Nhiều Khả Năng Tôm Càng Xanh Thiếu Giống Cục Bộ
Theo Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp), đến nay, số lượng thả nuôi tôm càng xanh chưa nhiều do nắng nóng kéo dài, đồng thời nhiều người đang phân vân chọn nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Tình hình này sẽ khiến cho việc cung ứng tôm giống thiếu cục bộ khi người nuôi có nhu cầu thả nuôi trong cùng một thời điểm...
Ở huyện Tam Nông, vụ tôm năm 2013 được đánh giá là vụ thuận lợi vì mực nước lũ vừa phải, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm, dẫn đến năng suất bình quân tăng gần 30% so với năm 2012, nâng tổng sản lượng đạt được 920 tấn.
Qua thống kê cho thấy năm 2013, có 93% hộ nuôi tôm càng xanh đạt lợi nhuận, còn 7% hộ hòa vốn hoặc thua lỗ, do người nuôi chọn mẽ con giống không đạt chất lượng, tôm chậm phát triển, không đồng đều,...
Năm 2014, huyện tiếp tục giữ diện tích sản xuất tôm càng xanh là 1.000ha, sản lượng 1.500 tấn, trong đó có 50% sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; lịch thả nuôi chia ra làm 3 giai đoạn, nhằm giảm áp lực thu hoạch đồng loạt, hạn chế bị thương lái ép giá.
Theo thống kê, hiện nay diện tích thả nuôi chỉ đạt khoảng 100ha, trễ so với lịch thời vụ. Ông Nguyễn Sĩ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản Tam Nông cho biết: “Năm nay nắng nóng kéo dài khiến tôm dễ bị sốc nước, dẫn đến hao hụt nhiều, chi phí sản xuất tăng nên nông dân chờ thời tiết ổn định, mưa nhiều hơn mới thả nuôi. Nếu người dân thả trong giai đoạn này, cần phải đẩy mạnh các khâu bơm nước, giữ ở mực nước 1 - 1,2m”.
Ngoài ra, sự xuất hiện của tôm thẻ chân trắng cũng làm người nuôi phân vân lựa chọn dẫn đến trễ lịch thời vụ. Chính những yếu tố này dẫn đến lo ngại việc thiếu con giống cục bộ, đồng thời người nuôi cũng sẽ khó có được con giống như mong đợi.
Ông Nguyễn Sĩ Khánh cho biết: “Đây sẽ là một trong những khó khăn đối với chúng tôi. Khi tỉnh ta không khuyến cáo nuôi tôm thẻ chân trắng, người dân quay lại với tôm càng xanh dẫn đến nhu cầu sử dụng con giống cùng lúc sẽ tăng mạnh, khiến cho các trại giống trong và ngoài tỉnh khó có thể đáp ứng nổi.
Theo đó, dễ xảy ra tình trạng hộ nuôi tìm kiếm những con giống trôi nổi không đồng đều, không đảm bảo chất lượng, giá bán sẽ thấp. Trong khi hiện nay, sản phẩm trên thị trường đang đòi hỏi về yếu tố chất lượng”.
Anh Hứa Văn Điển, xã Phú Thành B cho hay: “Hiện tại, con giống tôm càng xanh trong nước đang hiếm, các trại cũng không cung ứng đủ sản phẩm nên tôi chuyển sang sử dụng con giống của Thái Lan để thả nuôi. Đối với loại này, người nuôi cần số lượng bao nhiêu thị trường bên đó cũng đều cung cấp đủ”
Khó khăn đối với việc sản xuất tôm càng xanh của địa phương trong những năm qua là tình hình tiêu thụ còn khá bấp bênh, chủ yếu bán qua thương lái.
Dù công tác này được chính quyền địa phương xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đến thu mua khi thu hoạch nhưng giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau, nhiều nông dân quay lại bán cho thương lái và chịu cảnh bị ép giá.
Năm 2013, thu hoạch cao điểm, tôm theo kích cỡ đều giảm từ 40.000 - 60.000 đồng/kg so với năm 2012, nhưng đến lúc cuối vụ, lượng tôm khan hiếm, tôm đạt giá ngất ngưỡng 360.000 - 380.000 đồng/kg nên những hộ nuôi trễ vụ lại đạt hiệu quả cao.
Theo ông Khánh, để việc nuôi tôm càng xanh đạt được sự trọn vẹn sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng nhu cầu về con giống là điều cấp thiết nhất. Được biết, UBND tỉnh vừa đồng ý cho Công ty TNHH MTV Sản xuất và Tiêu thụ tôm càng xanh Bá Tòng được đầu tư xây dựng trại giống tôm càng xanh tại huyện Tam Nông.
Công ty đi vào hoạt động sẽ chủ động nguồn giống tôm càng xanh cho người nuôi trên địa bàn, sẽ tác động đến sản phẩm thế mạnh của địa phương, vừa đảm bảo nhu cầu về con giống, vừa có thể kiểm tra chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Từ hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Văn Tứ đã mạnh dạn vay lãi đầu tư trang trại khép kín nuôi lợn siêu nạc. Mỗi năm cho thu lãi tiền tỷ và trở thành người chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Từ việc bắt rắn mối đem về nuôi thử, chị Phạm Thị Lệ ở Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ thành bà chủ trại rắn có thu nhập lên tới trăm triệu đồng mỗi năm.
Về thăm xã Suối Nho (huyện Định Quán, Đồng Nai) mùa nào cũng thấy những vườn rau hẹ xanh tốt, sum suê. Chỉ trồng 1 lần nhưng rau hẹ cho thu hoạch kéo dài từ 2-3 năm mới phải trồng lứa mới nên rau hẹ mang lại lợi nhuận cao, nông dân đua nhau mở rộng diện tích.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vừa phối hợp UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “Sản xuất hoa lily giống mới chất lượng cao” năm 2015.
Ngày nay cuộc sống đã dần hiện đại, internet và các công cụ truyền thông đã “gõ cửa” từng vùng, từng nhà, chính nhờ đó, nhiều nông dân đã tham khảo, học hỏi và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.