Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây Cơ Nghiệp Trên Đất Khó

Xây Cơ Nghiệp Trên Đất Khó
Ngày đăng: 05/11/2014

Đến thăm gia đình ông Thông vào buổi trưa oi gắt. Bên mái hiên căn lán nửa xây, nửa dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, gỗ tạp, bà Nguyễn Thị Kim Bình đang thái từng nắm lớn rau dại làm thức ăn độn cho đàn lợn nái, gà, vịt. Lưng chừng đồi, ông Thông xới cỏ, vun gốc cho vườn cam canh đã cao vượt đầu người.

Chỉ tay vào căn lán dựng tạm, ông Thông cho biết: “Tự tay tôi xây lấy căn nhà này đấy. Vật liệu tận dụng, có đến đâu làm đến đấy nên đến giờ vẫn dang dở, gọi là có chỗ che mưa che nắng và đứng vững trong mưa bão là được rồi.

Thành quả lao động của vợ chồng tôi vẫn còn cả ngoài đồi rừng với 100 gốc bưởi diễn, 1.500 cây sơn ta, 200 cây cam canh, chanh tứ thời, 100 gốc thanh long ruột đỏ và đàn lợn nái, gà, vịt, dê… Chỉ dăm năm nữa, trang trại của vợ chồng tôi sẽ cho nguồn thu đáng kể…”.

Bước qua tuổi lục tuần, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thông (khu 3, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn) nhường lại cơ ngơi gây dựng cả đời cho gia đình con gái cai quản để vào khu đất rừng dựng lán, vỡ đất khai hoang, lập trang trại.

Lấy ngắn nuôi dài, khéo léo quay vòng vốn để tái đầu tư từng bước mở rộng quy mô, sau hai năm cặm cụi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, công sức vợ chồng ông đã được đền đáp bằng những vườn cây ăn quả xanh tốt, đồi sơn ta sắp cho thu hoạch cùng số lượng lớn gia súc, gia cầm cho nguồn thu đều đặn hàng ngày…

Quê gốc ở Hà Tây cũ, 18 tuổi, ông Thông nhập ngũ và có mặt trong những trận đánh nảy lửa giải phóng Tây Nguyên. Khi đất nước thống nhất, phục viên về địa phương, ông Thông lăn lộn đủ nghề mưu sinh.

Duyên phận đã đưa ông gắn bó với người vợ quê ở Hà Nam và hai người đã lựa chọn đất Yên Lương làm nơi lập nghiệp. Bao năm đầu tắt mặt tối với đồng ruộng và nghề thợ xây, đến tuổi 60, ông bà đã tạo dựng cho mình cơ ngơi dù chưa thể gọi là khang trang, bề thế nhưng cũng đủ nhà xây vững chắc, vườn cây, chuồng trại… mà nhiều người mơ ước.

Thấy vợ chồng con gái có hoàn cảnh khó khăn, ông bà không ngần ngại quyết định trao toàn bộ nhà cửa, vườn tược cho con để mang dao, vác cuốc vào khu đất rừng 1,5ha gia đình được giao từ năm 1997 vẫn trồng cây nguyên liệu bắt tay vào khai hoang, lập trang trại.

Trên đồi nguyên liệu mới khai thác xong còn trơ lại các gốc cây lớn nhỏ xen kẽ những bụi dây leo, cây dại, ngày nào cũng từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người vợ chồng ông cặm cụi đánh gốc, phát hoang, bổ hố, bỏ phân cải tạo đất. Xem xét kỹ thổ nhưỡng, ông Thông về quê tham khảo ý kiến các chủ vườn giàu kinh nghiệm và quyết định lựa chọn giống bưởi diễn, cam canh, chanh tứ thời, thanh long ruột đỏ cùng cây sơn ta bản địa về trồng trên đất đồi Yên Lương.

Lợn nái, lợn thịt, gà, vịt liên tục xuất chuồng tiếp thêm vốn cho ông bà đầu tư vào vườn cây ăn quả theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Trăm gốc thanh long ruột đỏ đã cho lứa quả đầu tiên và đã được thương lái trong vùng đến tận vườn đặt hàng.

Ông bà dự định trồng tiếp 200 gốc thanh long ruột đỏ và theo tính toán sẽ cho thu lãi khoảng 30-50 triệu đồng. Vườn cam, vườn bưởi đã cao vượt đầu người, không lo bị gia súc phá hoại, ông bà đang tính toán tiếp tục phát triển đàn dê, đàn bò cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao cho các nhà hàng quanh vùng…

Ông Đinh Quang Huy-Chủ tịch UBND xã Yên Lương bày tỏ: “Xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Lương cao nhất nhì huyện.

Chúng tôi rất mong muốn và thường xuyên chỉ đạo, vận động bà con phát triển kinh tế gia đình trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Thông mặc dù chưa lớn về quy mô nhưng thực sự là điển hình về tinh thần cần cù lao động, lựa chọn vật nuôi cây trồng phù hợp có hiệu quả kinh tế đáng để cho bà con học tập làm theo…”.

Chưa tính toán được lợi nhuận chính xác nhưng chắc chắn trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình ông Thông sẽ đền đáp xứng đáng công sức của ông bà đã bỏ ra với nguồn thu ổn định vài trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn cam, bưởi diễn, chanh tứ thời và lượng nhựa sơn ta đang có giá cao, ổn định trên thị trường…


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Trồng Cây Tam Thất Ở Xã Ninh Ích (Khánh Hòa) Mô Hình Trồng Cây Tam Thất Ở Xã Ninh Ích (Khánh Hòa)

Xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương có nhiều vùng đất cát, trồng hoa màu kém hiệu quả. Tận dụng những vùng đất nhỏ, trồng hoa màu không hiệu quả nhiều hộ dân ở xã Ninh Ích đã trồng cây tam thất để tăng thu nhập.

22/05/2014
Phát Triển Diện Tích Cây Trồng Chịu Hạn Ở Thuận Nam Phát Triển Diện Tích Cây Trồng Chịu Hạn Ở Thuận Nam

Cách đây 2 năm, anh về xã Phước Hậu, Phước Thuận (Ninh Phước) học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi 2 sào đất sang trồng táo. Năm 2013 cắt 3 lứa táo bán được hơn 100 triệu đồng, tính ra mỗi ha cho thu nhập 500 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

18/06/2014
Ninh Bình Thả Nuôi Thử Nghiệm 22,5 Vạn Giống Cá Nác Hoa Ninh Bình Thả Nuôi Thử Nghiệm 22,5 Vạn Giống Cá Nác Hoa

Vừa qua, Chi cục thủy sản Ninh Bình đã tổ chức hội nghị nghiệm thu, đánh giá kết quả thả giống cá nác hoa trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi cá Nác hoa thương phẩm tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn”.

19/06/2014
Nông Dân Trà Vinh Lỗ Nặng Vì Bắp Ít Hạt, Không Người Mua Nông Dân Trà Vinh Lỗ Nặng Vì Bắp Ít Hạt, Không Người Mua

Trước khi đầu tư trồng, nông dân được công ty cung cấp giống quảng cáo là bắp có hạt dẻo, ngọt, rất được người tiêu dùng chuộng.

22/05/2014
Thanh Long Ruột Đỏ Thanh Long Ruột Đỏ "Bén Duyên" Trên Đất Rừng U Minh

Đến tham quan trang trại thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Hữu Phước tại ấp 18, xã Khánh Thuận (Cà Mau), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước thành quả mang lại cho chủ nhân nó.

19/06/2014