Bệnh Giun Đũa Ở Bê, Nghé
Vụ ĐX hằng năm thường trùng hợp với mùa sinh sản của trâu bò. Thế nhưng các điều kiện ngoại cảnh lại không phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển của bê, nghé. Cụ thể: Mưa nhiều, ẩm ướt, rét lạnh, thức ăn khan hiếm (gây hiệu ứng giảm sữa ở trâu bò mẹ), các loại mầm bệnh dễ phát triển và lây lan, đặc biệt là các loại ký sinh trùng.
Giun đũa là loại ký sinh trùng gây tác hại nhanh, mạnh và rõ nhất trên bê, nghé. Trong điều kiện bất lợi ở vụ ĐX, tác hại của giun đũa lên bê nghé càng lớn và để lại những hậu quả nặng nề: Bê, nghé bị viêm ruột, ỉa chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, còi cọc thậm chí gây chết bê, nghé.
Nguyên nhân và đặc điểm của bệnh:
Bệnh giun đũa bê, nghé do loài giun tròn Neoascaris Vitulorum ký sinh trong tá tràng của bê nghé gây ra. Ngoài ra, giun đũa cũng có thể ký sinh ở ruột của trâu bò trưởng thành, dê, cừu ... Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa khi vật chủ nuốt phải ấu trùng giun. Đối với bê, nghé, bệnh có thể lây truyền từ mẹ qua nhau thai. Bệnh giun đũa có tính mùa vụ. Vào vụ ĐX, do điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt, giá rét, thức ăn nhiều, mẹ thiếu sữa nên bệnh phát sinh và gây hại nặng. Tuổi mắc bệnh phổ biến nhất của bê, nghé là vào lúc 25-35 ngày tuổi (chiếm tỷ lệ 64%) và sớm nhất có thể mắc vào lúc 14 ngày tuổi (23%).
Triệu chứng: Triệu chứng điển hình nhất của bê, nghé bị bệnh giun đũa là dáng vẻ lù đù, đầu cúi, đuôi cúp, lưng cong, lông xù. Theo dõi phân bệnh thấy chuyển từ đen sang vàng đất rồi trắng lỏng có mùi thối khắm đặc biệt. Kèm theo đó bê nghé thường xuất hiện từng cơn đau bụng quằn quại, sau đó có thể ngã vật ra mất cảm giác. Bệnh súc sốt 40-41 oC, gầy sút rất nhanh. Ở những thể bệnh này tỷ lệ chết của bệnh súc rất cao. Thời gian tiến triển của bệnh thông thường vào khoảng 11-30 ngày, bệnh súc thường chết vào giai đoạn 8-10 ngày sau khi mắc bệnh nếu không điều trị kịp thời.
Phòng trị:
Phòng bệnh:
- Cần giữ vệ sinh chuồng trại. Gom phân trâu bò để ủ nhằm tận dụng nhiệt độ cao khi ủ làm mất hiệu lực gây bệnh của trứng và ấu trùng giun đũa.
- Chú ý vệ sinh khi chăn thả, tránh các bãi chăn ẩm thấp, nhiều chất thải của trâu bò.
- Tẩy giun định kỳ cho trâu bò mẹ vào giữa mùa xuân (tháng 3 dương lịch) hằng năm để đề phòng bê nghé nhiễm giun qua nhau.
Điều trị:
* Đối với bê nghé dưới 2 tháng tuổi khi mắc bệnh sử dụng phác đồ điều trị sau:
- Levamisol: 1 ml/10 kg thể trọng, tiêm dưới da.
- Vitamin ADE: 3 ml/con, tiêm bắp thịt.
- Cafêin Natribenzoat: 5 ml/con, tiêm bắp thịt.
Sau 1 tháng tiêm lặp lại lần 2 để chống tái nhiễm.
* Đối với bê nghé trên 2 tháng tuổi có thể sử dụng Ivermectin với liều dùng 1 ml/12 kg thể trọng; tiêm dưới da để đồng thời tiêu diệt các loại ngoại ký sinh trùng khác như ve, bét, rận ... Kết hợp dùng các thuốc trợ sức Vitamin ADE, Cafêin Natribenzoat ...
Có thể bạn quan tâm
Trại bò sữa luôn trong bầu không khí thanh bình, yên tĩnh để tránh stress cho vật nuôi. Chăm bò sữa ở Mỹ như một môn nghệ thuật, cần sự khéo léo và nghiêm túc
So với việc mua thêm bò, mở rộng quy mô đàn thì việc gia tăng sản lượng sữa là phương pháp kinh tế, ít tốn kém, hiệu quả cao.
Điều kiện khí hậu của nước ta, stress nhiệt rất dễ xảy ra trên bò sữa làm năng suất sinh sản và sữa giảm. Người nuôi cần quan tâm đúng mức để có những giải pháp
Chăn nuôi bò thịt là một nghề truyền thống lâu đời của nông dân Việt Nam. Đàn bò trong nước cung cấp từ 4,5-5% tổng sản phẩm thịt do ngành chăn nuôi sản xuất
Thức ăn hỗn hợp gồm các loại thức ăn thô xanh, thức ăn hạt, phụ phẩm, thức ăn bổ sung khoáng, vitamin được tính toán, phối trộn đảm bảo cân đối chất dinh dưỡng