Bán Đất Cho Dân, Ôm Tiền Tỷ Rồi... Lặn
Năm 1998, hàng chục hộ dân khắp nơi biết thông tin Công ty TNHH TM-DV Vĩnh Thành (gọi tắt Công ty Vĩnh Thành, số 130/C89 Phạm Văn Hai, P2, Q. Tân Bình, TPHCM) triển khai kinh doanh dự án khu dân cư Vĩnh Thành rộng 6.701m2 (thuộc phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM), họ đã bán nhà bán cửa, gom góp, vay mượn tiền để đổ về mua nền đất, cất nhà nhằm ổn định cuộc sống mới. Tuy nhiên, suốt 14 năm qua, toàn bộ khu dân cư này đều bị “treo” giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và nhà ở do sai phạm của Công ty Vĩnh Thành và sự chậm trễ của cơ quan chức năng.
Nhiều nạn nhân như chị Hoa, anh Hán, anh Khang, chị Chi, chị Phương… mua đất tại đây cho biết, sở dĩ họ an tâm bỏ gần 40 cây vàng để mua mỗi nền đất vì dự án đã được quy hoạch bài bản như: Bản đồ số 10090/GĐ-ĐCNĐ tỉ lệ 1/2.000 và 1/500 do Sở Địa chính – Nhà đất TPHCM (nay là Sở Tài nguyên – Môi trường) duyệt ngày 28/8/1999; Phương án quy hoạch chi tiết phân lô nhóm nhà ở tại công văn số 8606/KTST-QH, ngày 17/7/1999 của Kiến trúc sư trưởng TPHCM thỏa thuận phê duyệt... Khi đến đây, họ được hai đối tượng có tên là Sáu Đảo và Bảy Quang đứng ra trực tiếp giao dịch và thu tiền, sau đó được ông Trần Chí Dũng – Giám đốc Công ty Vĩnh Thành ký xuất hóa đơn đỏ bán đất nên hoàn toàn yên tâm, đợi vài tháng sau sẽ được cấp sổ đỏ. Điều người dân không ngờ là sau khi ôm một đống tiền, 3 đối tượng này đã bỏ mặc 62 hộ dân suốt 14 năm nay khi không hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, công viên…) và không hoàn tất được thủ tục cấp sổ đỏ cho dân.
Cay đắng hơn, sau khi 50% diện tích đất khu dân cư này được người dân cất nhà thì chính quyền địa phương ra quyết định: Cấm xây vì đất chưa đủ giấy tờ. Điều này đồng nghĩa có khoảng 30 hộ dân lỡ bán nhà, bán cửa, vay nợ khắp nơi để mua đất tại đây giờ không còn chốn nương thân. Nhiều hộ gia đình đã phải ăn nhờ, ở đậu người thân cả chục năm nay vì miếng đất cắm dùi trị giá cả tỷ đồng của mình (diện tích 4mx16m) phải để cho cỏ dại mọc um tùm.
LỪA ĐẢO VẪN NHỞN NHƠ!
Theo điều tra của NNVN, nguồn gốc khu đất của 62 hộ dân rộng 6.701m2, trước đây thuộc quyền quản lý của tập thể Công đoàn Nhà máy thực phẩm xuất khẩu Mỹ Châu (nay là Công ty Cổ phần in bao bì Mỹ Châu) thuộc phường 20, Q. Tân Bình nay đổi thành phường Tân Thới Hòa, Tân Phú. Năm 1998, khi có quyết định cổ phần hóa, tập thể Công đoàn Công ty Mỹ Châu mới chuyển nhượng quyền quản lý và sử dụng cho Công ty Vĩnh Thành (theo Hợp đồng số 43/MC/HĐ, ngày 4/8/1998). Tiếp đó (năm 1999), theo đúng luật trước khi bán, Công ty Vĩnh Thành phải gửi hồ sơ đến Sở Địa chính - Nhà đất TPHCM xin giao đất để đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở kinh doanh. Nhưng thay vì phải làm thủ tục đầy đủ, Công ty Vĩnh Thành đã vội vàng san lấp mặt bằng, quy hoạch, phân lô rồi khẩn trương bán nền. Để nhanh chóng bán hết 62 lô đất trong thời gian ngắn, Công ty Vĩnh Thành đã đưa 62 hộ dân vào tròng để họ tin rằng đã có đầy đủ hồ sơ giấy tờ, sổ đỏ sẽ có ngay khi tiền trao cháo múc.
Sau khi “ôm” một đống tiền của dân, Công ty Vĩnh Thành đã bị Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM “tuýt còi”, đồng thời gửi văn bản cho Bộ Tài chính xin ý kiến về việc Công ty Vĩnh Thành xin giao đất (Công văn số 9688/ĐCNĐ-GTĐ, ngày 5/8/2002) với lý do: “Không thấy đề cập vấn đề giá và phương thức chuyển nhượng khu đất giữa Mỹ Châu và Vĩnh Thành”.
Sau đó, tại Công văn số 11476/TC-QLCS (ngày 11/10/2004) Bộ Tài chính trả lời: “Việc Công ty Vĩnh Thành nhận chuyển nhượng theo hình thức bồi thường tiền hoa màu và chi phí cải tạo mặt bằng để nhận quyền quản lý và sử dụng đất từ Công ty Mỹ Châu mà chưa nộp tiền sử dụng đất thì nay phải nộp cho toàn bộ diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở”. Từ nội dung Công văn trả lời của Bộ Tài chính mới lòi thêm việc: Suốt nhiều năm qua, Công ty Vĩnh Thành chưa hoàn tất các thủ tục để đóng tiền sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật (!).
Có thể bạn quan tâm
Mô hình luân canh 1 vụ tôm – một vụ lúa đã phát huy hiệu quả trong thời điểm môi trường ao nuôi, vùng nuôi tôm nước lợ gặp khó khăn. “Thất tôm-nhờ lúa” đã được chứng minh qua vụ nuôi năm 2011, 2012 vừa qua ở Sóc Trăng. Tuy lợi nhuận từ trồng lúa không thể sánh với nuôi tôm, nhưng cái được lớn nhất là giữ vững vùng nuôi an toàn, bền vững.
Tại một số tỉnh ở ĐBSCL xảy ra tình trạng nơi thì dư thừa cá tra nguyên liệu, nơi đủ và có nơi lại thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, một điểm chung là các địa phương đều khó khăn trong việc thiếu số liệu chính xác về nguyên liệu cá tra.
Theo ông Đào Văn Trí, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, hiện những bệnh trên tôm hùm ở các tỉnh miền Trung là do vi khuẩn và nấm gây ra – đây là những bệnh có thể điều trị được, do đó khi tôm có kích thước lớn bị những bệnh này vẫn có thể làm thực phẩm mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, từ đầu năm 2013 tới nay, bệnh LMLM gia súc đã xảy ra tại huyện Cát Tiên và huyện Đơn Dương làm 431 con trâu bò của 137 hộ và 13 con heo của 6 hộ dân bị nhiễm. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy 30 con trâu bò (đã chết) và 45 con heo (13 con mắc bệnh và 32 con nuôi cùng chuồng).
Bệnh cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục địch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.