Nuôi Cá Công Nghệ 3G Trên Sông Bứa
Thay vì cử người trông coi, những chủ bè cá đã lắp đặt hệ thống camera, truyền tải hình ảnh trực tiếp về máy tính, điện thoại qua sóng 3G.
Những bè cá tiền tỷ dọc sông Bứa, đoạn chảy qua xã Quang Húc (huyện Tam Nông - Phú Thọ) vắng lặng đến lạ thường. Nhưng nếu tinh mắt, có thể thấy trên bè cá, hàng chục chiếc camera đã được lắp đặt để quan sát.
“Chú vừa vào bè cá của tôi chụp ảnh đúng không, ngồi ở nhà tôi cũng biết hết”, một chủ hộ nuôi cá bè vỗ vai tôi cười khà khà.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quang Húc cho biết, đời sống của hơn 4.000 người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào SXNN. Tuy nhiên, trồng lúa chỉ giúp dân chủ động lương thực, chứ để làm giàu có thì rất khó. Sông Bứa chạy qua xã Quang Húc có độ dài khoảng 3 km, nguồn nước tương đối sạch.
Từ năm 1986 - 1987, khoảng hơn chục hộ dân ở đây đã biết tận dụng mặt nước sông Bứa để nuôi cá lồng bè. Nhưng quy mô SX tương đối nhỏ, toàn xã có khoảng trên chục lồng cá bè. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, quy mô nuôi cá bè trên sông Bứa đã tăng vọt lên 126 lồng. Các loại cá được nuôi chủ yếu là trắm cỏ, điêu hồng, ngạnh, chép...
Chủ nhân của 30 lồng cá Nguyễn Minh Đăng (SN 1989), khu 4, xã Quang Húc được coi là “vua” cá bè. Khởi nghiệp từ năm 2012, bằng số vốn của gia đình, cộng với vay ngân hàng, Đăng bắt đầu “ném” tiền tỷ xuống dòng sông Bứa.
Đăng mày mò học hỏi kinh nghiệm khắp nơi, đọc sách kỹ thuật hướng dẫn nuôi cá lồng bè. Từ vùng nuôi cá bè ở Hòa Bình đến Hải Dương, nơi đâu cũng có dấu chân của Đăng.
Trước đây, những bè nuôi cá chủ yếu người dân tự chế tạo từ tre, nứa, thường xuyên phải sửa chữa thay thế. “Bè cá ở đây giờ được làm khung giàn sắt bằng ống tuýp nước, lồng được lót bằng lưới hai lớp, phao thì được chế từ những thùng phuy nhựa cũ. Nói chung là rất chắc chắn. Ngoài lồng nuôi cá, trên bè nhà nào cũng xây dựng một đến hai căn chòi nhỏ làm chỗ ăn ngủ, tiện trông nom”, anh Đăng cho biết.
Chu kỳ một lứa cá kéo dài từ 13 - 16 tháng là có thể xuất bán. Một lứa, trừ mọi chi phí, khu cá bè nhà anh Đăng “đẻ” ra cả vài tỷ đồng. Bố anh Đăng cho biết thêm, nuôi cá bè trên sông Bứa có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, nước sông khá sạch, cá nuôi ít bị nhiễm bệnh. Thứ hai là sông ít tàu thuyền qua lại, dòng nước ổn định.
Anh Nguyễn Thế Hiệp, khu 7, xã Quang Húc hồ hởi cho biết, gia đình mới bắt tay nuôi cá được hơn 1 năm nhưng đã thấy rõ hiệu quả kinh tế. Anh Hiệp được cán bộ của Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật.
“Nhà tôi hiện có 10 lồng bè, chủ yếu nuôi cá lăng và điêu hồng. Mới đây, tôi xuất mẻ cá đầu tiên được hơn 7 tấn. Lãi khoảng 200 triệu đ/lồng”, Hiệp chia sẻ.
Theo anh Hiệp, cá nuôi trên sông Bứa thỉnh thoảng vẫn mắc một số bệnh như nấm, tiêu chảy. Một lứa cá, tiền thuốc cho mỗi lồng bè mất từ 8 - 10 triệu đồng. Chi phí thức ăn cho cá khoảng 100 triệu đ/lứa. Thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá bè trên sông Bứa.
Còn tại khu 3, nhà anh Nguyễn Văn Chính mới dám thử sức với 5 lồng bè nuôi cá ngạnh, lăng, chiên. “Nhà tôi mới nuôi, được cán bộ Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tận tình hướng dẫn. Giai đoạn đầu vẫn chủ yếu là cho ăn và phòng bệnh cho cá, có thành công hay không phải vài tháng nữa mới biết được”, anh Chính e dè.
