Vụ Đông Mang No Ấm Cho Người Na Hối
Những năm gần đây, sản phẩm rau an toàn của nông dân xã Na Hối (Bắc Hà - Lào Cai) đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưu chuộng. Chính vì vậy, vụ đông xuân 2013- 2014, chính quyền xã Na Hối có chủ trương mở rộng diện tích cây rau màu trên chân ruộng lúa một vụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Xanh màu no ấm
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của xã Na Hối, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân đang miệt mài làm đất, chuẩn bị xuống giống những lứa rau đầu tiên của vụ đông xuân 2013- 2014.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lĩnh ở thôn Na Hối Tày vừa thu hoạch xong diện tích lúa mùa đã bắt tay vào vệ sinh đồng ruộng, làm đất, lên luống, trồng tiếp 2 sào khoai tây và rau đậu (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Được biết, thu nhập của gia đình chị Lĩnh chủ yếu dựa vào 4 sào ruộng ít ỏi, các con lại đang tuổi ăn học nên ngoài một vụ lúa, việc trồng cây rau màu vụ đông đã góp phần cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.
Ông Vũ Văn Hiếm, ở thôn Dì Thàng 2, tuy đã 79 tuổi nhưng vẫn trồng được hơn 1.500m2 rau màu vụ đông, chủ yếu là su hào và bắp cải. Ông Hiếm bảo, năm nay cụ mạnh dạn mở rộng diện tích bởi thời tiết ủng hộ, công việc cũng không quá vất vả lại cho thu nhập cao.
Trên cơ sở thành công của các vụ trước, vụ đông xuân 2013- 2014, lãnh đạo xã Na Hối mạnh dạn triển khai trồng 13ha khoai tây, tăng 3ha so với vụ đông xuân năm trước và 10ha rau màu các loại, chủ yếu là bắp cải, su hào. Diện tích trồng tập trung ở 7 thôn vùng thấp của xã là Na Hối Tày, Na Hối Nùng, Sín Chải A, Sín Chải B, Dì Thàng…
Hiện, bà con nông dân đã nhận đủ giống khoai tây, phân bón, đang tiến hành ủ và làm đất để trồng, sao cho đảm bảo đúng khung thời vụ. Ngoài ra, lãnh đạo xã còn vận động mỗi hộ dân xây dựng vườn rau riêng của gia đình để cải thiện đời sống.
Theo ông Phạm Văn Điều, Phó chủ tịch UBND xã Na Hối, để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất rau màu vụ đông xuân thuận lợi, xã chủ động phối hợp với Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định. Chính quyền xã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông tăng cường bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con làm đất, vệ sinh đồng ruộng, lên luống, gieo trồng, chăm sóc rau màu.
Liên kết làm giàu
Thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất rau an toàn giữa Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng và nông dân trên địa bàn xã Na Hối nói riêng, khu vực trung tâm huyện nói chung đã đi vào hoạt động ổn định. Điều quan trọng là đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo với giá cả ổn định, tạo niềm tin cho nông dân tích cực mở rộng diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bà Vũ Thị Minh Đông, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Di Thàng cho biết, hợp tác xã đang tích cực mở rộng quy mô hoạt động để đảm bảo thu mua hết sản phẩm cho bà con, cung ứng rau sạch cho thị trường Lào Cai, Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Hiện, hợp tác xã đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 50 chị em ở hai xã Na Hối, Tả Chải, thị trấn Bắc Hà và các xã lân cận.
Gia đình chị Lã Thị Liễu, xã Na Hối, là thành viên của Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng. Trước đây, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Từ ngày tham gia hợp tác xã, vợ chồng chị có việc làm lúc nông nhàn, thu nhập cũng được cải thiện nên có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của HTX rau an toàn Dì Thàng, ông Điều khẳng định: “Mặc dù Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng mới thành lập từ năm 2011 nhưng đã góp phần không nhỏ giúp xã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, giúp bà con nhận thức được lợi ích từ việc trồng rau theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
Tin tưởng vào thành công, thắng lợi bước đầu của mô hình liên kết “4 nhà” trong phát triển sản xuất kinh doanh rau an toàn, chính quyền và nhân dân xã Na Hối đã mạnh dạn mở rộng diện tích rau màu trong vụ đông xuân 2013 - 2014, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con nông dân, phấn đấu đưa Na Hối trở thành vùng chuyên canh rau an toàn ở Bắc Hà.
Có thể bạn quan tâm
Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nổi tiếng với bạt ngàn vườn cây ăn trái. Đặc biệt là 2 loại cây “chủ lực”: chôm chôm và nhãn. Sau này, có thêm cây chanh tàu cũng đã từng cho thu nhập khá cao.
Nông dân xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh, Hải Dương) bắt đầu thu hoạch thanh long ruột đỏ. Giá bán tại gốc 40 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với thanh long ruột trắng.
Toàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu - Đà Nẵng) có 22 tàu cá công suất nhỏ (20-30CV), khai thác ở vùng biển ven bờ. Năm nay, bà con ngư dân rất phấn khởi vì được mùa cá giò.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết cá điêu hồng đang tăng giá trở lại sau một thời gian tuột dốc vì tin đồn thất thiệt. Giá bán tại bè từ 26.000 - 28.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 5.500 đồng/kg so với 3 tháng trước.
Các hộ nuôi cá lóc ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đang đối mặt cá nuôi bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Điều đáng lo ngại là tuy triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng trị nhưng không đạt hiệu quả, có nguy cơ lan rộng.