Thành Công Với Trang Trại Tổng Hợp

Tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, song với hoài bão và quyết tâm làm giàu từ mảnh đất quê hương, chàng thanh niên Võ Ngọc Sơn đã trở thành ông chủ trẻ với nguồn thu nhập hàng tỷ đồng từ trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Sau cuộc hẹn, Võ Ngọc Sơn dàn xếp công việc, vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi mà anh có được là trang trại tổng hợp đóng trên địa bàn xã Duy Hòa (Duy Xuyên).
Sơn cho biết, những gì mình có được ngày hôm nay là kết quả của niềm đam mê, tâm huyết lẫn tri thức, sức lực. Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Đông Gia (Đại Minh, Đại Lộc), Sơn cũng như bao thanh niên khác từng mơ ước được vào giảng đường để có thể đổi đời.
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, là một kỹ sư xây dựng, Sơn cũng đã bôn ba với nghề nhiều năm nơi xứ người. Những trở ngại trên con đường lập thân đã khiến Sơn trăn trở, và rồi anh quyết tâm rẽ sang một lối đi ít ai ngờ tới: về quê đầu tư chăn nuôi.
Với nguồn vốn tích lũy ít ỏi nên Sơn phải vay mượn bạn bè, người thân để đầu tư cho dự án của mình. May mắn là anh nhận được sự ủng hộ, động viên rất lớn từ gia đình.
Ban đầu, Sơn chọn thả nuôi gần 2.000 con gà siêu trứng, nhờ chăm sóc tốt, lứa gà này đã đem lại cho anh nguồn thu đáng kể.
Thành công nhỏ này là động lực giúp Sơn mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và nâng số lượng đàn gà lên hàng nghìn rồi hàng chục nghìn con. Tận dụng diện tích đất rộng rãi, anh đầu tư nuôi thêm heo thịt, thỏ, đào ao thả cá.
Sơn quan niệm việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường và có thể cung cấp sản phẩm ở bất cứ thời điểm nào trong năm khi thị trường cần. Trang trại nằm vị trí cách xa khu dân cư, thoáng mát, khu chăn nuôi được xây dựng rất kiên cố, phân chia theo từng khu, từng lô phù hợp với từng loại vật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh.
Khu vực này còn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, những ô thông gió, đặc biệt có hệ thống cung cấp nước tự động được lắp đặt từ nhiều vòi nước chảy tự do. Bên trong có rất nhiều quạt gió hoạt động nhằm đẩy và hút gió để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp cho đàn vật nuôi.
Không ngại khó ngại khổ, bên cạnh đầu tư con giống tốt, hệ thống chuồng trại kiên cố, anh còn chú trọng đến khâu phòng bệnh cho vật nuôi, huy động nguồn vốn đầu tư. Đến nay, cơ sở của anh đã hình thành trên diện tích 10ha. Trang trại hiện có 16.000 gà thịt và gà đẻ trứng, hơn 500 heo thịt với trọng lượng lúc xuất chuồng mỗi con khoảng 1 tạ, 300 thỏ nái sinh sản, trâu sinh sản 15 con.
Không chỉ vậy, anh còn đào ao thả cá trên diện tích 3ha nuôi chủ yếu cá trê lai, vốn là loài cá ăn tạp và có giá thành khá cao. Với 16.000 gà siêu trứng, bình quân mỗi ngày trang trại thu về 15.000 quả trứng và thị trường tiêu thụ chủ yếu là các đại lý, siêu thị, chợ Đà Nẵng, Tam Kỳ…
Cơ ngơi mà trí thức trẻ như Võ Ngọc Sơn tạo dựng được đối với nhiều người là cả niềm mơ ước. Mỗi năm, trang trại của anh thu về hơn 6 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức lương trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Có thể bạn quan tâm

Đã qua, nhiều hộ chụp lưới cá thu hoạch mỗi đợt từ 5-7 triệu đồng. Năm nay, giá cá khá cao, nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi cá đồng ở vụ tiếp theo.

Sản lượng thu hoạch đến cuối tháng 2-2014 hơn 2.930 tấn, đạt 5,64% kế hoạch, tăng 4,75% so với cùng kỳ. Một số địa phương có diện tích thả nuôi lớn như: huyện An Minh 31.940ha, Vĩnh Thuận 18.554ha, An Biên 8.683ha…

Từ đầu năm đến nay, các tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng thu hoạch 7.401 tấn thủy sản các loại, vượt 9,56% kế hoạch 2014. Riêng trong tháng 2 vừa qua, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 12.335 ha, giảm 179 ha so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, nhờ hoạt động khai thác thủy sản trên biển ổn định, được mùa nên sản lượng khai thác thủy sản của huyện đạt khá cao.

Hiện nay, huyện Tháp Mười là địa phương có diện tích nuôi ếch lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với hơn 40ha. Ước tính, trung bình mỗi năm địa phương có thể cung cấp 5 ngàn tấn ếch thương phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người chăn nuôi phải liên tục lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, khó khăn trong việc tìm đầu ra.