Tái Canh Cà Phê Còn Gặp Khó
Việc tái canh cho một diện tích lớn (khoảng 200.000 ha) cà phê già cỗi đang gặp khó khăn do nguồn vốn dành cho việc này đang có mức lãi suất cao, lên đến 10,5%/năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam (Vicofa), trong số hơn 622.000 ha cà phê đang sản xuất trên cả nước hiện nay, có khoảng 86.000 ha trên 20 năm tuổi (chiếm 15% diện tích) và 140.000 ha từ 15 đến 20 năm tuổi (chiếm 25% diện tích) cần phải tái canh trong 5-10 năm tới.
Do diện tích cà phê già cỗi lớn nên năng suất trung bình của cây cà phê hiện chỉ ở mức 23,5 tạ/ha (cà phê già cỗi, năng suất chỉ đạt trên dưới 10 tạ/ha).
Tỷ lệ cà phê già cỗi lớn, sản lượng cà phê giảm đã khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu cà phê từ Lào, Indonesia để có đủ lượng xuất khẩu. Ngoài ra, theo Vicofa, trong mấy năm qua, hiện tượng thời tiết bất thường như thiếu nước tưới trước lúc cây ra hoa, song lại bị mưa sớm khi đang thu hoạch, hay mưa quá nhiều làm rụng quả non, kèm theo bệnh rỉ sắt, bệnh đục thân... kết hợp với việc phân bón không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất vườn cây.
Vicofa cho biết có tới 90% diện tích cà phê cần tái canh thuộc về người dân, trong đó có 85% số hộ dân sở hữu vườn cà phê dưới 2 ha nên việc tái canh lại càng khó khăn hơn, vì phần lớn chi phí (như ăn, uống, học tập của con cái họ) đều phụ thuộc vào cây cà phê. Vì vậy, dù năng suất cà phê thấp nhưng người dân vẫn không muốn chặt bỏ để trồng lại bởi lãi suất vay ngân hàng để tái canh vẫn ở mức cao, lên đến 10,5%/năm.
Ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, cho biết bên cạnh lãi suất cao, người trồng cà phê còn phải đối mặt với rủi ro tỷ lệ cây chết cao khi tái canh.
Cách đây hơn 2 năm, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã trồng thử nghiệm tái canh cà phê trên diện tích cà phê già cỗi, sau 1-2 năm cây cà phê bị tuyến trùng (loại bệnh phá hoại bộ rễ) tấn công nên bị chết hàng loạt (khoảng 88% diện tích).
Mới đây, Bộ NNPTNT đã lập Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam với một trong những nhiệm vụ chính là tìm các giống cà phê có chất lượng, năng suất cao cũng như phương pháp trồng để cây cà phê không bị ảnh hưởng của tuyến trùng; áp dụng đồng bộ thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Tuy nhiên, Ban Điều phối ngành hàng cà phê chủ yếu hỗ trợ người nông dân kỹ thuật tái canh cà phê, trong khi người dân còn lưỡng lự không muốn tái canh vườn cà phê là do lãi suất ngân hàng cao, điều này lại không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Điều phối.
Vì thế, chuyện tái canh vườn cà phê vẫn còn nan giải...
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, cùng với các ngành, các cấp, Hội Làm vườn (HLV) huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác sâu rộng đến từng địa bàn trọng yếu trên toàn huyện nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Do nhu cầu tiêu thụ tăng và nguồn cung hạn chế, hiện giá bưởi da xanh và bưởi 5 roi tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã tăng ít nhất từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào vườn cây ăn trái tại huyện Chợ Mới (An Giang), nhiều nhà vườn ở xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới) thực hiện trồng xoài ba màu theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.
Nhiều ngày qua, người trồng dưa hấu ở các tỉnh miền Trung cũng như thương lái đứng ngồi không yên trước cảnh hàng nghìn xe dưa hấu bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tại Phú Yên, giá dưa liên tục giảm, nông dân và thương lái lại phải đóng nhiều khoản phí do địa phương quy định, khiến họ lâm cảnh lao đao.
Xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay gặp khó khăn đã kéo giá cá tra nguyên liệu xuống mức thấp còn 22.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi không có lãi. Chẳng những bị lỗ, hàng loạt hộ nuôi cá ở Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ… còn bị các doanh nghiệp nợ tiền mua nguyên liệu kéo dài không trả hoặc chỉ trả “nhỏ giọt”, khiến người nuôi khốn đốn…