Sẻ mặn với diêm dân
Mặn hơn cả muối!
Tháng 5, nắng cháy da cháy thịt. Trên cánh đồng muối Sa Huỳnh không một bóng cây. Cả đời gắn với nghề muối, những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt của diêm dân Đinh Vân (65 tuổi) còn mặn hơn cả những hạt muối tinh khiết chính bàn tay mình làm ra.
Ông Vân tự hỏi: “Sao cái gì cũng lên giá mà muối đã mấy chục năm rồi may mắn lắm mới được vài vụ lên giá? Một bao muối nặng trĩu thế kia bán được 30 ngàn thì lấy gì mà ăn? Nắng thêm vài ngày nữa giỏi lắm còn 20 ngàn. Làm muối biết bao giờ mới khá lên được?”
Ông Vân có 3 suất ruộng muối, nhưng ông chỉ làm 2 suất, còn 1 suất bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu năm long đong với cái nghề này, ông chẳng còn thiết tha cho lắm, nhưng vì cơm áo gạo tiền nên ráng nai lưng mà bám víu.
Hai suất ruộng 1 ha mặt nước, mọi năm, ông Vân đã kiếm được hơn 7 triệu đồng cho 3 tháng làm lụng vất vả, bán mặt cho nước, bán lưng cho trời. Bấy nhiêu chẳng to tát gì so với công sức bỏ ra, nhưng với ông cũng đỡ đần phần nào, còn nay chỉ mới bán được 1,5 triệu đồng. Dường như ông cảm thấy “chai sạn” với điệp khúc muối lao đao.
Hiện tại, nhà ông Vân còn tồn đọng 1,25 tấn muối, nếu đến hết mùa chắc chắn con số này sẽ tăng lên gấp 10 lần. Muối rớt giá, ông đành chờ vận và ước ao có một có một đơn vị nào đó đứng ra thu mua muối cho diêm dân với giá ổn định thì vui biết chừng nào!
1 giờ chiều, cánh đồng muối Sa Huỳnh tấp nập người cào, kẻ xúc, người khiêng, kẻ vác. Những ụ muối trắng tinh chất cao ngồn ngộn nằm ngổn ngang trên bờ ruộng, trước sân sau hiên nhà cả trên đường đi.
Muối Sa Huỳnh nổi tiếng vì vừa đậm vừa thanh. Thế nhưng, để có hạt muối mặn mà ấy, là bao nỗi nhọc nhằn cùng những đôi gánh tần tảo của diêm dân.
Đầu vụ, giá muối 900 đồng/kg, vài ngày sau lại xuống dần còn 800 rồi 700 đồng/kg, cho đến thời điểm này là 600 đồng/kg. Một bao muối đong đầy nặng trĩu 50 kg chỉ có giá 30 ngàn đồng. Diêm dân than vãn vì muối rớt giá liên phanh. Chuyện đời muối nghe sao mà cơ cực quá đỗi.
Đưa tay lau vội giọt mồ hôi hòa với vị mặn của muối trên gương mặt chi chít vết chân chim, chị Trần Thị Phụ than vãn: “Lúc trước thương lái chê muối bẩn ép giá đã đành, giờ mình đã đầu tư mấy chục triệu làm muối sạch họ cũng chê. Thương hiệu với không thương hiệu đều cá mè một giá. Cả đồng muối vầy có 2 người đứng ra mua nên họ tha hồ mà ép giá”.
Không chỉ gia đình chị Phụ mà gần 600 gia đình diêm dân cùng cảnh ngộ. Khó khăn nhất là mấy trăm gia đình đầu tư vào làm muối sạch. Tình trạng ế ẩm và bị thương lái ép giá lặp đi lặp lại đã mấy chục năm khiến cuộc sống diêm dân lao đao. Đã có hơn 4ha diện tích diêm dân bỏ hoang để đi làm ăn xa lo cho cuộc sống mưu sinh thường nhật.
Sẻ “mặn” với diêm dân
Trước tình trạng diêm dân lao đao đang vì muối, sau các hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu, một lần nữa, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi lại chung tay san sẻ với diêm dân khi phát động Chương trình "Muối Sa Huỳnh- Hạt muối nghĩa tình" trong đoàn viên, thanh niên.
Cảm thương nỗi khốn khó của bà con, cán bộ, nhân viên Tỉnh Đoàn đã không quản cực nhọc thuê xe vào tận ruộng mua muối rồi phơi mình dưới cái nắng như thiêu như đốt để bán từng gói muối cho diêm dân.
Cũng như dưa, Tỉnh Đoàn phải chịu bù lỗ cho các khoản lộ phí. Chỉ trong hai ngày ngắn ngủi bán muối giúp diêm dân, Tỉnh Đoàn đã bán được 950 kg trong tổng số 1.400 kg nhập về.
Đến nay, một số doanh nghiệp như Công ty Sabeco đồng ý mua muối cho bà con mỗi tháng 700 kg với giá 2.000 đồng/kg và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cũng tham gia mua muối giúp diêm dân Sa Huỳnh.
Tin vui này đến với diêm dân, nhiều người xúc động nghẹn ngào. Những tấm lòng thơm thảo, tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của người Việt một lần nữa lại được phát huy.
Thật tình mà nói, tấm lòng của cán bộ, nhân viên Tỉnh Đoàn cũng như những tấm lòng thơm thảo khác là một hành động nhân văn đáng trân trọng.
Song thông thường mọi năm năng suất muối Sa Huỳnh đạt tới hơn 8.000 tấn, vì vậy cái mà chúng ta cần là những giải pháp hữu hiệu, lâu dài, định hướng giúp nông dân “đầu vào đầu ra” để họ khỏi khốn khó mỗi khi đến mùa tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Thay vì chỉ tập trung vào một thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, thương lái... ở nhiều lĩnh vực đang tăng tốc chủ động lên những kế hoạch khá bài bản để mở rộng sang những thị trường khác.
Thời tiết nắng, mưa xen kẽ như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển trên cây mía. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận hơn 180ha mía bị nhiễm sâu bệnh, do đó để hạn chế diện tích lây lan và đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi thì công tác phòng, chống sâu bệnh đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Mỗi năm, ĐBSCL có khoảng 23 triệu tấn rơm, 4,6 triệu tấn trấu và 2,3 triệu tấn cám được thải ra trong quá trình sản xuất, chế biến gạo. Tuy nhiên, chỉ phần nhỏ phụ phẩm này được tận dụng trồng nấm, làm thức ăn gia súc, còn lại nông dân thường bỏ đi, lãng phí tiền tỷ mỗi năm.
Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, Công ty Kato Hitoshi General (Nhật Bản) còn cam kết giúp ngư dân Bình Định xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.
Năm nay, sản lượng vải thiều Lục Ngạn tuy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng vải không bị bán đổ, bán tháo do ngoài thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ lệ khoảng 1/2 lượng xuất khẩu thì vải Lục Ngạn đã tìm được một số thị trường mới như Úc, Nhật, Hàn Quốc.