Vui Mùa Kiệu Giống

Hơn một tháng qua, trên mặt bằng trước chợ huyện Phù Mỹ (Bình Định), hàng ngày đều có một lượng kiệu giống rất lớn đổ về chợ, chật ních dòng người mua-bán ken dày, rất vui như chợ tết.
Ông Huỳnh Văn Chánh, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, sản xuất 4 sào kiệu giống, năng suất bình quân 400kg củ/sào, cho biết: Chưa có năm nào giá kiệu giống ổn định như năm nay, loại củ chắc, chất lượng tốt, giá bình quân 35.000đ/kg, loại thường 30.000đ/kg, tệ lắm mới 25.000 - 27.000đ/kg.
So với một số loại cây trồng cùng vụ, cùng chân đất, thì kiệu giống mang lại thu nhập cao nhất. Ngoài việc để lại một ít trồng kiệu thương phẩm bán mùa tết, hiện tại ông Chánh đã bán gần 1.500kg củ kiệu giống, giá bình quân 33.000đ/kg, tổng thu gần 50 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón các loại, rơm tủ, thuốc bảo vệ thực vật..., ông vẫn còn lãi ít nhất 35 triệu đồng.
Bà con trồng kiệu giống ở đây cho biết: Tuy việc đầu tư thâm canh cây kiệu giống có vất vả, khó khăn hơn so với một số cây trồng cạn khác, nhất là thời gian kéo dài, thường hay bị tác động của thời tiết thất thường, song nếu tích cực khai thác mạch nước ngầm khi nắng nóng để tưới cho kiệu, và tiêu úng kịp thời khi mưa lớn xảy ra, thì cây kiệu giống trên chân đất cao, kể cả chân đất thấp đều cho năng suất cao.
Ông Đinh Văn Thành, ở thôn Lạc Sơn, đào ao, kéo điện, lắp hệ thống ống nước kéo nước lên đồi gò cao làm 2 sào kiệu tưởng chắc thất bại do nắng gắt đầu vụ, nhưng nhờ tưới kịp thời và chăm sóc tốt đã thu hoạch hơn 800kg củ giống, để lại 100kg trồng 3 sào kiệu tết 2014, còn vừa bán hết với giá bình quân 35.000đ/kg, thu về gần 25 triệu đồng. Ông bộc bạch: “Trừ chi phí xong tui còn sắm được mấy chỉ vàng để dành dựng vợ, gả chồng cho mấy đứa nhỏ”.
Ở xã Mỹ Quang, ông Lê Văn Tám - thôn Tân An, lại trúng tiếp mùa kiệu giống, với diện tích vỏn vẹn 1 sào, sản lượng 415kg. Để lại 70kg trồng 2 sào kiệu tết, còn nhổ hết đem ra chợ, bán với giá bình quân hơn 30.000đ/kg, thu nhập mười mấy triệu đồng. “Trồng kiệu giống được mùa, được giá như thế này, thiệt khó có cây trồng cạn nào hơn”- ông Tám chia sẻ.
Một số xã ở Phù Mỹ có chân đất thịt, pha cát, gò đồi phù hợp và có kinh nghiệm thâm canh kiệu giống, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở Mỹ Trinh, với diện tích hàng chục ha. Chỉ tính riêng thôn Trà Lương, toàn thôn 300 hộ thì có hơn 50% hộ trồng kiệu giống. Ngoài việc lấy giống để trồng kiệu tết, hộ nào cũng thu lãi cả chục triệu đồng trên 2 - 3 sào kiệu bán giống.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Vụ kiệu tết năm 2014 toàn huyện ước sẽ vượt con số 638,5 ha như năm ngoái. Cũng là điều dễ hiểu vì mấy năm gần đây, trên nhiều diện tích lúa năng suất thiếu ổn định, với giá lúa không cao, nông dân Phù Mỹ đã mạnh dạn chọn cây kiệu thương phẩm để tăng thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, huyện Cái Nước (Cà Mau) có tổng số hơn 2.210 hộ tận dụng gần 300 ha diện tích mương vườn để nuôi cá chình và cá bống tượng. Mô hình này phát triển mạnh ở các xã: Hưng Mỹ, Phú Hưng và Thạnh Phú.

Câu chuyện về mô hình nuôi lợn không tắm ở Hà Nam được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lên trong cuộc họp Chính phủ hôm (27.6) như một điển hình mà nhiều địa phương cần nhìn vào trong lúc kinh tế, cụ thể là sản xuất nông nghiệp, đang hết sức khó khăn.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới vào sản xuất để giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN - KN) tỉnh đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao cho nông dân.

Là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Diện tích sản xuất nông nghiệp hàng hóa hằng năm đều tăng về sản lượng và giá trị sản xuất.

Xã Lương Thô là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thông Nông, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, không đồng đều giữa các vùng trong xã, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT) còn nhiều hạn chế.