Ngao Chết Hàng Loạt, Ngư Dân Gặp Khó
Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều đầm, bãi nuôi ngao giống và thương phẩm ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Theo các ngư dân, chưa có năm nào ngao chết nhiều như năm nay.
Huyện Tiền Hải có tổng diện tích nuôi ngao hơn 2.300 ha gồm bảy xã là Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú, Nam Cường, Đông Minh, Đông Hoàng và Đông Long, trong đó có 1.992 ha nuôi thương phẩm và 374 ha ươm giống.
Ngày 11-8, nhận được thông tin về hiện tượng ngao chết bất thường tại vùng nuôi ngao xã Đông Long, Đông Minh và Nam Thịnh, phòng nông nghiệp huyện phối hợp Chi cục Thú y tỉnh, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trạm thú y huyện, UBND các xã tiến hành khảo sát, lấy mẫu để xác định tỷ lệ ngao chết, nguyên nhân gây chết và diện tích ngao chết.
Qua nắm bắt thực tế, đến ngày 17-8, tổng diện tích ngao bị chết là hơn một nghìn ha với tổng sản lượng thiệt hại khoảng bảy nghìn tấn, trong đó diện tích ngao chết dưới 30% là 202,8 ha; từ 30% đến dưới 70% là 381,07 ha; từ 70% trở lên là 426,11 ha.
Thời điểm này, xã Đông Minh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do ngao chết hàng loạt. Tại đây, có 446,2 ha diện tích bãi triều nuôi ngao, trong đó có 317 ha nuôi ngao theo hợp đồng. Chủ tịch UBND xã Đông Minh Vũ Đức Thiện cho biết: Từ ngày 10 đến 13-8, toàn bộ diện tích bãi nuôi ngao bị chết, nơi tỷ lệ thiệt hại thấp nhất từ 20 đến 30%, cao nhất từ 70 đến 90%, thiệt hại ước tính hơn 108 tỷ đồng.
Ngày 12-8, địa phương đã báo cáo huyện, sau đó các ngành chức năng đã cử cán bộ chuyên môn xuống khảo sát và sơ bộ đánh giá tỷ lệ thiệt hại, đồng thời nhận định nguyên nhân ngao chết là do mưa lớn, độ mặn nước biển giảm xuống 8%o làm con ngao bị sốc nước ngọt, giảm khả năng đề kháng. Sau đó, từ ngày 8-8 nước biển lại có độ mặn cao từ 30 đến 32%o cùng với thời tiết nắng nóng dẫn đến ngao bị chết.
Trước thực trạng nêu trên, UBND xã Đông Minh đã chỉ đạo các hộ nuôi ngao tập trung khắc phục hậu quả, trước mắt huy động nhân lực thu dọn toàn bộ xác, vỏ ngao ra khỏi vùng nuôi, trong giai đoạn này không đầu tư thả giống, tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình vùng nuôi để báo cáo các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ nguyên nhân, đề xuất biện pháp quản lý diện tích ngao còn lại.
Tuy nhiên, với rủi ro này thì thiệt hại đối với ngư dân là rất lớn, nhiều hộ không còn vốn để tái sản xuất cũng như trả nợ vốn vay ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, trú tại xóm 10, thôn Ngải Châu, xã Đông Minh buồn rầu cho biết: "Mấy năm nay nuôi ngao bấp bênh nhưng dân vùng biển không bám biển mà sống thì biết làm gì". Với hơn 60 nghìn m2 ươm giống và 1,2 ha nuôi ngao thương phẩm chuẩn bị xuất bán đã bị chết khoảng 50%, gia đình ông bị thiệt hại hơn 800 triệu đồng.
Để đầu tư cho một ha đầm bãi nuôi thả ngao thương phẩm, theo tính toán của ngư dân là khoảng 400 triệu đồng bao gồm tiền giống, tiền mua vây và tiền trông coi. Như gia đình ông Dũng, ngoài vay mượn anh em, họ hàng thì 70% vốn đầu tư đều phải vay từ các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, trú tại thôn Vĩnh Trà, xã Nam Trung (Tiền Hải) đang thuê 10 ha đầm, bãi ở xã Nam Thịnh để nuôi ngao, lo lắng nói: "Thời điểm này, gia đình tôi bị thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng do ngao chết hàng loạt. Hiện, tôi đang vay ngân hàng 1,7 tỷ đồng chưa biết cách nào để trả nợ".
Bà con ngư dân cho hay, những năm trước từ lúc nuôi thả đến khi thu hoạch chỉ khoảng một năm rưỡi, nhưng gần đây thời gian sản xuất phải kéo dài đến hai năm, thậm chí ba năm do môi trường nước ô nhiễm, phù du ít, cho nên ngao chậm phát triển. Nguyện vọng của ngư dân là đề nghị cơ quan chuyên môn đánh giá đúng mức độ thiệt hại, có chính sách hỗ trợ và đầu tư phát triển sản xuất vùng bãi triều.
Trước mắt, mong muốn ngân hàng gia hạn vốn vay cho các hộ còn nợ đọng, tiếp tục ưu tiên vốn vay bổ sung để hộ nuôi ngao có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền tỉnh, huyện xem xét miễn tiền thuê đầm, bãi cho các hộ ngư dân có ngao chết từ ba đến năm năm.
Với diện tích ngao chết trên diện rộng đang tiếp tục xảy ra, điều quan trọng nhất là các xã ven biển huyện Tiền Hải cần tuyên truyền, vận động ngư dân tổ chức thu dọn sạch số ngao chết trong lúc thủy triều rút, tránh để thối rữa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tại các vùng nuôi ngao giống và thương phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát ở phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đã và đang định hướng sản xuất theo mô hình VietGap để tiến tới xây dựng thương hiệu. Với hướng đi đúng đắn này, HTX rau an toàn Hòa Phát kỳ vọng sẽ nâng chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường bằng thương hiệu, tăng thu nhập cho nhiều xã viên HTX.
Mặc dù đang là cao điểm của mùa khô, nhưng đến xã Phước Vinh (Ninh Phước) vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi vẫn thấy màu xanh bạt ngàn của những ruộng cỏ voi, bắp lai, dưa hấu đang thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch.
Lâu nay, có lẽ nhiều người biết đến xã Xuân Minh (Quang Bình) bởi đặc sản chè với hương vị đậm đà, riêng lạ. Chè Xuân Minh dù không được quảng bá rầm rộ, nhưng hữu xạ tự nhiên hương, danh tiếng của thứ chè trồng ở độ cao 600 – 700m so với mực nước biển này đang mở ra lợi thế cho xã vùng 3 Xuân Minh.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) vừa có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Nước Cộnghòa nhân dân Trung Hoa -AQSIQ), về việc trong thời gian qua có 17 trường hợp lô hàng thực phẩm có nguồn gốc thực vật từ Trung Quốc XK sang Việt Nam bị phát hiện dư lượng hóa chất BVTV vượt quá mức quy định của Việt Nam.
Mới đây, thương lái Trung Quốc thu mua con banh lông với giá rất cao nhưng lại giảm giá sâu làm cho ngư dân và các cơ sở mua bán thua lỗ, gây hại môi trường đáy biển do khai thác con banh long.