Hà Nội mở rộng diện tích lúa năng suất, chất lượng cao

Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, trong năm 2015, ngành nông nghiệp TP yêu cầu các địa phương đặc biệt coi trọng cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy.
Tăng diện tích lúa năng suất, chất lượng
Thạch Thất là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho lúa, đặc biệt là ngăn chặn nguy cơ phát triển bệnh đạo ôn. Vụ Xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 4.750ha lúa với các giống lúa năng suất, chất lượng: TBR 45, BC 15, TH 3-3, Thiên Ưu... Trong đó, giống lúa BC 15 được nông dân địa phương gieo cấy nhiều với diện tích gần 2.000ha. Mặc dù là giống lúa cho năng suất cao nhưng BC 15 lại dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn, do vậy, để hạn chế tối đa tác hại của các loại sâu, bệnh hại, Phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện và các xã thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông báo, hướng dẫn nông dân kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ và hỗ trợ thuốc BVTV cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt cho biết, hiện nay, hầu hết diện tích lúa Xuân sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ có một số ít diện tích bị các đối tượng sâu bệnh gây hại cục bộ như bệnh đạo ôn lá, chuột... song đã được các địa phương diệt trừ kịp thời. Vụ Xuân 2015 có thời tiết ấm, lúa lại được gieo cấy đúng thời vụ nên hầu hết các diện tích lúa đang trong giai đoạn trỗ bông, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Tuy nhiên, cũng có một số diện tích cho thu hoạch muộn bởi số ít địa phương còn lệ thuộc vào thuê mướn lao động nên kết thúc thời vụ cấy muộn.
Vụ Xuân năm 2015, toàn TP gieo trồng được hơn 99.800ha lúa. Đáng chú ý, cơ cấu giống lúa phát triển theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng cao, giảm diện tích lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày. Nhóm giống năng suất cao đạt 35.000ha tập trung ở Sơn Tây, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng. Nhóm giống lúa lai đạt hơn 26.600ha, tập trung ở các huyện Gia Lâm, Phú Xuyên, Mỹ Đức. Nhóm giống lúa chất lượng cao đạt gần 34.000ha, tập trung ở Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức, Quốc Oai. Đáng chú ý, TP đã mở rộng được thêm 50.000ha lúa thâm canh cải tiến.
Làm tốt công tác chuẩn bị
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, vụ mùa năm 2015 sẽ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết. Đáng chú ý, mùa mưa bão năm nay có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường về mức độ gây hại. Đây cũng là năm có nhiều cơn bão ảnh hưởng đến khu vực. Mưa to xảy ra vào cuối tháng 7 có thể gây ngập úng lúa mới cấy. Mưa bão trong tháng 8 có thể gây ngập úng lúa đang ở thời kỳ làm đòng và trỗ bông. Mưa cuối vụ xảy ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ gây khó khăn cho thu hoạch lúa. Trước tình hình đó, TP đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã sớm có chủ trương, kế hoạch, giải pháp cho sản xuất vụ mùa 2015 nhằm ứng phó với thời tiết bất thuận, phòng chống thiên tai. Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ Xuân và làm đất gieo cấy lúa mùa ngay sau khi thu hoạch xong lúa Xuân.
Ông Đào Duy Tâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương thực hiện đúng cơ cấu giống lúa, tăng diện tích các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt và giảm diện tích các giống lúa cũ. Bên cạnh đó, các huyện cần chú trọng việc đảm bảo khung thời vụ gieo cấy: Gieo cấy trà cực sớm và sớm xong trước ngày 30/6 để tăng hiệu quả phòng chống úng, phòng tránh sâu đục thân hại lúa khi trỗ. Đối với những nơi đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, cần xây dựng vùng gieo cấy tập trung (một vùng - một giống - một thời gian) để thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Vụ mùa 2015, TP phấn đấu gieo trồng 116.000ha, trong đó, lúa 98.487ha, cây rau màu 17.513ha (gồm ngô 3.855ha, lạc 876ha, đậu tương 2.000ha, rau đậu các loại 7.809ha, khoai lang 534ha; hoa, cây cảnh 1.715ha; cây khác 715ha)
Có thể bạn quan tâm

“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.

Ngày 19-12, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp trên một số loài cá biển nuôi tại BR-VT, đề xuất giải pháp phòng trị” do Thạc sĩ Bùi Quang Mạnh, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam làm chủ nhiệm đề tài; Hội đồng nghiệm thu đã xếp đề tài loại Khá. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định tác nhân gây bệnh thường gặp trên cá biển nuôi (mú, hồng, chẽm và cá bớp) tại BR-VT và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh. Thời gian nghiên cứu từ tháng 11-2012 đến tháng 8-2014.

Những món ăn hấp dẫn từ bào ngư như: bào ngư chấm mù tạt – xì dầu; bào ngư nấu cháo toàn tính (thả cả vỏ vào cháo). Ngoài ra, dược tính của bào ngư sẽ công hiệu hơn khi kết hợp với các vị thuốc bắc trong món canh “bào ngư, hải sâm đen, tần thuốc bắc” – một món chuyên dùng cho người già yếu phục hồi sức khỏe.

Mô hình thực hiện với quy mô 100m3 lồng, 1.000 con cá giống với 2 hộ tham gia là ông Lê Văn Thư và Hà Văn Đức ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống với kích cỡ tối thiểu 5cm/con, không còi cọc, dị hình, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng và 50% thức ăn công nghiệp, 50% vôi bột tỏa, 50% thuốc phòng bệnh cho cá. Tổng số tiền hỗ trợ 47.150.000 đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được tập huấn về kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi, thả cá, chăm sóc quản lý, phòng bệnh cho cá...

Sáng 19/12, Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiệm thu loại khá đối với kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa”. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Võ Thế Dũng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.