Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Về Nơi 5 Vụ/năm

Về Nơi 5 Vụ/năm
Ngày đăng: 09/08/2013

Điều kiện đất đai, thị trường, trình độ SX... dĩ nhiên mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên, câu chuyện về sự thay đổi táo bạo từ cây lúa sang SX rau màu, tạo nên diện mạo sáng lạng, năng động cho SX nông nghiệp lẫn đời sống nông dân ở huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đáng để suy ngẫm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

1 kg lúa = một bắp cải

Về các vựa SX rau ở các xã Gia Xuyên, Toàn Thắng, Đoàn Thượng... (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) thời điểm này, những cánh đồng lúc nào cũng đông như hội. Trong khi lúa vụ mùa ở các tỉnh ĐBSH hiện mới chỉ giai đoạn đẻ nhánh thì kể từ sau khi thu hoạch lúa ĐX 2013 đến nay, nông dân Gia Lộc đã kịp thu hoạch xong vào một vụ dưa sớm, và hiện đã bước vào vụ SX rau thứ hai.

Ngừng tay cuốc bên ruộng cải bắp sớm vụ đã sắp bước vào giai đoạn vào khuôn, ông Nguyễn Văn Ánh (thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên) khoát tay quanh cánh đồng cải bắp xanh ngắt của thôn Tằng Hạ cho biết: Đất này trước đây trồng lúa một năm hai vụ, bây giờ về lí thì vẫn là đất lúa. Nhưng thực tế mười mấy năm nay, chẳng ai còn trồng lúa nữa mà đã chuyển hết sang trồng màu, hoặc chỉ giữ lại một vụ lúa/năm, còn lại trồng 4 - 5 vụ màu.

Nghe tôi có vẻ nghi ngờ về con số 5 vụ/năm, ông Ánh chứng minh: Trước đây mỗi năm cấy hai vụ lúa, cùng lắm chỉ được một vụ đông là 3 vụ/năm. Nhưng bây giờ dân ở đây bỏ hẳn vụ lúa mùa. Lúc lúa xuân đỏ đuôi, thường thì dân Gia Xuyên này đã sẵn sàng bầu dưa lê. Gặt xong hôm trước, ngày hôm sau dưa lê vụ hè đã xuống chân ruộng. Nhờ làm bầu sẵn, nên thường thì dưa lê vụ hè chỉ kéo dài 1 tháng 27 ngày là thu hoạch. Thu hoạch xong dưa lê, cải bắp sớm đã được gieo bầu sẽ lập tức đưa xuống ruộng.

Thời gian của vụ cải bắp sớm thường kéo dài trong 3 tháng. Và trong lúc các địa phương khác ở vùng ĐBSH đang gặt lúa mùa để giải phóng đất làm vụ đông, thì nông dân Gia Xuyên đã kịp thời thu hoạch xong vụ cải bắp sớm để ngay lập tức bước xuống bầu trà cải bắp vụ đông chính. Do áp dụng các biện pháp làm bầu sớm, thời tiết vụ chính đông thuận lợi nên vụ cải bắp thứ hai này thường chỉ kéo dài 2 tháng rưỡi. Thu hoạch xong vụ cải bắp thứ 2, trong lúc chờ gieo cấy vụ ĐX năm sau, nông dân Gia Xuyên sẽ nhanh tay tận dụng thời gian chỉ khoảng 1 - 1,5 tháng để gieo tiếp một vụ rau ăn lá ngắn ngày như cải thìa, cải bẹ, xà lách...

Hỏi về thu nhập, ông Ánh bấm tay nhẩm tính: Trong 5 vụ/năm, thắng hay bại phụ thuộc phần lớn vào vụ cải bắp sớm. Gặp năm trúng giá như 2012, có hộ thu 70 - 80 triệu đồng nhờ vụ bắp cải sớm dễ ợt. Không cần tính tới vụ lúa ĐX, chỉ tính 3 vụ rau chính, trừ đầu tư, trung bình mỗi sào đất nông dân ở xã Gia Xuyên thu lãi không dưới 10 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ở xã Gia Xuyên, dù chỉ có hai ông bà già như gia đình ông Ánh, mỗi năm chỉ có 5 sào đất nhưng thu nhập 70 - 80 triệu đồng.

