Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu Lớn Giúp Nông Dân Tăng Cường Ứng Dụng Kỹ Thuật Vào Sản Xuất
Thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa các nông hộ sản xuất lúa nhỏ lẻ thành một cánh đồng lớn, thời gian qua, tại huyện Chư Jút và Krông Nô, việc triển khai theo mô hình này đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tại Chư Jút, vụ hè thu 2013, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã đưa vào gieo cấy thử nghiệm thành công giống lúa thuần RVT với diện tích 15 ha, cho 36 hộ nông dân ở xã Đắk D’rông.
Ông Hoàng Văn Chính, một người dân tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, cũng trên gần 7 sào ruộng này, gia đình tôi đã đưa vào gieo cấy giống lúa IR64, nhưng năng suất mang lại không cao, chỉ đạt khoảng 4 - 5 tạ/sào. Vụ hè thu 2013, gia đình tôi đã tham gia cánh đồng mẫu lớn.
Nhờ sự liên kết giữa các hộ nông dân trong sản xuất cũng như được Nhà nước cung ứng vật tư, giống lúa, phân bón nên gia đình tôi sản xuất rất thuận lợi”.
Theo ông Chính thì việc triển khai sản xuất tập trung đã giúp bà con dễ dàng phòng, trừ được sâu hại và ruộng lúa cũng sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với cách làm cũ. Theo UBND huyện Chư Jút thì chương trình cánh đồng mẫu trên cây lúa được triển khai thí điểm ở xã Đắk D’rông và Chư K’nia có tổng kinh phí đầu tư hơn 400 triệu đồng, là một trong những đề án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Theo đó, đề án này sẽ hỗ trợ hoàn toàn 100% kinh phí đầu tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các hộ tham gia còn được cán bộ nông nghiệp huyện tập huấn kiến thức cơ bản về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa để đạt hiệu quả cao.
Còn tại huyện Krông Nô, vụ đông xuân năm 2012-2013, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Bảo vệ thực vật và UBND xã Buôn Choáh triển khai thí điểm sản xuất lúa mô hình cánh đồng mẫu lớn, với quy mô trên 34 ha cho 27 hộ nông dân tham gia.
Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Chi nhánh Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tại Tây Nguyên cung ứng giống lúa thuần RVT và cam kết thu mua sản phẩm cho nông dân. Để thực hiện hiệu quả mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức kỹ thuật như thâm canh lúa, làm đất bằng máy cày bánh lồng, cách xử lý hạt giống, xử lý đất trước khi sạ, lượng phân bón phù hợp…
Nhờ đó, công tác này không những giúp cho nông dân giảm được công lao động mà còn tiết kiệm được từ 10 - 15% lượng vật tư nông nghiệp so với canh tác bình thường của bà con trong cùng vụ. Trong quá trình chăm sóc lúa, các cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng cùng bà con nông dân và theo dõi sát tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa, xử lý kịp thời những phát sinh trên đồng ruộng.
Nhờ được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thâm canh, do vậy, lúa đạt năng suất trung bình 7,5 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình lúa đại trà tại địa phương 0,2 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, mô hình cho thu nhập trung bình 53,4 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà 3 - 4 triệu đồng/ha.
Theo UBND huyện Krông Nô thì mục tiêu của mô hình cánh đồng mẫu lớn là hình thành tổ hợp tác sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, xây dựng mối kiên kết giữa tập thể nông dân (Tổ hợp tác) với doanh nghiệp cung ứng vật tư và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…
Đây là một mô hình sản xuất mới, nhưng đến nay, về cơ bản việc thực hiện chương trình này ở huyện Chư Jút và Krông Nô đã được hoàn thành như việc dồn điền đổi thửa thành một cánh đồng lớn có hệ thống thủy lợi được bê tông hóa cung cấp nước tưới có thể canh tác 3 vụ một năm; hệ thống giao thông nội đồng cơ bản được cứng hóa phục vụ việc vận chuyển vật tư, sản phẩm, máy nông nghiệp đi lại trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, các xã đang triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã hình thành các tổ hợp tác có tính chuyên môn như tổ cơ giới nông nghiệp, tổ quản lý thủy nông, tổ kỹ thuật gồm có khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật... đây chính là bước khởi đầu giúp nông dân tăng cường các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm hiện nay, người dân ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch quả mác mật với nềm vui được mùa, được giá.
Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài. Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2013, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 6 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 5,5 tỷ USD.
Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại chợ Hà Vị, TP. Bắc Giang” được coi là mô hình chợ an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Tiến Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, quản lý quy hoạch, sản xuất vùng nuôi tôm trên cát của địa phương tại Diễn đàn KN @ NN "Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng an toàn, bền vững ở vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.
Chuyến ra khơi này tàu làm dịch vụ hậu cần, chuyên cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và thu mua hải sản cho ngư dân. Tàu vận chuyển 17.000 lít dầu, trên 1.000 cây đá, 7.000 khay đựng cá…, tổng giá trị chuyến ra khơi trên 300 triệu đồng. Sau chuyến biển đầu tiên này, tàu SANG FISH 01 sẽ ra khơi để đánh bắt hải sản kiêm công tác dịch vụ hậu cần cho bà con ngư dân.