Quảng Ninh Chuyển Đổi Nuôi Một Số Loài Cá Biển Trong Ao
Nhằm cải thiện môi trường, nhất là môi trường các ao, đầm nuôi tôm bị dịch bệnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh đã triển khai áp dụng mô hình chuyển đổi nuôi một số loài cá biển trong ao. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường biến động, hàng năm diễn biến độ mặn ở các vùng nuôi thay đổi nhiều, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây không ít khó khăn cho người nuôi tôm nơi đây.
Cùng với đó, việc nuôi trồng thuỷ sản chưa hiệu quả, thiếu bền vững do phát triển tự phát không tuân thủ quy hoạch, đặc biệt diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hàng năm đều tăng về số lượng và diện tích. Hệ thống công trình nuôi không đảm bảo, quy trình kỹ thuật còn thô sơ, chủ yếu do kinh nghiệm từ nuôi tôm sú quảng canh.
Ý thức từ người nông dân trong việc lạm dụng thuốc trong nuôi trồng thuỷ sản, việc xả thải chất thải ra môi trường làm ô nhiễm môi trường và lan tràn dịch bệnh, dẫn đến việc nuôi tôm không những không hiệu quả mà còn làm kiệt quệ kinh tế của hộ gia đình, làm ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Trước thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình chuyển đổi nuôi một số loài cá biển trong ao. Theo đó, Trung tâm đã triển khai nuôi một số loài cá biển vào trong ao như: Vược, hồng mỹ, đối mục, chim vây vàng, bống bớp với diện tích 1ha cho mỗi đối tượng nuôi tại TX Quảng Yên.
Đây đều là đối tượng nuôi mới, ít bệnh tật, không phải sử dụng nhiều loại thuốc, chăm sóc dễ, tỷ lệ rủi ro thấp. Để việc nuôi trồng của bà con nông dân đúng quy trình, phát huy hiệu quả, Trung tâm đã tiến hành tập huấn cho người dân về đặc tính của giống, thời vụ nuôi trồng, cách chăm sóc...
Là một trong những hộ dân tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Mầu, phường Tân An (TX Quảng Yên) cho biết: Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, gia đình chúng tôi đã mạnh dạn tham gia nuôi cá đối mục trong diện tích ao là 0,5ha với số lượng giống thả nuôi 15.000 con, kích cỡ bình quân 4-6cm/con giống.
Sau gần 9 tháng nuôi với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, cá đạt trọng lượng trung bình 0,68kg/con, tỷ lệ sống đạt 74%, sản lượng đạt 7,6 tấn/ha, thu được 530 triệu đồng.
Cá nhanh lớn, ít dịch bệnh, thịt ngon... Trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng/ha. Từ thực tế cho thấy, so với mô hình nuôi khác ở địa phương thì nuôi cá đối mục với cùng diện tích hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20 triệu đồng/ha.
Nuôi cá đối mục sử dụng ít thuốc hoá chất, bên cạnh đó đối mục là loài cá ăn tạp, sử dụng mùn bã hữu cơ nên chi phí nuôi thấp, ít ảnh hưởng đến môi trường, thích nghi với các thuỷ vực ven biển, tập trung chủ yếu ở vùng cửa sông, nơi có nguồn thức ăn hữu cơ dồi dào.
Đối mục là loài rộng muối, rộng nhiệt, cá có thể sống và sinh trưởng tốt ở môi trường nước lợ, mặn, thích nghi tốt với sự biến đổi của môi trường và chịu đựng được nhiệt độ từ 3-35 độ C, thích hợp nhất là 12-25 độ C.
Qua thực tế cho thấy, các đối tượng nuôi này có khả năng làm sạch môi trường, nhất là trong ao, đầm nuôi tôm đã từng xảy ra dịch bệnh, góp phần giải quyết tình hình dịch bệnh đối với nghề nuôi tôm tại địa phương.
Đây là một trong những hướng đi mới trong nghề nuôi trồng thuỷ sản, gia tăng đối tượng nuôi thuỷ sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi trồng thuỷ sản, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người nuôi.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, mô hình chuyển đổi nuôi một số loài cá biển trong ao đã tận dụng tối đa các diện tích của các vùng nuôi tôm hiệu quả thấp, thường xảy ra dịch bệnh, qua đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản gắn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Do điều kiện mùa đông miền Bắc lạnh kéo dài, trong khi chu kỳ nuôi cá biển trong ao thường kéo dài hơn 1 năm, vì vậy để phát triển các mô hình này cần có giải pháp chống rét cho cá vào mùa đông. Theo tính toán, năng suất 8-10 tấn/ha/vụ (12-14 tháng), doanh thu 400-500 triệu đồng/ha/vụ, lãi trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Hiện nay, mô hình đã và đang được nhân rộng có hiệu quả tại các huyện Tiên Yên, Đầm Hà, TX Quảng Yên và TP Móng Cái. Việc đưa vào nuôi sẽ góp phần cải thiện môi trường cho các khu nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là khi môi trường nuôi tôm ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm, bị bỏ hoang.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi Cục BVTV được các DN hết lời khen ngợi về sự thông thoáng trong thủ tục kiểm dịch thì Cục Chăn nuôi lại bị cho là quá phiền hà, gây tốn kém cho DN.
Với chiêu bài, tới các đại lý đặt hàng giá cao rồi tìm cách bán số hàng của mình đã mua, các thương lái Trung Quốc đã làm cho thị trường hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên rối loạn, gây thiệt hại cho người dân và đại lý.
Nhằm tìm các giống mì mới phù hợp với đất đai, thời tiết tại địa phương, cho năng suất cao. Trong năm 2015, ngành Nông nghiệp huyện Krông Pa đã chọn giống mì mới KM419 đưa vào trồng thử nghiệm tại 4 xã, thị trấn, gồm: Ia Mlah, Phú Cần, Chư Drăng và thị trấn Phú Túc. Sau hơn 9 tháng triển khai trồng giống mì này, đến nay đã cho kết quả khả quan, năng suất cao hơn những giống mì khác từ 20-25%.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng của nông dân thị xã Phú Thọ ngày càng phát triển rộng khắp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của nông dân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Hiện nay, diện tích lúa chiêm xuân đã trỗ hơn 36.000ha, đạt 98,9% diện tích. Các địa phương đang tập trung thu hoạch lúa và cây màu đã đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với diện tích lúa trên đất sâu trũng thực hiện thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.