So sánh trồng màu với trồng lúa, ông Ánh ngán ngẩm: “Trồng màu không phải khỏe, cũng không dễ, nhưng 2 vợ chồng già như tôi còn giắt lưng được cả trăm triệu đồng mỗi năm, chứ cứ bám lấy cây lúa như trước đây thì khổ lắm. Tôi có anh bạn bên Ninh Giang, quần quật những 1 mẫu bảy ruộng mà quanh năm túng bấn. Vừa rồi cưới đứa con trai, mua có hai cái nhẫn hồi môn cho con mà bán cả tấn lúa không đủ, chẳng bằng tôi làm một sào cải bắp trong vài tháng".

Cấy lúa, chỉ để cải tạo đất

So sánh của nông dân Nguyễn Văn Ánh về nỗi buồn của cây lúa quả thực không sai. Con số thống kê của UBND huyện Gia Lộc cho thấy, trong khi giá trị bình quân của một ha rau màu của huyện này hiện lên tới 400 - 500 triệu đồng/năm, thì trong vòng hơn 10 năm qua, giá trị của hạt lúa/đơn vị diện tích gần như tăng không đáng kể. Cụ thể theo tính toán của chúng tôi, năm 2000, giá trị SX bình quân của 1 ha lúa của huyện là 18,5 triệu đồng, đến năm 2005 tăng được lên 19,2 triệu đồng/ha và năm 2010 tăng lên 23 triệu đồng -chỉ bằng 1/20 so với giá trị SX của 1 ha rau quả thực phẩm.

Trên thực tế, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ nhiệm HTX Gia Xuyên phân tích: 1 sào lúa hiện nay nếu giỏi lắm chỉ lãi được 700 - 800 nghìn đồng/năm là cao. Trong khi đó chỉ cần một vụ cải bắp sớm, giá trị đã gấp vài chục lần trồng lúa cả năm. Như thế, chỉ cần bỏ một vụ lúa mùa, nhưng người dân huyện Gia Lộc đã tăng thêm được 2 vụ SX rau, thu lãi tổng cộng 15 - 20 triệu đồng. Đó cũng là lí do tất yếu vì sao diện tích lúa của huyện này đang ngày càng thu hẹp, và diện tích rau màu đang ngày càng lên ngôi thay thế. Cụ thể, diện tích màu hàng năm của huyện Gia Lộc từ chỗ chỉ có 30 - 40 ha vào năm 2000, đến nay đã tăng lên gần 1.000 ha. Gia Lộc đã hình thành được các vùng chuyên canh rau như cải bắp tại Gia Xuyên, Hoàng Diệu, Lê Lợi, su hào tại Nhật Tân, Đoàn Thượng, Toàn Thắng...

Ông Đỗ Văn Sáng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Lộc cho biết, thay vì mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ đông thuần túy trước, trong khoảng 2 năm trở lại đây, khoảng 80% diện tích đất lúa tại các vùng chuyên canh rau ở các xã này chỉ còn cấy 1 vụ lúa ĐX/năm, kèm theo 4 - 5 vụ rau. Đơn cử tại xã Gia Xuyên, trong số hơn 270 ha đất hai vụ lúa trước đây, hiện nay chỉ khoảng 20% diện tích là trồng lúa vào vụ mùa, 80% diện tích còn lại chỉ còn cấy một vụ lúa ĐX, sau đó SX từ 4 - 5 vụ rau. Việc chuyển đổi đất lúa cũng đang lan mạnh ra toàn huyện ở các xã Nhật Tân, Đồng Quang, Phùng Hưng...

