Vươn Lên Nhờ Cam Sành
Khi cây cam sành bám rễ ở xã Tân Thành (TX.Ngã Bảy), nhiều người dân nơi đây cũng bắt đầu làm giàu...
Trong căn nhà tường còn mới, hai vợ chồng ông Lê Văn Đông, ở ấp Đông Bình, ngồi kể chuyện một thời nghèo khó. Ông Đông nhớ lại: “Cha mẹ đông con nên chia cho hai vợ chồng tui 2 công đất. Ra riêng, tui lúc đó vừa đi làm mướn, vừa làm ruộng, vậy mà nghèo hoài không dứt ra được. Khoảng bảy năm trước, khi bắt đầu trồng cam sành thì cuộc sống tui mới đỡ hơn”.
Năm 2003, khi thành lập, xã Tân Thành vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hộ nghèo nhiều, người dân cũng chỉ biết đến cây mía, cây lúa. Thời gian đó, cứ tầm tháng 9 (âm lịch), mọi người lại rủ nhau đi đào hộc mía mướn ở vùng Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp).
Anh Lê Phước Hậu, ở ấp Đông Bình, chia sẻ: “Nói đến cái nghèo thì không kể hết. Tôi nhớ hơn chục năm trước, ở đây nhà ai có con đi học THPT là nhà đó khá lắm. Nhà tôi hồi đó nghèo, đông anh em nên tôi chỉ được học tới lớp 9 rồi nghỉ, đi làm mướn kiếm ăn. Nhưng bây giờ thì khác nhiều lắm rồi…”.
Cái khác như anh Hậu chia sẻ bắt đầu từ cái ăn, cái mặc và chuyện học hành của con em người dân ở ấp Đông Bình này. Nếu như ngày xưa, ai cũng mong biết được cái chữ đã mừng, thì bây giờ nhiều gia đình đầu tư cho con cái đi học lên cao đẳng, đại học, thậm chí đi du học.
Ở những ấp của xã Tân Thành, cứ 10 căn nhà tường mọc lên thì ai cũng biết chắc chắn có 9 hộ nhờ có vườn cam trĩu quả. Khoảng bảy, tám năm trước, khi cây cam bén rễ, cũng là lúc người dân thay đổi tập quán sản xuất, biết đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Nhiều lão nông ở đây cho biết, cây cam cũng có mặt ở đây khá lâu, nhưng ban đầu chỉ được trồng nhỏ lẻ, nên chưa phát huy hết giá trị.
Bà Nguyễn Thị Kiều Lan, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, cho biết: “Ở Tân Thành sông ngòi chằng chịt, bởi vậy xuồng ghe là phương tiện không thể thiếu, nó gắn bó từ khi ông bà đến đây khai khẩn. Còn bây giờ đi xuống mấy ấp kiếm mượn xuồng không có. Nhà ai cũng có xe máy để chở cam đi bán, nhà nào khá hơn thì sắm luôn xe tải nhỏ, lên vựa cam để kinh doanh. Còn xuồng thì đưa vô vườn cam để phục vụ tưới tiêu”.
Cây cam cũng có lúc gây khó khăn cho người dân ở đây, nhưng nó cho người dân nhiều thứ. Từ cây cam mà xã này xuất hiện nhiều “Câu lạc bộ nhà giàu” (CLB kinh tế làm vườn), với thu nhập mỗi năm 1 tỉ đồng/hộ. Toàn xã này có 843 hộ thu nhập từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/năm.
Khi khá giả, người dân ở đây chăm chút cuộc sống của mình hơn. Những ngày này, ông Lê Văn Lên, ở ấp Bảy Thưa, đang chuẩn bị tỉa lại hàng rào dâm bụt trước sân nhà. Gia đình ông Lên có hơn 4 năm gắn bó với cây cam và khi những cây cam cho trái cũng là lúc đời sống ông Lên sang trang mới. Năm 2013, với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm nhờ vườn cam 5 công, ông Lên được công nhận thoát nghèo bền vững. Ông Lên bộc bạch: “Bây giờ, đời sống khá lên nên mới tính đến chuyện làm đẹp nhà cửa, chứ hồi trước chạy ăn từng bữa, nghèo mười mấy năm rồi…”.
Khi cuộc sống tương đối khá giả, nhiều phụ nữ năng động ở đây đã tiếp cận, tổ chức mô hình sản xuất hiệu quả. Gần một tháng nay, chị Đỗ Thị Mỹ Nhanh, ở ấp Bảy Thưa, thực hiện bước đầu khá thành công mô hình sản xuất mới khi xuất xưởng lô hàng ghế salon đan bằng dây nhựa hơn 100 cái.
Hiện công việc này có sự tham gia của 25 người dân ở ấp. Mỗi chiếc ghế hoàn thành, người đan nhận được 60.000 đồng tiền công. Bà con chỉ đan mướn, không phải lo đầu ra vì có công ty bao tiêu sản phẩm. Chị Nhanh chia sẻ: “Ở xóm này nhà ai cũng trồng cam, khi cây cam lớn thì cũng có chút thời gian rảnh rỗi, thấy vậy tôi mới cùng thằng cháu thực hiện mô hình làm ăn mới. Mô hình này giúp bà con có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Tân Thành đã cơ bản đạt 19 tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới và dự kiến được công nhận tới đây. Trong đó, tiêu chí thu nhập đạt kết quả vượt bậc. Với thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được nâng cao… Những kết quả đó có sự góp phần quan trọng của cây cam sành.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm ngoái cho đến nửa năm nay, giá heo ở mức thấp dưới giá thành, người nuôi lỗ nặng nên nhiều người bán trại, giảm đàn mạnh.
Nông dân trồng ớt ở ấp Vĩnh Khánh, xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, An Giang) đang vào mùa thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Sang – ngụ ấp Vĩnh Khánh cho biết: Năm rồi anh trồng thí nghiệm 2 công ớt, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc anh thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Nguy cơ tái phát cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ nay đến cuối năm là khá cao, việc tăng cường ý thức phòng chống dịch cho người chăn nuôi, hộ sản xuất kinh doanh ấp nở trúng gia cầm là yếu tố quan trọng
Thời điểm này là lúc bà con nông dân phải xuống đồng để làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân. Nhưng, nhiều cánh đồng vẫn còn lênh láng nước, chưa được đấu úng nên nhiều nguy cơ vụ đông xuân sẽ gieo cấy chậm trể.
Nấm rơm là loại nấm dễ trồng, có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao nên ngày càng được nhiều nông dân tham gia sản xuất. Việc trồng nấm rơm trái vụ ngay trên đồng ruộng giúp tiết kiệm chi phí nhà xưởng, tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có, đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất theo ý muốn của nông dân.