Làng Gạch Sang... Làng Nấm
“Chuyển làng gạch thủ công phía bờ nam sông Vệ thành làng sản xuất nấm sạch là một trong những “cái gút” khó tháo gỡ nhất mà huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã làm được. Đây là thành công lớn nhất của Dự án chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn Mộ Đức trong thời gian qua” - ông Phạm Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mộ Đức, kiêm Trưởng Ban quản lý Dự án vui mừng cho biết.
Chọn thời cơ chuyển đổi làng nghề
Trước đây, mỗi khi đến cầu Sông Vệ, nhìn về phía bờ nam thấy nhiều lò gạch nung thủ công phun lên những cột khói xám xịt, nồng nặc mùi than đá gây ô nhiễm môi trường, nhiều người tỏ vẻ bất bình. Nhưng vì đó là kế mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình ở gần sông Vệ thuộc hai xã Đức Chánh và Đức Nhuận (Mộ Đức) nên những lò gạch này vẫn cứ dai dẳng tồn tại trong nhiều thập kỷ qua.
Năm 2013, khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, huyện Mộ Đức xác định đây là thời điểm thuận lợi để xóa bỏ các lò sản xuất gạch thủ công tại phía bờ nam sông Vệ.
Để chuyển đổi ngành nghề cho hàng trăm lao động đang làm gạch thủ công, Dự án: “Hỗ trợ xây dựng làng nghề trồng nấm phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động từ các lò gạch thủ công xã Đức Chánh và Đức Nhuận, huyện Mộ Đức” đã được tỉnh phê duyệt. Dự án được thực hiện từ cuối 2013 đến năm 2015. Và 100 hộ gia đình làm gạch thủ công chuyển sang làm nghề trồng nấm đã mau chóng hình thành.
Sau khi Dự án được UBND tỉnh phê duyệt cho phép triển khai thực hiện từ tháng 9.2013, UBND huyện Mộ Đức đã thành lập Ban quản lý Dự án phối hợp với UBND hai xã Đức Chánh và Đức Nhuận trực tiếp quản lý, điều hành để biến ý tưởng của Dự án thành hiện thực.
Nhà trại làm xong đến đâu, HTX Sản xuất-Kinh doanh nấm Đức Nhuận tiến hành cung cấp bịch phôi nấm cho các hộ dân đến đó theo đúng tiến độ. Theo Ban quản lý dự án, đến nay 10 hộ làm nấm đợt đầu đã có thu hoạch, đạt tổng doanh thu trên 575 triệu đồng. Trong đó, nấm linh chi đạt doanh thu 338 triệu đồng và nấm sò đạt 236 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ trồng nấm thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu đồng.
Hướng đi nhiều triển vọng
Ghé thăm trại nấm của ông Trần Tòng, ở thôn 6 xã Đức Nhuận đúng vào dịp gia đình đang thu hoạch nấm sò. Ông Tòng cho biết: Trại nấm của ông hiện có 25.000 bầu giống nấm sò được làm từ tháng 9.2014. Sau 20 ngày bắt đầu thu hoạch, đến nay đã thu được hơn 1 tạ nấm tươi. Điều đáng mừng là sản phẩm làm ra được HTX nhận bao tiêu sản phẩm với giá 20 ngàn đồng/kg.
Khác với ông Tòng, phần lớn các hộ trồng nấm đều thích chọn nấm linh chi làm giống chủ lực. Vì đây là loại nấm dược liệu quý, bán được với giá cao gấp nhiều lần so với nấm sò và bảo quản được lâu. Ông Bùi Quang Hương, ở thôn 2 Đức Chánh cho biết: Với khuôn viên trại 100m2 ông đã trồng 6.000 bịch nấm linh chi từ tháng 7.2014. Sau hai tháng rưỡi thu hoạch lứa đầu được 42 kg nấm khô. Dự kiến lứa kế tiếp sẽ thu khoảng 50kg nấm khô. “Với việc HTX nhận bao tiêu với giá 300 ngàn đồng/kg tươi và 700 ngàn đồng/kg khô thì tôi cũng đã có thu nhập hơn 70 triệu đồng”-ông Hương nhẩm tính.
Trao đổi với những người làm nấm, họ đều có chung nhận xét: Việc chuyển từ nghề làm gạch thủ công sang nghề làm nấm là rất thích hợp với bà con nông dân ở đây.
Theo Ban quản lý dự án thì HTX Sản xuất - Kinh doanh nấm Đức Nhuận là một trong những đơn vị có tác động rất lớn góp phần hình thành nên làng nấm tại hai xã Đức Chánh và Đức Nhuận như ngày hôm nay. Đây là cơ sở đầu tiên và duy nhất của tỉnh có đủ điều kiện và khả năng cung cấp đủ phôi giống nấm theo Dự án và nhu cầu trồng nấm của nhân dân. HTX xã còn “cầm tay chỉ việc” để trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân nắm vững kỹ thuật trồng các loại nấm, đặc biệt là nấm linh chi. Sản phẩm nấm của nông dân sản xuất được HTX Sản xuất - Kinh doanh nấm Đức Nhuận bao tiêu thu mua với giá hợp lý nên không sợ bí đầu ra.
Vì vậy, nhiều người đã tính toán phát triển nghề trồng nấm với quy mô lớn. Hiện đã có không ít hộ thuộc diện ngoài Dự án đang tiếp tục đăng ký, dựng trại, để làm nấm sò và nấm linh chi theo hướng dẫn của HTX. Số lượng thành viên làng nấm không chỉ dừng lại ở con số 100 hộ mà sẽ tăng lên nhiều hơn.
Dự án chuyển đổi ngành nghề 9 tỷ đồng
Với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 9 tỷ đồng, Dự án triển khai xây dựng 100 nhà trại trồng nấm sò và 100 nhà trại trồng nấm linh chi tại 100 hộ. Mỗi hộ xây dựng 2 trại, với diện tích mỗi trại 50m2, được thực hiện bằng nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ với mức 29 triệu đồng/2 trại/hộ (các hộ dân góp thêm gần 25 triệu đồng để xây dựng nhà trại). Ngoài ra, mỗi hộ còn được hỗ trợ cho lứa phôi đầu tiên từ ngân sách huyện với 80% tổng giá trị, 20 % còn lại là vốn đối ứng của nông hộ.
Có thể bạn quan tâm
Tình hình bệnh trên tôm hùm nuôi ở TX Sông Cầu (Phú Yên) diễn biến rất phức tạp, khiến người nuôi gặp khó khăn. Trong khi đó, hiện là thời điểm xuất bán tôm hùm thịt, nhưng giá tôm xuống thấp làm cho người nuôi ở TX Sông Cầu đã khó lại càng khó khăn hơn…
Đến cuối năm 2015, muốn nuôi cá tra xuất khẩu, ngư dân phải nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là điều kiện bắt buộc mà Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ quy định. Song, ngư dân trong tỉnh An Giang hiện vẫn “thờ ơ” với quy định này.
Với việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều người chăn nuôi gà đồi địa phương đang kỳ vọng về một hướng đi mới có sự liên kết bền chặt để vừa giữ vững thương hiệu, vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay ở khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình nuôi dê khác nhau tùy điều kiện địa lý, đất đai, môi trường.
Là một đảng viên, một cán bộ khuyến nông đã nghỉ hưu, ông Trần Danh Trưởng ở thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình luôn ý thức rằng mình phải là người tiên phong để phát triển kinh tế ở địa phương.