con với hơn 400 hộ chăn nuôi bò sữa. Song, để nghề này phát triển ổn định, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho nhân dân từ đào tạo các kiến thức chuyên sâu về chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, lựa chọn con giống chất lượng đến việc chăm sóc, vắt sữa sao cho bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp thu mua sản phẩm sữa nên linh hoạt giá theo từng thời kỳ, tránh mua với giá cũ quá lâu, trong khi giá đầu vào luôn tăng cao, làm cho nông dân không có lãi.
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, mục tiêu của Hà Nội là đến năm 2015 xây dựng được 15 xã chuyên chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn lên tới 15.000 con, sản lượng sữa đạt 36.500 tấn. Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người nuôi bò sữa, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi về con giống, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Các địa phương cần sớm quy hoạch vùng chăn nuôi ổn định xa khu dân cư, vùng trồng cỏ, bảo đảm nguồn thức ăn cho bò. Các hộ dân cần phải nâng cao kiến thức về chăn nuôi theo chiều sâu, thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, không ngừng nâng cao năng suất chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Cơ quan chức năng huyện Tam Đường đã cho tiêu hủy khoảng 1.200 con gia cầm các loại do nhiễm virus cúm A/H5N6 tại hai ổ dịch thuộc xã Sơn Bình và xã Bình Lư.

Bệnh lem lép hạt có khả năng tiếp tục phát sinh gây hại lúa mùa trà muộn trỗ bông - chín tại các tỉnh ven biển khu vực Bắc Trung bộ khi gặp mưa rào và tố lốc

Cả 3 mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn gia cầm của gia đình ông Nguyễn Văn Viên ở thôn Ngọc Yên, xã Đăk Xú (Ngọc Hồi, Kon Tum) đều dương tính với virut cúm A/H5N1.

Hiện theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, mức thuế suất ưu đãi dành cho các thành viên WTO là 40% đối với đường trắng.

Lạ quá, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nông sản! Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2015, một đất nước nổi tiếng nhiều cây trái nhiệt đới đã nhập khẩu 360 triệu USD trái cây từ 13 quốc gia, trong đó chủ yếu là Thái Lan và Trung Quốc.