Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vị Đắng Của Sữa Tươi!

Vị Đắng Của Sữa Tươi!
Publish date: Friday. February 6th, 2015

Những ngày qua, việc người nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội phải... đổ sữa tươi ra đường đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Một lần nữa, sự lỏng lẻo trong liên kết tiêu thụ nông sản lại khiến người dân nếm "vị đắng".

Theo thống kê, toàn xã Phù Đổng có khoảng 1.700 con bò sữa, sản lượng khai thác đạt 16 - 17 tấn/ngày. Trên địa bàn xã có 6 trạm thu mua sữa cho các công ty, trong đó, Công ty IDP thu mua khoảng 43%, còn lại là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

"Trăm sự" là tại... sữa nhiều!

Khoảng 3 tháng cuối năm 2014, việc thu mua sữa dần chững lại, khiến sữa được sản xuất ở xã Phù Đổng ngày càng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Theo phản ánh của các trạm thu gom, nguyên nhân là do Công ty IDP thông báo hạn chế việc thu mua sữa và tập trung vào địa bàn huyện Ba Vì.

Không những thế, từ tháng 10/2014, giá mua sữa của Công ty IDP là 12.200 đồng/kg, trong khi Vinamilk đang thu mua với giá 14.000 đồng/kg, gây thiệt thòi cho người nông dân.

Không chỉ xã Phù Đổng, tình trạng nông dân không tiêu thụ hết lượng sữa sản xuất cũng xảy ra tại các xã khác của huyện Gia Lâm như: Dương Hà, Trung Mầu, Đặng Xá, khiến cho người dân vô cùng hoang mang.

Lý giải về việc không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi, đại diện Công ty IDP cho rằng, công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầu tư, trong khi sản lượng sữa sản xuất của người dân tăng bất thường. Vào mùa hè, địa bàn xã Phù Đổng cung ứng khoảng 5 - 5,5 tấn sữa/ngày, nhưng mùa đông lên tới 6,5 tấn/ngày, khiến cho công ty gặp khó khăn trong việc thu mua hết lượng sữa trong dân.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty IDP cho biết có ngày sản lượng sữa của xã Phù Đổng tăng đột biến, tới 35 - 45%, trong khi toàn bộ bao bì của công ty phải nhập từ Thụy Điển, nên không đủ năng lực đóng gói.

Thực tế, các công ty sữa chủ yếu chỉ mới ký hợp đồng với các trạm thu gom sữa, lấy mẫu phân tích tại bồn tổng của trạm và thanh toán tiền sữa cho các trạm thu gom mà không ký hợp đồng chặt chẽ với từng hộ chăn nuôi. Điều đó dẫn tới tình trạng khi giá sữa đắt, nông dân bán ra ngoài, còn khi sản lượng nhiều, dư thừa thì "phó mặc" cho công ty.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng nói rằng có tình trạng phát triển chăn nuôi bò sữa một cách tự phát, ngoài quy hoạch, dẫn tới sản lượng sữa vượt khả năng thu gom của các công ty.

Trong nhiều cuộc làm việc sau đó giữa các bên (nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương), các doanh nghiệp được kêu gọi thu mua sữa cũng lên tiếng lo lắng về sự “ngoài quy hoạch” này.

Đại diện Vinamilk thì cho biết, khi khan sữa, giá sữa cao, nhiều khi nông dân sẵn sàng “lật kèo” để bán sữa ra ngoài, công ty lại phải chạy vạy đôn đáo để lo nguồn sữa nguyên liệu.

Còn đại diện Công ty IDP thì yêu cầu chính quyền địa phương có được thống kê về tổng đàn bò và lượng sữa sản xuất các mùa để đơn vị này có tính toán cân đối thu mua sản xuất ngay từ đầu, tránh tình trạng dân lo, doanh nghiệp lỗ.

Cần cách làm chuyên nghiệp

Khi vụ việc sữa tươi ế tại Gia Lâm được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.

Theo đó, Cục yêu cầu các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục và tạo cơ chế cho doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi.

Cục Chăn nuôi cũng lưu ý, Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa trước khi tổ chức chăn nuôi bò sữa; khuyến cáo người chăn nuôi phải thực hiện đúng hợp đồng cung cấp sữa tươi với doanh nghiệp.

Ngay sau đó, ngày 12/1/2015, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã trực tiếp làm việc và đề nghị Công ty IDP cùng các công ty sữa trên địa bàn Hà Nội thu gom hết lượng sữa cho người dân.

