Nông Dân Tiền Giang Gặp Khó Vì Nông Sản Rớt Giá
Những ngày qua ở Tiền Giang, giá của một số loại nông sản đồng loạt giảm mạnh, gây nhiều lo lắng, khó khăn cho nông dân.
Giá nhiều loại nông sản giảm mạnh
Hơn 1 tháng qua, hàng loạt nông sản đang có giá cao đột nhiên giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 4, dừa khô liên tục được thương lái đẩy giá lên cao và đạt mức ngất ngưỡng 110.000 - 120.000 đồng/chục (tùy theo chục 12 hay 14 trái và tùy từng vùng). Nhưng từ tháng 5 đến nay, giá dừa “đảo chiều” nhanh chóng trong sự bất ngờ của nông dân và thương lái.
Chị Cúc, thương lái mua bán dừa ở huyện Chợ Gạo, cho biết: “Dừa khô sụt giá quá bất ngờ. Thời gian trước, trước khi giảm giá dừa, các cơ sở thu mua ở Bến Tre đều báo cho chúng tôi biết. Lần này, họ đang mua dừa ồ ạt với giá cao, rồi đùng một cái thông báo ngưng mua, làm cho chúng tôi “chết đứng”. Họ chỉ mới mua dừa trở lại vài ngày qua nhưng giá giảm xuống chỉ còn một nửa, khoảng 60.000 đồng/chục”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày đầu tháng 6 này, giá dừa khô ở nhiều nơi chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/chục. Tại huyện Tân Phú Đông, những ngày này, hoạt động mua bán dừa khô vẫn còn trong cảnh “chợ chiều”. Dừa khô được thương lái mua với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/chục.
Nông sản rớt giá mạnh nhất phải kể đến là thanh long. Trên các tuyến đường về vùng chuyên canh thanh long, đến nhà nào chúng tôi cũng đều nghe bàn tán về tình trạng rớt giá của thanh long. Theo nhiều nông dân, lứa thanh long đang cho thu hoạch là đợt xử lý cuối cùng trong mùa nghịch trước khi bước vào mùa thuận. Do đó, chi phí sản xuất và xử lý khá cao. Với giá thanh long hiện nay, nông dân chiết tính chưa bằng một nửa giá thành sản xuất.
Ông Lưu Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo) cho biết, thanh long ruột trắng bán sô hiện chỉ với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, hàng lựa khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg. Đã vậy, thanh long ruột đỏ còn “thê thảm” hơn, thậm chí một số thương lái còn treo bảng không nhận mua loại thanh long này.
“Tôi có 4 công thanh long xử lý xông đèn cho thu hoạch đợt này, ước sản lượng khoảng 5 tấn. Vừa rồi, thương lái đến trả giá 4.000 đồng/kg nhưng tôi chưa chịu bán. Song, với tình hình này chắc tôi phải bán thôi” - ông Thảo nói.
Bên cạnh dừa, thanh long, các loại nông sản khác như sầu riêng, xoài, bắp… cũng đang bị rớt giá. Loại bắp vàng, ngọt hiện chỉ có giá 1.300 đồng/trái so với trước đây từ 2.500 - 3.000 đồng/trái. Trong khi vụ bắp này, chi phí sản xuất khá cao, năng suất lại không đạt do nắng hạn, cháy lá. Với mức giá này, nông dân trồng bắp chỉ mong huề vốn.
Ngoài ra, cây sả, một loại cây trồng đang phát triển rất mạnh ở huyện Tân Phú Đông với diện tích lên đến hàng trăm ha, cũng đang bị mất giá. Mấy tuần qua, nông dân các xã: Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông rất lo lắng trước diễn biến bất lợi của giá cây trồng này.
Ông Năm Ngon, xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) đang có lứa sả ở giai đoạn thu hoạch, ngày đầu thương lái đến mua với giá 4.200 đồng/kg, hôm sau hạ xuống còn 3.200 đồng. Ông Năm Ngon đã quyết định ngưng thu hoạch để chờ giá.
Chẳng đặng đừng
Nhiều nông dân trồng sả ở huyện Tân Phú Đông cho biết, họ chọn phương án “neo” chờ giá. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều này. Bởi nhiều nông dân trồng sả theo hình thức luân canh cây lúa, buộc phải thu hoạch để trả lại mặt ruộng cho kịp xuống giống lúa hè thu.
Còn đối với những diện tích trồng chuyên canh, thời điểm hiện tại, các nông dân tranh thủ thu hoạch để chuẩn bị cho vụ mới. Trước sức ép trên, việc quyết định bán hay giữ lại chờ giá là điều chẳng đặng đừng.
