Xây Nhà Cho Bò Tránh Lũ
Xây nhà cho bò nghe có vẻ như là chuyện lạ nhưng thực tế tại Hà Tĩnh, hàng trăm ngôi nhà kiên cố đã được nhân dân các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang xây dựng để tránh lũ cho trâu bò từ mấy năm gần đây. Có nhà tránh lũ, hàng trăm hộ dân đã thoát cảnh phải cơm đùm cơm gói dắt trâu bò đi sơ tán hàng mấy ngày trời khi mưa lũ đến.
Về nơi rốn lũ của 11 xã vùng ngoài đê La Giang Đức Thọ, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng và cảm phục trước những ngôi nhà tránh lũ cho gia súc mà nhân dân Đức Thọ đã xây dựng thời gian gần đây. Đến xã Đức Châu, Chủ tịch Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Đức Châu có đàn trâu bò khá đông.
Mỗi khi có lũ về, người dân phải mang trâu bò đi 5 - 6 km gửi lên các xã vùng núi để tránh lũ; có khi lũ về nhanh quá không kịp trở tay, toàn bộ tài sản trôi hết ra biển. Để chủ động trong phòng tránh mưa lũ, cách đây mấy năm, một vài hộ đã nghĩ ra cách làm nhà tránh lũ cho trâu bò và mô hình này đã đưa lại hiệu quả thiết thực nên nhân dân các xã ngoài đê theo nhau ồ ạt xây nhà tránh lũ.
Đến nay, xã Đức Châu đã có gần 100 nhà tránh lũ. Nhà thường được xây 2 tầng bằng bê tông kiên cố, diện tích từ 40 - 60 m2, chiều cao khoảng từ 5 - 9 m với kinh phí trung bình khoảng từ 15 - 30 triệu đồng/nhà”. Ông Hoàng Nghĩa Bình, xóm 2, xã Đức Châu nói: “Trước đây chưa có nhà tránh lũ thì hàng năm cứ mỗi khi gần có bão lũ đến, chúng tôi phải dắt trâu bò, đem gia cầm đi gửi ở các xã vùng cao hoặc cơm đùm cơm nắm dắt bò sang tận các xã lân cận của tỉnh Nghệ An để gửi; lũ rút, lại vội vàng đưa chúng về.
Thế nhưng từ khi có nhà tránh lũ này, những ngày bình thường thì cho trâu bò ở tầng dưới, tầng trên để thức ăn dự trữ cho chúng; khi lũ đến thì đưa trâu bò, gà vịt lên tầng trên, rất nhẹ nhàng và thuận tiện....”. Không riêng xã Đức Châu mà nhân dân các xã ngoài đê ở Đức Thọ đều đã bắt đầu thi nhau xây nhà tránh lũ cho trâu bò. Đến nay, toàn huyện Đức Thọ đã có trên 300 ngôi nhà tránh lũ cho hơn 6.500 con gia súc và trên 2 vạn con gia cầm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hữu Bé nói: “Nhà tránh lũ ở Đức Thọ hoặc là kết hợp nhà ở với nhà tránh lũ cho cả người và gia súc; hoặc là làm nhà tránh lũ cho gia súc, gia cầm biệt lập, nhưng dù hình thức nào thì cũng phát huy hiệu quả rất tốt.
Ngày bình thường họ sử dụng nhà để ở, khi lũ đến họ dùng dự trữ thuốc men, nước, thực phẩm và cho gia súc, gia cầm tránh trú. Nhu cầu làm nhà tránh lũ thì rất nhiều nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên rất nhiều hộ chưa làm được nhà tránh lũ. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh để nhân dân vùng lũ đỡ vất vả hơn khi mỗi năm phải chạy lũ đến mấy lần".
Giáp với Đức Thọ, huyện Hương Sơn cũng có hàng trăm nhà tránh lũ cho gia súc. Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Nhân dân vùng hạ Hương Sơn ở ven sông Ngàn Phố có phong trào xây nhà cho trâu bò tránh lũ từ mấy năm nay rồi. Các xã có nhiều nhà tránh lũ như: Sơn An, Sơn Tân, Sơn Mỹ, Sơn Hà…
Đặc biệt, có một số xã như Sơn An, Sơn Tân, rất nhiều hộ dân thuần túy nông nghiệp nhưng đã xây dựng được nhiều nhà tránh lũ kiên cố, là điều chúng tôi rất mừng. Nhà tránh lũ thực ra có nhiều công năng và đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp nhân dân tránh lũ cho trâu bò và cất giữ các vật dụng khi mưa lũ đến rất an toàn. Hương Sơn có hàng ngàn con gia súc phải di dời đến các xã vùng núi cao tránh lũ, nhưng mấy năm gần đây số lượng gia súc phải chạy lũ giảm hẳn nhờ có nhà tránh lũ này”.