Đặc biệt, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị, trong năm 2015, Công ty IDP ký kết hợp đồng với từng hộ dân. Trong đó, phân rõ trách nhiệm của từng bên và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.

Theo ghi nhận mới nhất, tại HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Phù Đổng, ngay sau khi HTX và Sở NN&PTNT có ý kiến, Công ty IDP đã lên kế hoạch tiêu thụ hết lượng sữa làm ra cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm HTX Phù Đổng nói thay lời bà con nông dân ở địa phương: “Việc thu mua hết sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi thể hiện thiện chí của phía Công ty IDP trong chia sẻ khó khăn cùng bà con nông dân. Tuy nhiên, điều băn khoăn của nhiều nông dân Phù Đổng là hiện nay mức giá thu mua của IDP còn thấp hơn so với các DN sữa khác. Hơn nữa, tiền trả cho người chăn nuôi cũng chậm khoảng gần 2 tháng”.

Chuyện “chữa sai” do liên kết lỏng lẻo của “các nhà” trong chuỗi sản xuất nông sản mới chỉ bắt đầu tại Phù Đổng. Nhưng ngay cả sự bắt đầu đó cũng chỉ giải quyết việc tiêu thụ nông sản được ổn thỏa trong dư luận.

Vì thực tế, nếu nông dân vẫn tiếp tục buôn bán kiểu ai được giá hơn thì bán còn doanh nghiệp vẫn mua bán kiểu “cầm chuôi” trong chuỗi tiêu thụ nông sản và những nhà làm chính sách tiếp tục đôn đáo chạy đi lo giải quyết sự vụ như thế này, thì khó có được mối liên kết bền chặt khi tiêu thụ nông sản.


Related news

Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Vùng Nước Ngọt Nhiều Hệ Lụy Về Môi Trường Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Vùng Nước Ngọt Nhiều Hệ Lụy Về Môi Trường

Sáng ngày 14/5, Tổng Cục Thuỷ sản phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp tổ chức hội thảo đánh giá ảnh hưởng của nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt tại các tỉnh Nam bộ.

Saturday. May 17th, 2014
Người Hoàn Lương Trở Thành Tỷ Phú Người Hoàn Lương Trở Thành Tỷ Phú

Đó là Phan Hồng Phúc (ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận - An Giang) từng phạm tội “chứa mại dâm có tổ chức” và bị phạt tù giam. Khi trở về với gia đình, anh dốc sức làm ăn và thành công với mô hình nuôi cá chình, được UBND huyện Thoại Sơn và UBND tỉnh An Giang khen thưởng về thành tích “sản xuất và kinh doanh giỏi” nhiều năm liền.

Saturday. May 17th, 2014
Để Nuôi Thỏ Phát Triển Bền Vững Để Nuôi Thỏ Phát Triển Bền Vững

Thời gian gần đây, những người nuôi thỏ đang vui mừng trước thông tin có một công ty của Nhật sẽ thu mua thỏ nguyên liệu về làm dược phẩm với số lượng lớn và giá cả ổn định. Trước cơ hội này, nhiều nông dân muốn bắt tay vào nuôi hoặc mở rộng đầu tư quy mô lớn.

Saturday. May 17th, 2014
Cây Trồng Mới Trên Đất Cát Ven Biển Hải Lăng Cây Trồng Mới Trên Đất Cát Ven Biển Hải Lăng

Hải Dương là một xã vùng cát ven biển huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với các đặc điểm là đất cát và đồng bằng, cùng với lũ lụt, hạn hán, và nhiễm mặn là những mối đe dọa thường xuyên trên địa bàn.

Saturday. May 17th, 2014
Mô Hình Trồng Lan Hoàng Thảo Và Đinh Lăng Hiệu Quả Mô Hình Trồng Lan Hoàng Thảo Và Đinh Lăng Hiệu Quả

Được sự ủng hộ của gia đình và người thân, năm 2013 anh Trần Cao Khải, thôn Hương Đà, xã Thiện Kế (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) nhận thầu gần 2ha đất nông nghiệp của Công ty TNHH một thành viên nông-công nghiệp Tam Đảo để đầu tư xây dựng trên 3.000m2 nhà lưới trồng hoa lan, diện tích đất còn lại anh trồng cây Đinh lăng, một loại cây dược liệu được sử dụng trong nhiều sản phẩm nam dược.

Saturday. May 17th, 2014