Một điều khá lạ, những bè cá này hầu như lúc nào cũng vắng tanh vắng ngắt, không người trông coi. “Chú vừa vào bè cá của tôi chụp ảnh đúng không”, một người đàn ông luống tuổi vỗ bộp vào vai, khiến tôi giật mình. Thì ra, thay vì cử người trông coi, những chủ bè cá đã lắp đặt hệ thống camera, truyền tải hình ảnh trực tiếp về máy tính, điện thoại qua sóng 3G.
Anh Đăng rút con điện thoại smartphone cho chúng tôi xem, quả đúng thật, hình ảnh bè cá hiện lên rõ mồn một. Bè cá nhà anh Đăng gắn khoảng chục chiếc camera loại xịn, chi phí lắp đặt mất hơn chục triệu. Thậm chí cả ban đêm hay mưa gió, hình ảnh từ camera truyền về vẫn nét căng. Chính vì vậy, đến nay chưa có hộ dân nào bị trộm “hỏi thăm”.
Chủ tịch UBND xã Quang Húc, Nguyễn Văn Đông khẳng định, thời gian tới vẫn ủng hộ, thậm chí là vận động người dân phát triển nghề nuôi cá bè trên sông Bứa. Hiện tại, mặt nước của con sông Bứa vẫn được người dân sử dụng tự do, không phải thuê hay mất phí. Mỗi năm, Quang Húc xuất đi khoảng gần trăm tấn cá các loại ra thị trường. Sản lượng trung bình đạt 6 - 7 tấn cá/lồng, thu về khoảng 200 triệu đ/lứa/lồng.
“Sản phẩm của chúng tôi xuất đi nhiều tỉnh, TP như Vĩnh Phúc, Hà Nội và cả đi Trung Quốc. Trước giờ việc mua bán khá thuận lợi, chúng tôi ký hợp đồng cho các đơn vị đứng ra thu mua ngay từ đầu lứa, chưa xảy ra chuyện ép giá bao giờ. Thậm chí, là không đủ cá để bán chứ không nói gì đến chuyện ế hàng”, ông Đông nói.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Quang Húc cũng đã tính đến vấn đề môi trường khi quy mô lồng bè ngày càng tăng cao. Ông Đông cho biết, tới đây, xã sẽ chủ động liên hệ với huyện, thống nhất đưa ra những quy định về mặt nước, đảm bảo môi trường nước.
Đồng thời xin tư vấn từ Chi cục Thủy sản, Trung tâm KN tỉnh để xử lí nguồn nước sao cho hiệu quả nhất. Biện pháp trước mắt, chính quyền xã vẫn tuyên truyền người chăn nuôi liên tục thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại lồng nuôi cá của gia đình.
Một số hộ đang thử nghiệm mô hình nuôi cá chép "giòn". Cá chép thường khi đạt trọng lượng 1,5 kg thì cho ăn thêm một loại đậu trắng. Khi cá đạt từ 2,5 kg có thể xuất bán với giá gấp 4 - 5 lần cá chép thường. Thịt cá chép "giòn” có vị thơm, giòn ngon.
Theo một số hộ dân, nếu mô hình thành công, Tết Nguyên đán năm tới, họ sẽ xuất mẻ cá chép giòn đầu tiên ra thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tổ chức Hội thảo "Sự tham gia của dân tộc thiểu số trong chuỗi giá trị chè Shan ở Hà Giang".
Sau thành công mô hình chế biến rơm rạ, rác thải thành phân bón hữu cơ ở nhiều nơi, gần đây, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN, (gọi tắt là trung tâm) lại mở ra thêm cơ hội mới cho người sản xuất, kinh doanh nấm trên địa bàn.
Từng được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột đang lâm cảnh "muốn chết cũng khó" vì nợ khó trả gần 2.000 tỷ đồng.
Mô hình V.A.C là một trong những mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả tại Nông trường Sông Hậu trong nhiều năm trước đây. Đến năm 2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thới Hưng tiếp tục kế thừa và nâng chất, mở rộng trong hội viên Hội LHPN xã
Vụ đông năm 2011, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Nông nghiệp Ỷ La, thành phố Tuyên Quang đã đưa giống khoai tây mới Aladin vào trồng với diện tích 9,5 ha. 50 hộ tham gia tại các đội 2, 10 và đội 12 của phường Ỷ La và Tân Hà tham gia mô hình. Kết quả bước đầu cho thấy đây là giống khoai tây cho hiệu quả kinh tế khá cao.