Ghé vào xã Sơn Tân, ngôi nhà tránh lũ dành cho chú bò mộng nhà chị Nguyễn Thị Hoà, xóm 3 được vệ sinh sạch sẽ, xây bao kín đáo. Chị Hoà nói: “Gia đình tôi đầu tư gần 20 triệu đồng làm cái nhà tránh lũ này được mấy năm rồi. Nhờ có nó mà mấy năm nay trâu bò nhà tôi không phải chạy lũ như trước đây nữa. Tôi nghĩ nhà nào làm nông nghiệp mà làm được một ngôi nhà tránh lũ cho trâu bò thế này là điều rất tốt…”.
Huyện Vũ Quang hiện đã có hàng trăm ngôi nhà tránh lũ, tập trung chủ yếu ở các xã thường xuyên ngập lũ như Đức Đồng, Đức Giang, Đức Liên, Đức Hương. Theo chân Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Thanh Sơn đi xem một số ngôi nhà tránh lũ của bà con xã Đức Bồng, chúng tôi thấy rằng, nhà tránh lũ ở đây cũng được người dân xây dựng dưới nhiều hình thức, có thể kết hợp làm nhà ở, hoặc tách riêng nhà ở và nhà tránh lũ cho gia súc gia cầm riêng.
Bình quân mỗi nhà chi phí hết khoảng 20 - 30 triệu đồng/cái; nhà có thể chứa được 3 - 5 con trâu, bò và rất nhiều lương thực, nhu yếu phẩm khi mùa lũ tới. Anh Sơn bảo rằng, hộ nào làm được nhà tránh lũ cho trâu bò là khỏi phải lo chuyện sơ tán chúng khi mưa lũ đến; hộ nào chưa làm được, cứ cận kề mùa lũ là lo ngay ngáy tìm chỗ dắt trâu bò đi gửi. Thật vất vả và nguy hiểm.
Những ngôi nhà tránh lũ cho gia súc ở Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang là sản phẩm của kinh nghiệm dân gian, rất thiết thực và hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc phòng chống lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều hộ gia đình vì quá khó khăn về kinh tế nên không thể xây được nhà tránh lũ, vì vậy, khi mưa lũ đến phải lặn lội sơ tán trâu bò, rất gian khổ, thậm chí là cả nguy hiểm đến tính mạng. Nhân dân rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ bằng các chính sách hỗ trợ làm nhà tránh lũ cho trâu bò để nhân dân vùng lũ đỡ vất, nguy hiểm hơn mỗi khi bão lũ đến.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết khô nóng hoặc rét đậm kéo dài có những tác động không nhỏ đến đàn gia súc. Để chủ động đối phó và giảm thiểu thiệt hại, người chăn nuôi nên kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và phương pháp hiện đại để phòng chống rét cho trâu, bò.
Bò đã được đăng ký giống quốc gia vào năm 1864. Bò có kết cấu ngoài hình phát triển cân đối. Thân rộng, mình dày, mông không dốc. Đùi phát triển. Nuôi tốt, 12 tháng bê đực đạt 450-540kg, bê cái đạt 380kg. Ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi, bê có thể tăng trọng 1450-1550g/ngày. Giết thịt bê đực lúc 14-16 tháng tuổi tỷ lệ thịt xẻ đạt 65-69%.
Bệnh tiên mao trùng là bệnh ký sinh trùng đường máu, trâu rất mẫn cảm với bệnh này. Bệnh không lây trực tiếp từ con vật ốm sang con vật lành mà do các loại ruồi trâu và mòng hút máu truyền bệnh.
Cách đây 20 năm, đàn bò của ĐBSCL (270.400 con) lớn hơn ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH - 171.200 con) và miền Đông Nam Bộ (MĐNB - 142.000 con). Nhưng sau đó, đàn bò ĐBSCL đã giảm đi nhanh chóng, năm 2000 chỉ còn 197.200 con. Trong khi đó đàn bò ĐBSH tăng nhanh tới 488.300 con và ở MĐNB đạt 423.900 con (gấp từ 2,2 đến 2,5 lần ĐBSCL).
Theo số liệu thống kê có tới 13,8% số trâu, bò mắc bệnh Anthrax (bệnh than) hay còn có tên khác là tili ka bukhar hoặc milzrand. Hiện tượng thường gặp là lá lách sưng to. Nguyên nhân chính do tác nhân gây bệnh có tên là Bacillius anthracis, khi nhiễm bệnh nhiệt độ cơ thể tăng nhanh và sưng cổ