Làm Giàu Từ Nuôi Lợn
Khởi nghiệp từ 35 con lợn, nhờ lao động cần cù và tiết kiệm trong chi tiêu, ông Lê Văn Hoàng, ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến (Hoà Vang - Đà Nẵng) đã làm giàu.
Về thôn Lệ Sơn 2, chúng tôi hỏi nhà ông Hoàng không khó, bởi ai cũng biết tài nuôi lợn của ông. Trên khoảng đất 200m2, ông tự tay thiết kế12 ô chuồng, mỗi ô chuồng nuôi khoảng 7 - 8 con.
Nói về nuôi lợn, ông Hoàng bảo với chúng tôi, đó là một nghề. Trước đây, ông làm trong ngành điện dân dụng, lương tháng chẳng được bao nhiêu, lại xa nhà, còn vợ thì làm công nhân, cuộc sống lúc nào cũng khó khăn, ba đứa con không có tiền ăn học. Nghe vài người trong làng khuyên nuôi lợn, vì lợn dễ nuôi, có đầu ra, giá ổn định nên từ năm 2009, ông bắt đầu gắn bó với con vật nuôi này, khởi nghiệp ban đầu là 35 con. Ngày đó, ông chỉ cho lợn ăn rau, cỏ, lấy công làm lãi là chính nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Đặc biệt, do không có kinh nghiệm nên lợn ông nuôi thường bị dịch bệnh. Không nản chí, ông vẫn quyết đeo bám nghề này.
Để nghề này phát triển bền vững, ông bắt đầu tham gia các chương trình, lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay, trang trại của ông đã có hơn 90 con lợn siêu nạc.
Ông Hoàng chia sẻ: “Để có được giống tốt, tôi phải đích thân đến các cơ sở sản xuất giống ở Bình Định, Quảng Ngãi để tìm hiểu và lựa chọn. Mặc dù giá cao hơn nhưng trọng lượng và chất lượng cao hơn giống lợn địa phương”.
Loại bỏ cách nuôi truyền thống, ông chuyển sang nuôi công nghiệp. Ông vẫn cho lợn ăn rau, cỏ cộng thêm cám công nghiệp, ngoài ra ông còn tận dụng nguồn thức ăn dư thừa ở chợ, quán ăn trên địa bàn. Vì thế, lứa lợn nào của ông cũng lớn rất nhanh, chất lượng thịt ngon.Trừ chi phí, mỗi năm ông lãi ròng gần 150 triệu đồng.
Hỏi về kinh nghiệm, ông Hoàng trải lòng: “Nuôi lợn, ngoài kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, bà con phải giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Về mùa hè nên nuôi với mật độ thấp, mùa đông chuồng cần ấm áp và có thể nuôi với mật độ cao hơn; thường xuyên sát trùng chuồng trại và tiêm phòng vắc-xin cho lợn. Chế độ ăn phải đảm bảo hợp lý theo trọng lượng của lợn. Ngoài thức ăn công nghiệp, cần bổ sung thêm một lượng tinh bột cần thiết để tránh các bệnh do thiếu đạm”.
Hướng tới chăn nuôi sạch, ông Hoàng còn đầu tư xây hầm biogas để xử lý nước thải, vừa phục vụ nấu nướng.
Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn rất trăn trở bởi: “Giá lợn hơi quá thấp, trong khi giá thức ăn lại tăng liên tục. Nếu không tính toán kỹ thì càng nuôi càng lỗ. Giá như Nhà nước tạo điều kiện giúp bà con bao tiêu sản phẩm hoặc hỗ trợ tiêu thụ thì người chăn nuôi mới sống nổi”.
Có thể bạn quan tâm
Ở tuổi đôi mươi, chàng trai Lâm Thái Vương (SN 1988), gương mặt trẻ nhất nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2011 trở thành triệu phú, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng nhờ nuôi cá sấu.
Dằn lưng số vốn ít ỏi 2 triệu đồng, không kiến thức trong tay, chị Đào Thị Thiện (thôn Quảng Hội, Quang Tiến, Sóc Sơn) vẫn quyết tâm học hỏi kinh nghiệm và vươn lên trở thành một “bà chủ” ở thôn Quảng Hội. Chị là một trong bảy gương mặt phụ nữ trên cả nước được Ủy ban Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam bình chọn trao giải Phụ nữ Việt Nam năm 2011
Chiếc xe tải mang biển kiểm soát 16N-0925 đang lao vun vút trên Quốc lộ 5 bỗng phải khựng lại trước hiệu lệnh dừng xe của lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội.
Ngày 21-5, tại TP Cần Thơ, Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức hội thảo “Nghiên cứu phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) thủy sản trong xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”.
Dưới cái nắng xối xả hắt vào mặt, những người kéo lưới, bốc vác, cân cá cạnh ao nuôi cá tràu của nhà anh Huỳnh Văn Lượng ở xóm 7, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (Bình Định) vẫn cười nói vui vẻ vì vụ cá này của nhà anh được mùa được giá.