Đắk Mil Phát Triển Cà Phê Theo Tiêu Chuẩn Quốc Tế
Theo UBND Đắk Mil, toàn huyện hiện có trên 21.100 ha cà phê, trong đó có không ít diện tích do nhân dân trồng không theo quy hoạch, chưa chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, công nghệ thu hoạch, chế biến còn lạc hậu… nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Nhằm khắc phục những hạn chế đó, những năm qua, ngành chức năng, các địa phương và người trồng cà phê trên địa bàn đã chú trọng phát triển cà phê theo hướng bền vững, gia tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác gắn với những tiêu chí cụ thể trong tất cả các khâu sản xuất.
Theo đó, huyện đã quy hoạch khu vực sản xuất cà phê sạch, cà phê đạt các chứng nhận quốc tế như 4C, UTZ Certified… tại các xã Đức Minh, Thuận An, Đắk Lao, Đức Mạnh, quy hoạch vườn chồi cà phê đầu dòng ở các xã Thuận An, Đắk Lao, Đức Minh.
Xác định giống là khâu đột phá nên Đắk Mil cũng đã xây dựng Đề án nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê trên địa bàn giai đoạn 2012- 2020 với mục tiêu trồng thay thế, cải tạo 5.500 ha cà phê già cỗi, sâu bệnh và cải tạo 3.150 ha trong giai đoạn 2016-2020.
Hình thức cải tạo mà địa phương chọn là bằng cách ghép cải tạo và trồng tái canh. Sau hai năm triển khai đề án, đến nay, toàn huyện đã tái canh được trên 600 ha. Cùng với đó, huyện cũng đã tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê có uy tín vào địa bàn đầu tư, liên kết trồng cà phê với người dân.
Tính đến nay, toàn huyện đã có 15 tổ hợp tác và trên 500 hộ dân tham gia sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế như UTZ Certified, 4C, thương mại công bằng, với diện tích khoảng 1.400 ha. Các doanh nghiệp như Công ty Cà phê Đức Lập, Công ty Cà phê Thuận An hay Hợp tác xã Công Bằng Thuận An cũng có hàng trăm héc ta cà phê được phát triển theo hướng bền vững. Tại xã Đức Mạnh, theo UBND xã thì địa phương hiện đã thành lập được 15 tổ hợp tác, với 160 hộ sản xuất trên 610 ha.
Điều đáng mừng là nhờ tham gia vào việc sản xuất theo hướng bền vững mà bà con đã biết sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên như đất đai, nước qua việc bón phân cân đối, hợp lý, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Ông Nguyễn Văn Thuận, ở thôn Đức Lợi cho biết: “Sản xuất cà phê theo hướng bền vững thật ra cũng không quá xa vời, chỉ áp dụng vài lần là quen.
Cụ thể như việc căn cứ vào thực tế sinh trưởng của vườn theo từng mùa vụ để biết nên bón loại phân gì, khối lượng bao nhiêu, bón vào lúc nào, mọi sự tác động lên vườn cây đều có sự ghi chép cụ thể để làm cơ sở cho việc đối chiếu, theo dõi về sau. Tôi đã học được cách ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, sự kết hợp hiệu quả giữa phân hữu cơ và vô cơ giúp tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, ổn định mức năng suất 3,5 tấn/ha qua nhiều năm”.
Việc vận động bà con sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn cũng là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của xã nhằm động viên nhân dân thi đua làm giàu chính đáng.
Về vấn đề này, ông Dư Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh cho biết thêm: “Nhờ sản xuất cà phê theo hướng bền vững nên hiện nay, năng suất cà phê bình quân của xã đạt 3 tấn/ha, tăng khoảng 5 tạ/ha so với 5 năm trước đây. Bà con khắc phục được tình trạng năm được mùa năm mất mùa, biết duy trì và tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp. Đây chính là bước thay đổi lớn về nhận thức của bà con mà sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững mang lại”.
Tương tự, theo UBND xã Đắk Lao thì toàn xã có 250 ha của 102 hộ được sản xuất theo hướng bền vững. Còn theo ông Võ Lý, Phó Chủ nhiệm HTX Công Bằng Thuận An thì hiện nay, đơn vị cũng đã có hơn 200 ha cà phê của 100 xã viên được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và luôn được bao tiêu cao hơn so với giá thị trường từ 1.000 đồng - 5.000 đồng/kg.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil thì địa phương cũng đang tập trung tháo gỡ những khó khăn nhằm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê ướt với công suất lớn tại Cụm công nghiệp Thuận An. Cùng với đó, để tăng chất lượng sản phẩm, huyện cũng sẽ tăng cường việc đảm bảo an ninh trật tự vào mùa thu hoạch để bà con hái cà phê có tỷ lệ quả chín cao, gắn với việc phơi sấy đúng cách…
Có thể bạn quan tâm
Trong một lần tình cờ xem chương trình “Bạn nhà nông” giới thiệu mô hình nuôi ếch khá hiệu quả của một doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, ông Phương đã tìm đến học một số kỹ thuật nuôi cơ bản. Sau đó, ông đặt mua 2.000 con ếch giống Thái Lan về nuôi thử nghiệm trong 5 ao (16m2/ao).
Mô hình lúa - tôm càng xanh trong mùa mưa trên các vùng đất chuyển dịch tôm - lúa cho kết quả khá tốt. Nhiều hộ dân huyện Thới Bình (Cà Mau) thu nhập thêm hàng chục triệu đồng từ con tôm càng xanh trước khi chuyển sang nuôi tôm sú vụ chính năm sau, đời sống cũng được cải thiện nhiều mặt nên bà con rất phấn khởi. Ðây là mô hình canh tác có nhiều triển vọng bền vững!
Gà Đông Tảo là loại gà đặc sản của tỉnh Hưng Yên có những ưu điểm nổi bật, gà to, lớn (từ 3kg đến 6kg) thịt ngon, chân to đang được nuôi nhiều ở xã Đông Tảo và nhiều địa phương trong tỉnh Hưng Yên. Hiện có hơn 90% số hộ ở xã Đông Tảo nuôi gà Đông Tảo; trong đó, có 400 hộ nuôi quy mô lớn. Nghề nuôi gà Đông Tảo đã mang lại cho nguồn thu nhập cho nhân dân xã Đông Tảo Hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Những ngày cuối năm, điện thoại của bà Hoa reo liên tục bởi khách đặt mua gà Đông Tảo. Trên website trang trại rắn mối - gà Đông Tảo do con trai bà Hoa điều hành từ TP. Hồ Chí Minh cũng đắt khách không kém. Bà Hoa cho biết, bà vừa đóng hàng gửi đi Cà Mau, Bạc Liêu và TP. Hồ Chí Minh với số lượng 45 con gà Đông Tảo. Với giá 500.000 đồng/con gà giò và 6 triệu đồng/con gà cồ giống 6 tháng tuổi, bà đã thu về gần 30 triệu đồng...
Trong khi công tác phòng dịch cúm gia cầm được ngành chức năng và các địa phương nỗ lực thực hiện, thì tại một số địa phương, người dân vẫn vứt xác gia cầm chết xuống sông. Việc làm thiếu ý thức này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn là tác nhân lây lan dịch bệnh.