Tại vùng chuyên canh thanh long, tâm trạng lo lắng, bất an hiện rõ trên khuôn mặt của những nông dân trồng cây đặc sản của huyện Chợ Gạo. Thời gian qua, giá thanh long ở mức cao, nông dân trong huyện đổ xô chuyển đổi từ các cây trồng khác, nhất là lúa sang thanh long.
Theo ước tính của cơ quan chức năng, diện tích thanh long trên địa bàn huyện đã lên đến 4.000 ha, tăng 1.000 ha so với những năm trước. Theo đề án phát triển thanh long đến năm 2015, Chợ Gạo sẽ có 4.500 ha trồng thanh long.
Việc nông dân phát triển diện tích thanh long theo định hướng của cơ quan chức năng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích không đi kèm với phát triển thị trường đã làm cho giá thanh long rất bấp bênh. Đặc biệt, giá thanh long “bèo bọt” hiện nay đã khiến cho người trồng cảm thấy bất an, nhất là những hộ đang và chuẩn bị trồng thanh long không khỏi tâm trạng tiến thoái lưỡng nan.
Thực ra, giá thanh long tăng, giảm theo cung - cầu của thị trường không phải là chuyện mới. Song, giá thanh long đang ở mức cao, trên 20.000 - 30.000 đồng/kg, rồi sụt giảm nhanh xuống dưới 10.000 đồng/kg làm cho người trồng khá bất ngờ và lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Mến, ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, cho biết, 9 công đất ruộng của gia đình anh đã đổ trụ xi măng hơn 1 tháng nay, giống thanh long ruột đỏ cũng đã mua về rồi, khâu trồng sẽ tiến hành trong vài ngày tới.
Diễn biến giá cả những ngày qua đã khiến cho anh cũng như các nông dân khác trong vùng đang và chuẩn bị trồng thanh long rất lo lắng. Song, dù lo lắng, anh Mến vẫn quyết định trồng, bởi vốn đầu tư cho xây trụ xi măng, giống đã lên đến trên 100 triệu đồng nên không thể dừng lại.
“Tiền đã đầu tư rồi thì dù muốn hay không cũng phải trồng thanh long. Giờ chỉ còn hy vọng giá thanh long sẽ tăng trở lại trong thời gian tới” - anh Mến bày tỏ. Đây cũng là tâm trạng của nhiều nông dân đang và chuẩn bị trồng thanh long trong vùng.
Giá cả, đầu ra nông sản luôn là trở ngại rất lớn, là mối quan tâm hàng đầu của nông dân hiện nay. Các nhà chuyên môn cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nhiều nông sản của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, thị trường này vốn rất bất ổn và chứa đựng nhiều rủi ro. Từ đó, các nhà chuyên môn khuyến cáo, cần giảm sự lệ thuộc vào thị trường này, nâng cao chất lượng nông sản để tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường xâm nhập vào các thị trường khó tính.
Theo ông Lưu Văn Thảo, ngoài yếu tố sản lượng thanh long tăng nhanh do tăng diện tích, yếu tố thị trường tiêu thụ, nhất là việc xuất khẩu qua Trung Quốc đang gặp khó khăn, làm giá thanh long giảm mạnh.
Những năm qua, việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc không ổn định đã gây tâm lý ngán ngại trong thương lái, họ không dám mạo hiểm gom, trữ hàng với số lượng lớn như trước. Chính vì thế, khi thị trường xảy ra biến động dù nhỏ thì thanh long vẫn có thể bị giảm giá nhanh và sâu.
“Dừa đang bước vào giai đoạn “treo” mà giá lại giảm mạnh là điều lâu nay ít thấy. Nhiều người lý giải do tháng vừa qua, các tàu của thương lái Trung Quốc ngưng “ăn” hàng hoặc “ăn” cầm chừng làm cho giá dừa khô giảm mạnh” - anh Võ Văn Hùng, nông dân trồng dừa ở xã Hòa Định (Chợ Gạo) cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết bất thường, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời không được khuyến khích.
Ngày 27/11/2013, tại Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã tổ chức buổi họp báo "Hội thi – Triển lãm Bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh lần IV - năm 2013". Được biết, hiện nay tổng số lượng bò sữa của TP khoảng 90.000 con, với chu kỳ cho sữa trung bình hàng năm là 6000 lít/con/chu kỳ cho sữa.
Cách đây gần 10 năm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 50ha.
Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) là địa phương vốn có truyền thống trồng lạc thương phẩm, nhưng từ khi tham gia liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống thuộc “dự án cạnh tranh nông nghiệp”, bà con ở đây không chỉ có thêm thu nhập mà mở ra hướng làm ăn mới.
Ngày 27-11, Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức Hội nghị quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nấm Thái Nguyên”. Tham dự có 70 hộ sản xuất nấm tại 5 xã, thị trấn gồm: Phấn Mễ, Động Đạt, Yên Trạch, Đu và Giang Tiên.