Vị Đắng Của Sữa Tươi!
Những ngày qua, việc người nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội phải... đổ sữa tươi ra đường đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Một lần nữa, sự lỏng lẻo trong liên kết tiêu thụ nông sản lại khiến người dân nếm "vị đắng".
Theo thống kê, toàn xã Phù Đổng có khoảng 1.700 con bò sữa, sản lượng khai thác đạt 16 - 17 tấn/ngày. Trên địa bàn xã có 6 trạm thu mua sữa cho các công ty, trong đó, Công ty IDP thu mua khoảng 43%, còn lại là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).
"Trăm sự" là tại... sữa nhiều!
Khoảng 3 tháng cuối năm 2014, việc thu mua sữa dần chững lại, khiến sữa được sản xuất ở xã Phù Đổng ngày càng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Theo phản ánh của các trạm thu gom, nguyên nhân là do Công ty IDP thông báo hạn chế việc thu mua sữa và tập trung vào địa bàn huyện Ba Vì.
Không những thế, từ tháng 10/2014, giá mua sữa của Công ty IDP là 12.200 đồng/kg, trong khi Vinamilk đang thu mua với giá 14.000 đồng/kg, gây thiệt thòi cho người nông dân.
Không chỉ xã Phù Đổng, tình trạng nông dân không tiêu thụ hết lượng sữa sản xuất cũng xảy ra tại các xã khác của huyện Gia Lâm như: Dương Hà, Trung Mầu, Đặng Xá, khiến cho người dân vô cùng hoang mang.
Lý giải về việc không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi, đại diện Công ty IDP cho rằng, công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầu tư, trong khi sản lượng sữa sản xuất của người dân tăng bất thường. Vào mùa hè, địa bàn xã Phù Đổng cung ứng khoảng 5 - 5,5 tấn sữa/ngày, nhưng mùa đông lên tới 6,5 tấn/ngày, khiến cho công ty gặp khó khăn trong việc thu mua hết lượng sữa trong dân.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty IDP cho biết có ngày sản lượng sữa của xã Phù Đổng tăng đột biến, tới 35 - 45%, trong khi toàn bộ bao bì của công ty phải nhập từ Thụy Điển, nên không đủ năng lực đóng gói.
Thực tế, các công ty sữa chủ yếu chỉ mới ký hợp đồng với các trạm thu gom sữa, lấy mẫu phân tích tại bồn tổng của trạm và thanh toán tiền sữa cho các trạm thu gom mà không ký hợp đồng chặt chẽ với từng hộ chăn nuôi. Điều đó dẫn tới tình trạng khi giá sữa đắt, nông dân bán ra ngoài, còn khi sản lượng nhiều, dư thừa thì "phó mặc" cho công ty.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng nói rằng có tình trạng phát triển chăn nuôi bò sữa một cách tự phát, ngoài quy hoạch, dẫn tới sản lượng sữa vượt khả năng thu gom của các công ty.
Trong nhiều cuộc làm việc sau đó giữa các bên (nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương), các doanh nghiệp được kêu gọi thu mua sữa cũng lên tiếng lo lắng về sự “ngoài quy hoạch” này.
Đại diện Vinamilk thì cho biết, khi khan sữa, giá sữa cao, nhiều khi nông dân sẵn sàng “lật kèo” để bán sữa ra ngoài, công ty lại phải chạy vạy đôn đáo để lo nguồn sữa nguyên liệu.
Còn đại diện Công ty IDP thì yêu cầu chính quyền địa phương có được thống kê về tổng đàn bò và lượng sữa sản xuất các mùa để đơn vị này có tính toán cân đối thu mua sản xuất ngay từ đầu, tránh tình trạng dân lo, doanh nghiệp lỗ.
Cần cách làm chuyên nghiệp
Khi vụ việc sữa tươi ế tại Gia Lâm được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.
Theo đó, Cục yêu cầu các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục và tạo cơ chế cho doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi.
Cục Chăn nuôi cũng lưu ý, Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa trước khi tổ chức chăn nuôi bò sữa; khuyến cáo người chăn nuôi phải thực hiện đúng hợp đồng cung cấp sữa tươi với doanh nghiệp.
Ngay sau đó, ngày 12/1/2015, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã trực tiếp làm việc và đề nghị Công ty IDP cùng các công ty sữa trên địa bàn Hà Nội thu gom hết lượng sữa cho người dân.
Đặc biệt, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị, trong năm 2015, Công ty IDP ký kết hợp đồng với từng hộ dân. Trong đó, phân rõ trách nhiệm của từng bên và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.
Theo ghi nhận mới nhất, tại HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Phù Đổng, ngay sau khi HTX và Sở NN&PTNT có ý kiến, Công ty IDP đã lên kế hoạch tiêu thụ hết lượng sữa làm ra cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm HTX Phù Đổng nói thay lời bà con nông dân ở địa phương: “Việc thu mua hết sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi thể hiện thiện chí của phía Công ty IDP trong chia sẻ khó khăn cùng bà con nông dân. Tuy nhiên, điều băn khoăn của nhiều nông dân Phù Đổng là hiện nay mức giá thu mua của IDP còn thấp hơn so với các DN sữa khác. Hơn nữa, tiền trả cho người chăn nuôi cũng chậm khoảng gần 2 tháng”.
Chuyện “chữa sai” do liên kết lỏng lẻo của “các nhà” trong chuỗi sản xuất nông sản mới chỉ bắt đầu tại Phù Đổng. Nhưng ngay cả sự bắt đầu đó cũng chỉ giải quyết việc tiêu thụ nông sản được ổn thỏa trong dư luận.
Vì thực tế, nếu nông dân vẫn tiếp tục buôn bán kiểu ai được giá hơn thì bán còn doanh nghiệp vẫn mua bán kiểu “cầm chuôi” trong chuỗi tiêu thụ nông sản và những nhà làm chính sách tiếp tục đôn đáo chạy đi lo giải quyết sự vụ như thế này, thì khó có được mối liên kết bền chặt khi tiêu thụ nông sản.
Có thể bạn quan tâm
Trong 2 năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Toàn huyện có khoảng 10 ha trồng đu đủ, trong đó xã Cam Hiệp Nam 6 ha, Cam Hiệp Bắc 2 ha và Cam Hòa 2 ha. Đu đủ là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác như mía, sắn (mỳ)… ở những chân đất cao thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới.
Ở thôn Dương Sơn xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) có mô hình sản xuất tổng hợp của gia đình ông Ngô Mạnh Hồng gồm 1,5 mẫu ruộng khoán, một khu riêng biệt nuôi gà đẻ trứng với diện tích gần 100m2, cùng với 13ha ruộng thuê để sản xuất khoai tây giống.
Men theo con đường đất chúng tôi tìm về nhà chị Bùi Thị Trạm ở xóm Dài xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn. Đón tôi là một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ nhưng khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười xởi lởi. Nhìn cơ ngơi của chị, khó ai có thể tin rằng trước đây chị là một hộ nghèo trong xã.
Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi cá lóc mà anh Thái Văn Luông (39 tuổi, ngụ ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú - An Giang) đã khá lên. Có được sự thành công ban đầu, anh mua đất đầu tư mở rộng mô hình ương nuôi cá lóc giống cũng mang lại hiệu quả cao.
Một trong những giải pháp để hình thành cánh đồng mẫu lớn là sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Thế nhưng từ cách làm theo kiểu “cắm biển, ghi tên” ở 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định mà chúng tôi đã phản ánh, thì mối liên kết ấy hầu như không có gì, nếu có thì cũng rất sơ sài, lỏng lẻo.