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ nhiệm HTX Gia Xuyên phân tích: Sở dĩ người dân vẫn còn giữ lại 80% diện tích để cấy một vụ lúa ĐX, chẳng phải do họ mặn mà gì, mà mang mục đích cải tạo đất là chính. Do hệ số sử dụng đất rất cao, đất gần như không có thời gian ngưng nghỉ nên buộc phải cấy luân canh 4 vụ màu xen kẽ 1 vụ lúa để cải tạo đất, giúp đất phân hủy hết tồn dư phân bón.

“Cách đây 5 năm, tôi nhớ một cây cải bắp chỉ có 1.500 đồng, một cân lúa lúc đó khoảng 4.000 đ, nghĩa là phải hơn 2 cây bắp cải mới mua được một cân lúa. Bây giờ, một cây cải bắp có rẻ lắm cũng 6.000 đ, tăng 4 lần so với 5 năm trước, nhưng lúa bây giờ cũng chỉ có 5.000 - 6.000 đ, chỉ ngang với một cây bắp cải. Thế đủ biết vì sao người trồng lúa cứ nghèo mãi.” - Nông dân Nguyễn Văn Ánh.

“Nhờ chuyển đổi đất lúa, một nông dân đích thực ở Gia Xuyên bây giờ trung bình thu nhập nhờ làm ruộng đạt 100 triệu đồng/năm, lúc nào cũng có tích lũy 200 - 300 triệu đồng gửi ngân hàng không phải là chuyện gì xa lạ. Chẳng phải khoe, nhưng tôi khẳng định với một xã nông nghiệp chỉ có 1,2 sào/khẩu, khó có nơi nào ở miền Bắc nông dân làm nông nghiệp mà có tích lũy, sống ổn, hầu hết có nhà lầu như ở Gia Xuyên.” - Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm HTX Gia Xuyên.


Có thể bạn quan tâm

Gặp Chủ Trang Trại Vịt Lớn Nhất Điện Biên Gặp Chủ Trang Trại Vịt Lớn Nhất Điện Biên

Rời quê Vĩnh Phúc lên xã Sam Mứn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lập nghiệp cách đây hơn chục năm trước, thời gian đầu rất gặp rất nhiều khó khăn do không nhà cửa, không đất sản xuất, với chút vốn ít ỏi và vài chục con vịt giống mang theo để bán, anh Phan Văn Mão đành phải dựng lán ở bờ sông Nậm Rốm để mưu sinh bằng nghề bán vịt giống. Đến nay anh đã trở thành chủ trang trại vịt lớn nhất Điện Biên.

21/06/2013
Đất Nóng Lên Xanh… Đất Nóng Lên Xanh…

Vẫn biết là cuộc sống không hiếm những lối rẽ bất ngờ, những sự đổi thay vượt quá những điều ta vẫn nghĩ, tôi không thể kìm được tiếng thốt ngạc nhiên khi đứng trước vườn cao su trồng mới năm 2008 của Nông trường An Phú thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông…

21/06/2013
Tôm Chết Do Bệnh Đốm Trắng Và Hoại Tử Gan Tụy Tôm Chết Do Bệnh Đốm Trắng Và Hoại Tử Gan Tụy

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri (Bến Tre), diện tích thả nuôi giống tôm biển ước đến hết 6 tháng đạt khoảng 1.200 ha, tập trung tại các xã: An Đức, Bảo Thuận, An Thủy, Tân Xuân, Vĩnh An, An Hòa Tây.

22/06/2013
Tôm Sú “Trở Thành Loại Tôm Hùm Mới” Tôm Sú “Trở Thành Loại Tôm Hùm Mới”

Khi việc tìm kiếm tôm sú ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với các mức giá hợp lý, có một vài cuộc thảo luận của những người trong ngành cho rằng nó đang trở thành một sản phẩm cao cấp của thị trường ngách

22/06/2013
Đề Xuất Triển Khai Cánh Đồng Mẫu Mía Ở Xã Bình Thạnh (Bến Tre) Đề Xuất Triển Khai Cánh Đồng Mẫu Mía Ở Xã Bình Thạnh (Bến Tre)

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.

22/06/2013