Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vươn Lên Nhờ Cam Sành

Vươn Lên Nhờ Cam Sành
Publish date: Tuesday. October 21st, 2014

Khi cây cam sành bám rễ ở xã Tân Thành (TX.Ngã Bảy), nhiều người dân nơi đây cũng bắt đầu làm giàu...

Trong căn nhà tường còn mới, hai vợ chồng ông Lê Văn Đông, ở ấp Đông Bình, ngồi kể chuyện một thời nghèo khó. Ông Đông nhớ lại: “Cha mẹ đông con nên chia cho hai vợ chồng tui 2 công đất. Ra riêng, tui lúc đó vừa đi làm mướn, vừa làm ruộng, vậy mà nghèo hoài không dứt ra được. Khoảng bảy năm trước, khi bắt đầu trồng cam sành thì cuộc sống tui mới đỡ hơn”.

Năm 2003, khi thành lập, xã Tân Thành vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hộ nghèo nhiều, người dân cũng chỉ biết đến cây mía, cây lúa. Thời gian đó, cứ tầm tháng 9 (âm lịch), mọi người lại rủ nhau đi đào hộc mía mướn ở vùng Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp).

Anh Lê Phước Hậu, ở ấp Đông Bình, chia sẻ: “Nói đến cái nghèo thì không kể hết. Tôi nhớ hơn chục năm trước, ở đây nhà ai có con đi học THPT là nhà đó khá lắm. Nhà tôi hồi đó nghèo, đông anh em nên tôi chỉ được học tới lớp 9 rồi nghỉ, đi làm mướn kiếm ăn. Nhưng bây giờ thì khác nhiều lắm rồi…”.

Cái khác như anh Hậu chia sẻ bắt đầu từ cái ăn, cái mặc và chuyện học hành của con em người dân ở ấp Đông Bình này. Nếu như ngày xưa, ai cũng mong biết được cái chữ đã mừng, thì bây giờ nhiều gia đình đầu tư cho con cái đi học lên cao đẳng, đại học, thậm chí đi du học.

Ở những ấp của xã Tân Thành, cứ 10 căn nhà tường mọc lên thì ai cũng biết chắc chắn có 9 hộ nhờ có vườn cam trĩu quả. Khoảng bảy, tám năm trước, khi cây cam bén rễ, cũng là lúc người dân thay đổi tập quán sản xuất, biết đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Nhiều lão nông ở đây cho biết, cây cam cũng có mặt ở đây khá lâu, nhưng ban đầu chỉ được trồng nhỏ lẻ, nên chưa phát huy hết giá trị.

Bà Nguyễn Thị Kiều Lan, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, cho biết: “Ở Tân Thành sông ngòi chằng chịt, bởi vậy xuồng ghe là phương tiện không thể thiếu, nó gắn bó từ khi ông bà đến đây khai khẩn. Còn bây giờ đi xuống mấy ấp kiếm mượn xuồng không có. Nhà ai cũng có xe máy để chở cam đi bán, nhà nào khá hơn thì sắm luôn xe tải nhỏ, lên vựa cam để kinh doanh. Còn xuồng thì đưa vô vườn cam để phục vụ tưới tiêu”.

Cây cam cũng có lúc gây khó khăn cho người dân ở đây, nhưng nó cho người dân nhiều thứ. Từ cây cam mà xã này xuất hiện nhiều “Câu lạc bộ nhà giàu” (CLB kinh tế làm vườn), với thu nhập mỗi năm 1 tỉ đồng/hộ. Toàn xã này có 843 hộ thu nhập từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/năm.

Khi khá giả, người dân ở đây chăm chút cuộc sống của mình hơn. Những ngày này, ông Lê Văn Lên, ở ấp Bảy Thưa, đang chuẩn bị tỉa lại hàng rào dâm bụt trước sân nhà. Gia đình ông Lên có hơn 4 năm gắn bó với cây cam và khi những cây cam cho trái cũng là lúc đời sống ông Lên sang trang mới. Năm 2013, với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm nhờ vườn cam 5 công, ông Lên được công nhận thoát nghèo bền vững. Ông Lên bộc bạch: “Bây giờ, đời sống khá lên nên mới tính đến chuyện làm đẹp nhà cửa, chứ hồi trước chạy ăn từng bữa, nghèo mười mấy năm rồi…”.

Khi cuộc sống tương đối khá giả, nhiều phụ nữ năng động ở đây đã tiếp cận, tổ chức mô hình sản xuất hiệu quả. Gần một tháng nay, chị Đỗ Thị Mỹ Nhanh, ở ấp Bảy Thưa, thực hiện bước đầu khá thành công mô hình sản xuất mới khi xuất xưởng lô hàng ghế salon đan bằng dây nhựa hơn 100 cái.

Hiện công việc này có sự tham gia của 25 người dân ở ấp. Mỗi chiếc ghế hoàn thành, người đan nhận được 60.000 đồng tiền công. Bà con chỉ đan mướn, không phải lo đầu ra vì có công ty bao tiêu sản phẩm. Chị Nhanh chia sẻ: “Ở xóm này nhà ai cũng trồng cam, khi cây cam lớn thì cũng có chút thời gian rảnh rỗi, thấy vậy tôi mới cùng thằng cháu thực hiện mô hình làm ăn mới. Mô hình này giúp bà con có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Tân Thành đã cơ bản đạt 19 tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới và dự kiến được công nhận tới đây. Trong đó, tiêu chí thu nhập đạt kết quả vượt bậc. Với thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được nâng cao… Những kết quả đó có sự góp phần quan trọng của cây cam sành.


Related news

"Vàng Đen" Ở Xuân Thọ (Đồng Nai)

Vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có diện tích khá lớn với gần 500 hécta. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nhiều nông dân đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui trúng mùa, được giá.

Friday. February 28th, 2014
Không Sử Dụng Giống Khoai Mì Bị Nhiễm Bệnh Không Sử Dụng Giống Khoai Mì Bị Nhiễm Bệnh

Qua khảo sát của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho thấy, những năm gần đây, tình hình dịch hại trên cây mì có nhiều diễn biến phức tạp, một số đối tượng dịch hại nguy hiểm có nguy cơ lây lan trên diện rộng như: Bệnh chổi rồng, bệnh xì mủ thân (do vi khuẩn), rệp sáp bột hồng và một số loài rệp sáp khác.

Friday. February 28th, 2014
Bài Học Từ Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Tại Cà Mau Bài Học Từ Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Tại Cà Mau

Năm 2013, có 1.392 hộ và 516,76 ha tham gia bảo hiểm với tổng mức phí 22,38 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Có 1.575 vụ tôm thiệt hại trên tổng số 1.392 hợp đồng với diện tích 496,409, chiếm 96,1% tổng diện tích tham gia bảo hiểm.

Saturday. March 1st, 2014
Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Bàn Giải Pháp Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Các Tỉnh Phía Nam Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Bàn Giải Pháp Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Các Tỉnh Phía Nam

Sáng 28-2, tại TP.Bà Rịa, Tổng Cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2014 và bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi ở các tỉnh phía Nam.

Saturday. March 1st, 2014
Trứng An Toàn Vẫn Tiêu Thụ Tốt Trứng An Toàn Vẫn Tiêu Thụ Tốt

Theo đại diện một số siêu thị tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), lượng trứng gia cầm tiêu thụ vẫn tốt dù giá trứng không điều chỉnh giảm như ngoài thị trường.

Saturday. March 1st, 2014