Xã Ea Ning (Cư Kuin - Đắk Lắk) Thêm Một Vụ Tiêu Được Mùa, Được Giá
Vụ thu hoạch tiêu năm nay, người nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) rất phấn khởi vì tiêu được mùa. Với giá 124.000/kg như hiện nay, nhiều hộ trồng tiêu có nguồn thu hàng tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, người trồng tiêu ở xã Ea Ning được mùa, được giá. Anh Văn Ngọc Dũng (thôn 14, xã Ea Ning) không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi có 1 héc ta tiêu, với 1.100 gốc sản lượng thu được gần 5 tấn. Trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu, thuê nhân công hái tầm 130.000 đồng/người/ngày hết khoảng 20 triệu, và trừ các khoản linh tinh khác thì cũng còn lại khoảng 450 triệu đồng”.
Hai vụ trước, cũng nhờ cây tiêu được mùa, giá cao, gia đình anh Dũng đã xây được nhà Thái, mua được ô tô. Anh Dũng cho biết thêm, nguồn thu năm nay sẽ tích lũy đầu tư sản xuất và cho con cái học hành. Còn bà Lê Thị Hằng (thôn 23) mới hái nửa vườn tiêu hơn 8 sào, đã được chừng 2 tấn tiêu khô. Bà cho biết, năm nay năng suất ước đạt 5 tạ/sào, cao nhích hơn năm ngoái.
Theo ông Phan Phước Thái, Trưởng thôn 23 xã Ea Ning, nhờ cây tiêu liên tiếp trúng mùa, đến nay đã có 70% trên tổng số 230 hộ trong thôn đều có cuộc sống khá giả, có hộ thu nhập lên tới cả tỷ đồng nhờ cây tiêu. Cả thôn chỉ còn 13 hộ nghèo. Có của ăn của để, người dân tích cực góp công, góp của xây dựng đường làng, ngõ xóm và các công trình công cộng.
Cùng nhận định như ông Thái, ông Phạm Bá Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết thêm: Sau khi chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê già cỗi sâu bệnh và một số diện tích vườn tạp sang cây tiêu, đến nay toàn xã đã có hơn 700 ha diện tích hồ tiêu, trong đó gần 450 ha tiêu kinh doanh. Và phải mất 3-4 năm đầu tư chăm sóc cây tiêu trong nơm nớp lo âu vì sợ tiêu chết hàng loạt và giá cả thất thường, người trồng tiêu Cư Kuin mới có được 3 mùa vàng liên tiếp.
Cũng theo ông Thủy, nhờ cây tiêu, thu nhập bình quân đầu người ở Ea Ning tăng nhanh, từ 10 đến 12 triệu đồng/người vào năm 2007, đến nay thu nhập đã hơn 24 triệu đồng/người; bộ mặt nông thôn đang thay đổi từng ngày và góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu nông thôn mới trên địa bàn, hiện xã đã hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Đồng Nai đã hình thành vùng nuôi tôm càng xanh tại Tân Phú trong vài năm nay, chủ yếu nuôi tập trung tại xã Trà Cổ với khoảng 40 hécta ao. Tôm khi trưởng thành đạt trọng lượng 25 - 30 con/kg sẽ được đánh bắt để cung cấp cho các vựa tôm trong tỉnh.
Hiện nay, nông dân ở vùng ngập mặn thuộc các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh đã thu hoạch gần dứt điểm hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú. Điều phấn khởi là vụ nuôi tôm càng xanh năm nay, nông dân Trà Vinh tiếp tục được bội thu.
Hàng năm vào tháng 9, 10 ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Bên cạnh những lợi ích như: cung cấp phù sa, xổ nước phèn cho đồng ruộng, mang lại nguồn lợi thủy sản…, lũ cũng gây hại nhất định đối với sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản nước ngọt.
Do thời tiết ở Thái Lan đang ấm dần lên, nên người nuôi tôm ở miền Nam nước này đã bắt đầu thả nuôi lại với hy vọng vụ mùa năm nay sẽ kả quan hơn.
Với nhiều hàng rào kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đề ra ngày càng cao, ngành cá tra Việt Nam đang chủ động hướng tới sản xuất bền vững.