Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây Cơ Nghiệp Trên Đất Khó

Xây Cơ Nghiệp Trên Đất Khó
Publish date: Wednesday. November 5th, 2014

Đến thăm gia đình ông Thông vào buổi trưa oi gắt. Bên mái hiên căn lán nửa xây, nửa dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, gỗ tạp, bà Nguyễn Thị Kim Bình đang thái từng nắm lớn rau dại làm thức ăn độn cho đàn lợn nái, gà, vịt. Lưng chừng đồi, ông Thông xới cỏ, vun gốc cho vườn cam canh đã cao vượt đầu người.

Chỉ tay vào căn lán dựng tạm, ông Thông cho biết: “Tự tay tôi xây lấy căn nhà này đấy. Vật liệu tận dụng, có đến đâu làm đến đấy nên đến giờ vẫn dang dở, gọi là có chỗ che mưa che nắng và đứng vững trong mưa bão là được rồi.

Thành quả lao động của vợ chồng tôi vẫn còn cả ngoài đồi rừng với 100 gốc bưởi diễn, 1.500 cây sơn ta, 200 cây cam canh, chanh tứ thời, 100 gốc thanh long ruột đỏ và đàn lợn nái, gà, vịt, dê… Chỉ dăm năm nữa, trang trại của vợ chồng tôi sẽ cho nguồn thu đáng kể…”.

Bước qua tuổi lục tuần, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thông (khu 3, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn) nhường lại cơ ngơi gây dựng cả đời cho gia đình con gái cai quản để vào khu đất rừng dựng lán, vỡ đất khai hoang, lập trang trại.

Lấy ngắn nuôi dài, khéo léo quay vòng vốn để tái đầu tư từng bước mở rộng quy mô, sau hai năm cặm cụi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, công sức vợ chồng ông đã được đền đáp bằng những vườn cây ăn quả xanh tốt, đồi sơn ta sắp cho thu hoạch cùng số lượng lớn gia súc, gia cầm cho nguồn thu đều đặn hàng ngày…

Quê gốc ở Hà Tây cũ, 18 tuổi, ông Thông nhập ngũ và có mặt trong những trận đánh nảy lửa giải phóng Tây Nguyên. Khi đất nước thống nhất, phục viên về địa phương, ông Thông lăn lộn đủ nghề mưu sinh.

Duyên phận đã đưa ông gắn bó với người vợ quê ở Hà Nam và hai người đã lựa chọn đất Yên Lương làm nơi lập nghiệp. Bao năm đầu tắt mặt tối với đồng ruộng và nghề thợ xây, đến tuổi 60, ông bà đã tạo dựng cho mình cơ ngơi dù chưa thể gọi là khang trang, bề thế nhưng cũng đủ nhà xây vững chắc, vườn cây, chuồng trại… mà nhiều người mơ ước.

Thấy vợ chồng con gái có hoàn cảnh khó khăn, ông bà không ngần ngại quyết định trao toàn bộ nhà cửa, vườn tược cho con để mang dao, vác cuốc vào khu đất rừng 1,5ha gia đình được giao từ năm 1997 vẫn trồng cây nguyên liệu bắt tay vào khai hoang, lập trang trại.

Trên đồi nguyên liệu mới khai thác xong còn trơ lại các gốc cây lớn nhỏ xen kẽ những bụi dây leo, cây dại, ngày nào cũng từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người vợ chồng ông cặm cụi đánh gốc, phát hoang, bổ hố, bỏ phân cải tạo đất. Xem xét kỹ thổ nhưỡng, ông Thông về quê tham khảo ý kiến các chủ vườn giàu kinh nghiệm và quyết định lựa chọn giống bưởi diễn, cam canh, chanh tứ thời, thanh long ruột đỏ cùng cây sơn ta bản địa về trồng trên đất đồi Yên Lương.

Lợn nái, lợn thịt, gà, vịt liên tục xuất chuồng tiếp thêm vốn cho ông bà đầu tư vào vườn cây ăn quả theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Trăm gốc thanh long ruột đỏ đã cho lứa quả đầu tiên và đã được thương lái trong vùng đến tận vườn đặt hàng.

Ông bà dự định trồng tiếp 200 gốc thanh long ruột đỏ và theo tính toán sẽ cho thu lãi khoảng 30-50 triệu đồng. Vườn cam, vườn bưởi đã cao vượt đầu người, không lo bị gia súc phá hoại, ông bà đang tính toán tiếp tục phát triển đàn dê, đàn bò cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao cho các nhà hàng quanh vùng…

Ông Đinh Quang Huy-Chủ tịch UBND xã Yên Lương bày tỏ: “Xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Lương cao nhất nhì huyện.

Chúng tôi rất mong muốn và thường xuyên chỉ đạo, vận động bà con phát triển kinh tế gia đình trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Thông mặc dù chưa lớn về quy mô nhưng thực sự là điển hình về tinh thần cần cù lao động, lựa chọn vật nuôi cây trồng phù hợp có hiệu quả kinh tế đáng để cho bà con học tập làm theo…”.

Chưa tính toán được lợi nhuận chính xác nhưng chắc chắn trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình ông Thông sẽ đền đáp xứng đáng công sức của ông bà đã bỏ ra với nguồn thu ổn định vài trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn cam, bưởi diễn, chanh tứ thời và lượng nhựa sơn ta đang có giá cao, ổn định trên thị trường…


Related news

Đã Tìm Được Cách Chữa Bệnh Tôm Chết Sớm Đã Tìm Được Cách Chữa Bệnh Tôm Chết Sớm

Công nghệ nuôi biofloc được hiểu là ao nuôi tôm sẽ được bổ sung một số loại vi sinh vật và không thay nước trong quá trình nuôi. Mô hình này đã được một số hộ nuôi tôm đang áp dụng tại một số địa phương ở miền Trung và ĐBSCL.

Friday. December 13th, 2013
Ngư Dân Trúng Đậm Khi Cá Ra Sông Ngư Dân Trúng Đậm Khi Cá Ra Sông

Trong hai ngày 9 và 10-12, hàng trăm ngư dân biên giới thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương, Phú Lộc (TX. Tân Châu), Phú Hữu (An Phú - An Giang) dùng các phương tiện đánh bắt, như: Chài, lưới, vó cất, vó gạt… để đánh bắt cá đồng ra sông và trúng đậm.

Friday. December 13th, 2013
Gieo Giống Tốt, Gặt Mùa Vui Gieo Giống Tốt, Gặt Mùa Vui

Trong một cuộc Hội thảo về giống cây trồng, vật nuôi được tổ chức tại TP Quy Nhơn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đánh giá Bình Ðịnh là một trong những địa phương làm tốt khâu giống. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng, giúp Bình Ðịnh phát triển sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao.

Friday. January 3rd, 2014
Thành Công Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm Thành Công Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm

Điển hình là gia trại nuôi gà đẻ lấy trứng thương phẩm theo phương pháp chuồng lạnh bảo đảm trứng gà sạch của gia đình anh Trần Văn Tiến, thôn Tân Hưng.

Friday. December 13th, 2013
Cắt Giảm 130.000ha Đất Trồng Lúa Trong Năm 2014 Cắt Giảm 130.000ha Đất Trồng Lúa Trong Năm 2014

Dù diện tích trồng lúa giảm nhưng ngành Nông nghiệp sẽ mở rộng liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ 200.000 - 250.000 ha, sử dụng các giống thích hợp với thị trường xuất khẩu.

Friday. January 3rd, 2014