Vùng Chuyên Canh Rau Màu Cho Hiệu Quả Cao
Trước kia, người dân xã Hồng An (Hưng Hà - Thái Bình) chủ yếu thu nhập từ 2 vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gần chục năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa dạng các loại cây rau màu giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Trồng rau màu cho thu nhập cao, ổn định, bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Trần Đình Lân, Chủ nhiệm HTX DVNN Hồng An: Từ năm 2005, Hồng An luôn đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trọng tâm là phát triển vùng chuyên canh rau màu. Từ vài hộ trồng rau ban đầu cho hiệu quả cao, đến nay đã có nhiều gia đình trồng từ 3 sào đến gần 1 mẫu cây rau màu; một số gia đình có thu nhập ổn định từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Toàn xã hiện đã xây dựng được 3 vùng chuyên canh rau màu lớn ở thôn Nam Tiến khoảng 17 ha, thôn Bắc Sơn và Hùng Thắng 12 ha, thôn Điềm khoảng 5 ha; các thôn còn lại luôn duy trì ổn định từ 2 – 3 ha.
Hiện nay, rau màu và các loại cây ăn quả đang là cây trồng chủ lực, làm giàu của bà con nông dân ở Hồng An. Ngoài xây dựng vùng chuyên canh rau màu, xã Hồng An quy hoạch được vùng trồng cây ăn quả ven sông Hồng với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: chuối tiêu hồng, nhãn muộn Hưng Yên và nhiều loại cây ăn quả khác. Những năm gần đây, kinh tế hộ phát triển là nhờ bà con nông dân liên tục luân canh, xen canh tăng vụ, tận dụng quỹ đất trồng từ 4 đến 5 vụ/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 4%.
Toàn xã hiện có hàng trăm hộ trồng rau quanh năm, ngoài diện tích chính là những vùng chuyên canh rau màu, các gia đình đều tận dụng đất đai trong vườn trồng các loại rau ngắn ngày. Các loại rau màu được bà con nông dân trồng chủ yếu như rau thơm, bắp cải, su hào, cà chua, dưa chuột, bí đao… Cũng nhờ rau màu mà đời sống của bà con nhân dân đang dần được cải thiện, những ngôi nhà cao tầng san sát đang được xây dựng, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ, khang trang.
Đi trên cánh đồng chuyên canh rau màu của thôn Điềm, đâu đâu chúng tôi cũng thấy một màu xanh mướt đủ loại cây trồng. Anh Trần Đức Vụ, thôn Điềm, xã Hồng An đang nhanh tay chăm sóc cho hơn 2 sào cải bắp vui vẻ cho biết: Trước kia, mảnh ruộng này vốn là vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả. Năm 2005, anh cùng một số gia đình trong thôn lên xã Mễ Sở, huyện Từ Liêm (Hà Nội) học quy trình trồng và chăm sóc các loại rau màu.
Ban đầu, anh đưa vào trồng thử nghiệm hơn 3 sào bắp cải, do nắm vững được kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên ngay năm đầu trồng đã cho gia đình thu nhập cả chục triệu đồng. Sau thành công ban đầu, anh mạnh dạn làm đơn đề nghị UBND cho cải tạo ruộng trũng thành chân ruộng cao, cùng một số hộ khác hình thành nên vùng chuyên canh rau màu của thôn.
Đến nay, gia đình anh đã có hơn 3 sào trồng các loại rau giống như bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua… cung cấp cho cho bà con nông dân trong xã và các xã lân cận. Ngoài ra, gia đình anh còn hơn 5 sào rau màu chủ yếu trồng cà chua và bắp cải, su hào bởi theo anh 3 loại rau này cho giá trị kinh tế cao hơn cả.
Nhờ trồng rau mà đến nay gia đình anh đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị trong gia đình. Cách vườn rau nhà anh Vụ không xa là vườn rau màu rộng gần 7 sào của gia đình anh Trần Đức Duân, do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn rau luôn phát triển tốt. Từ trồng rau, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập gần 80 triệu đồng.
Với việc xây dựng thành công vùng chuyên canh rau màu đã mở ra hướng đi mới, đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hồng An. Từ đó giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay chính trên thửa ruộng của mình. Để phát huy thế mạnh của địa phương, trong thời gian tới UBND xã sẽ vận động thành lập nhiều tổ hợp tác trên cơ sở nhân rộng các mô hình trồng rau cùng trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế từ đó góp phần cải thiện được đời sống kinh tế cho nhân dân trong toàn xã.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh Đông Nam bộ, thời điểm trung tuần tháng 6 này, giá hồ tiêu đang lên rất cao, đạt mức 240.000 đồng/kg. Theo đó, tại các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng (Bình Phước), Xuyên Mộc, Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Xuân Lộc (Đồng Nai)… trong 10 ngày qua, thương lái đang “lùng sục” thu mua tiêu đen nhưng hàng trong dân không còn nhiều.
Vụ hè thu 2015, nông dân xã Hòa Bình (Chợ Mới, An Giang) xuống giống 150 héc-ta mè, tăng 60 héc-ta so năm trước. Hiện nay, nông dân thu hoạch dứt điểm 100% diện tích xuống giống, năng suất từ 150 - 180 kg/công. Với giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi công mè mang lại lợi nhuận từ 4 - 5 triệu đồng.
Việc lựa chọn cây trẩu để trồng rừng ở một số địa phương trong tỉnh Lào Cai bước đầu đã mang lại “lợi ích kép” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Sau nhiều năm chăn nuôi bò theo phương pháp cũ không mang lại hiệu quả, anh Đặng Ngọc Phong (SN 1981) ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi bò vỗ béo và bán bò giống. Mô hình chăn nuôi này giúp giảm chi phí, công lao động và đảm bảo môi trường, vừa cho lợi nhuận kinh tế cao.
Ngày 7-6 vừa qua, sản phẩm trứng gà Omega 3 của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi gia công - Tập đoàn DABACO là đại diện duy nhất của Bắc Ninh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Chứng nhận này là động lực, cơ hội để đưa nông sản có giá trị của Bắc Ninh tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn.