Tôm Sú - Tôm Thẻ Chân Trắng Cuộc Chiến Giá Cả
Trong 3 tháng qua, giá tôm nước lợ tại Tiền Giang liên tục biến động bất thường với biên độ dao động 30.000-50.000 đồng/kg khiến “câu chuyện giá tôm” trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi.
Hơn 1 tuần nay, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng lại tiếp tục tăng - giảm theo hướng trái chiều nhau với mức chênh lệch 5.000-15.000 đồng/kg. Đáng lưu ý là, gần đây giá tôm cỡ nhỏ có xu hướng tăng so với tôm cỡ lớn.
Giá tôm biến động bất thường
Những ngày này, các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ tôm chính trong năm. Do đó, cứ đi vào vùng nuôi tôm ở địa phương này thì câu chuyện được nông dân bàn tán sôi nổi nhất vẫn là sự biến động của giá.
Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) cho biết, trong tháng 5 vừa rồi, giá tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 250.000 - 280.000 đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg có giá 280.000 - 300.000 đồng/kg; tính ra giá tôm sú trong tháng 5 tăng 50.000 đồng/kg so với tháng 4.
Với giá tôm sú thời điểm này, nếu có tôm thu hoạch, nông dân lời trên 600 triệu đồng/ha với năng suất bình quân 5 tấn/ha do giá thành sản xuất tôm chỉ khoảng 120.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bước vào giữa tháng 6, giá tôm sú bất ngờ giảm tới 100.000 đồng/kg, rồi tăng trở lại khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg ngay trong tuần sau đó và duy trì ổn định đến cuối tháng 7. Thời điểm này, giá tôm sú loại 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 190.000-200.000 đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg có giá 230.000 - 250.000 đồng/kg.
Đến cuối tháng 7, giá tôm tiếp tục giảm 20.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 220.000-230.000 đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg giá 170.000-180.000 đồng/kg.
Trái với tâm trạng của nông dân nuôi tôm sú, người nuôi tôm thẻ chân trắng đang chuyển từ tâm trạng buồn sang vui do giá tôm thẻ liên tục tăng trong 3 tuần đầu tiên của tháng 6 với tổng mức tăng khoảng 30.000 đồng/kg, rồi ổn định đến cuối tháng 8.
Cuối tháng 5 vừa qua, ông Lê Thanh Phong ở xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) cứ lắc đầu nhìn những ao tôm của mình khi gặp chúng tôi do giá tôm thời điểm đó chỉ nằm ở mức 70.000-73.000 đồng/kg, bằng giá thành sản xuất trong điều kiện tôm nuôi phát triển thuận lợi, không bị dịch bệnh, trường hợp tôm chậm lớn hay bị dịch bệnh thì coi như lỗ nặng. Còn hơn 1 tháng nay, ông Phong trở nên phấn khởi hơn do giá tôm thẻ chân trắng đã tăng vọt trở lại.
Với diễn biến giá tôm thời gian qua, thậm chí bà con nuôi tôm chỉ cần thu hoạch tôm sớm hay muộn vài ngày là 1ha mặt nước có thể mất hay lãi thêm vài chục triệu đồng.
Ông Lê Văn Bình ở xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) cho biết: “Giữa tháng 7, ao tôm thẻ chân trắng của gia đình tôi có dấu hiệu bệnh phải thu hoạch sớm nên tôm bán thời điểm này chỉ có giá 85.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg. Nếu tôm phát triển suôn sẻ, chỉ cần kéo dài thời gian nuôi thêm 1 tuần nữa thì tôi bán được với giá trên 100.000 đồng/kg”.
Tôm cỡ nhỏ có lợi về giá
Những ngày đầu tháng 8, giá tôm lại tiếp tục biến động nghịch chiều, trong đó giá tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ đều có giá biến thiên theo chiều hướng ổn định hoặc tăng, còn tôm sú cỡ lớn lại tiếp tục giảm mạnh.
Ông Phan Văn Hoàng ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) cho biết, mấy ngày qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng được thương lái thu mua với giá tăng giảm ngược nhau, trong đó giá tôm cỡ nhỏ có xu hướng tăng.
Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg giá 210.000-215.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg nhưng tôm sú loại 40 con/kg vẫn ổn định ở mức 170.000-180.000 đồng/kg. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 105.000-110.000 đồng/kg, tôm cỡ 60 con/kg có giá 130.000-135.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước.
Theo ông Hoàng, giá thành nuôi tôm sú ở địa phương này khoảng 125.000 đồng/kg, nên với mức giá như hiện nay, bà con lãi từ 45.000-90.000 đồng/kg, tương ứng với 200-450 triệu đồng/ha (tùy theo kích cỡ tôm thu hoạch và năng suất) trong thời gian nuôi 4-5 tháng. Trong khi đó, giá thành nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ khoảng 70.000 đồng/kg, năng suất cao gấp đôi so với tôm sú, nên với giá tôm hiện nay, bà con có thể lãi 350-650 triệu đồng/ha trong thời gian nuôi khoảng 2,5-3 tháng.
Gần 1 tháng nay, ông Phong rất phấn khởi do giá tôm tăng vọt lên mức 105.000 - 110.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg, còn tôm thẻ loại 60 con/kg có giá 120.000 - 125.000 đồng/kg. Chỉ vào những ao tôm với vẻ mặt rạng rỡ, ông Phong nói: “Lúc trước tôi tưởng đâu những ao tôm này cao lắm chỉ lời vài chục triệu đồng, nhưng với giá tôm hiện nay là lãi khá rồi. Hiện 1kg tôm lãi khoảng 30.000 đồng thì với năng suất tôm bình quân 10 tấn/ha có thể đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha”.
Ông Phan Hữu Hội, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cho biết, sự tăng hay giảm của giá tôm là vấn đề được nông dân quan tâm nhất trong thời điểm này.
Bởi vì, giá tôm trong gần 3 tháng qua biến động rất mạnh nên chỉ khi đã thỏa thuận giá và thương lái bắt tôm xong thì bà con mới biết hiệu quả kinh tế vụ tôm này như thế nào. Mặc dù vậy, giá tôm từ đầu năm đến nay cũng nằm ở mức có lợi cho nông dân, trừ thời điểm đầu tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng nằm ở mức bằng giá thành sản xuất.
“Hơn 1 tuần nay, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng lại tiếp tục biến động theo hướng trái chiều nhau với mức chênh lệch 5.000-15.000 đồng/kg. Đáng lưu ý là giá tôm cỡ nhỏ có xu hướng diễn biến theo hướng tốt hơn tôm cỡ lớn. Nguyên nhân có thể do diện tích và sản lượng thu hoạch tôm sú tại các vùng nuôi tôm có sự tăng giảm theo từng thời điểm phụ thuộc vào biến động giá tôm trên thị trường”, ông Hội nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Vụ đông - xuân 2012-2013 đến nay đã kết thúc với những thành quả khá toàn diện. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt khoảng 190.593 tấn, vượt 8% cùng kỳ, vượt 3,8% kế hoạch. Bước vào SX vụ mùa, hè - thu với tinh thần chủ động cao, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương làm đất và chuẩn bị mạ để gieo cấy đúng khung thời vụ đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo.
Với mô hình luân canh kết hợp 4 loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích, anh Phạm Sỹ Toàn, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) năng suất cao ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú thuộc huyện miền núi Xuân Lộc (Đồng Nai) đã có thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 2 lần so với chuyên canh trước đây.
Đó là mô hình trồng bơ sáp xen trong vườn cà phê của gia đình anh Trịnh Xuân Mười ở xã Hoà Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đây cũng là một trong những điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân trong, ngoài tỉnh và đã được Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên chọn nhân rộng ra khắp các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.
Được sự giới thiệu của bà con trong thôn, chúng tôi đến thăm gia đình nhà anh Nguyễn Huy Tâm ở thôn 3, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, một nông dân làm kinh tế giỏi với nghề chính là chăn nuôi lợn.
Theo báo cáo sơ bộ từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mưa to kéo dài suốt một tuần qua đã làm cho nhiều ao đầm nuôi tôm, cá của người dân bị ngập, tôm, cá tràn ra ngoài. Nhiều hộ dân đã bị mất trắng từ đầu vụ nuôi.