Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

VASEP Đề Nghị Tăng Cường Kiểm Soát Tôm Có Agar

VASEP Đề Nghị Tăng Cường Kiểm Soát Tôm Có Agar
Ngày đăng: 26/04/2014

Là mặt hàng thành công nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản năm 2013, nhưng những tháng đầu năm 2014, tôm Việt Nam liên tiếp bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và bị bơm Agar, gây ảnh hưởng không tốt trên thị trường.

Bị cảnh báo cả chất kháng sinh và Agar

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Tổng cục Thuỷ sản báo cáo tình hình bơm chích Agar (thạch rau câu) vào tôm sau khi trên Tạp chí Intrafish của châu Âu đăng tải thông tin về vấn đề này.

Bài báo cho rằng, tình hình bơm chích Agar vào tôm của Việt Nam đang ở mức báo động, và cảnh báo các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ dừng mua tôm, trả hàng, đóng kho cũng như yêu cầu phía cung cấp bồi thường thiệt hại. Theo đó, VASEP đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường kiểm soát tôm có Agar tại các nhà máy chế biến, cơ sở sơ chế tôm.

Trước tình hình trên, Tổng cục Thuỷ sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng T.Ư tổ chức họp bàn giải pháp ngăn chặn hành vi bơm Agar vào tôm nguyên liệu và phân công thực hiện. Để giữ được thị trường và tránh những rủi ro cho xuất khẩu tôm, Tổng cục Thuỷ sản đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương tuyên truyền giáo dục, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm.

Không chỉ có nạn bơm, chích Agar, thời gian qua Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) liên tiếp nhận được cảnh báo của cơ quan thẩm quyền EU và Nhật Bản về việc phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép trong các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam xuất sang 2 thị trường này.

Đặc biệt là với thị trường Nhật Bản, từ 14.3 - thời điểm Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với 100% lô hàng tôm nuôi của Việt Nam do phát hiện dư lượng chất này trong 2 lô hàng, đến nay đã có thêm 4 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam xuất sang Nhật bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết: Năm 2013, nuôi tôm nước lợ vừa được mùa vừa được giá, thị trường thuận lợi và chúng ta đã từng bước khống chế được hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính, trong khi nhiều nước bị dịch bệnh gây thất thu nghiêm trọng.

Năm 2014, theo dự đoán, thị trường vẫn thuận lợi cho tôm nuôi nước ta do các nước có diện tích nuôi lớn như Thái Lan, Trung Quốc... phải mất từ 6 tháng đến vài năm nữa mới có thể phục hồi. Tuy nhiên, nuôi tôm nước lợ vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy do dịch bệnh, môi trường ô nhiễm và nuôi không đúng kỹ thuật, lạm dụng hoá chất, đặc biệt là tình trạng bơm, chích Agar vào tôm nguyên liệu chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh con tôm của Việt Nam.

20 năm vẫn chưa xử lý được

Theo đánh giá của VASEP, một trong những vấn nạn của ngành tôm mà suốt 20 năm qua chưa xử lý được chính là tình trạng bơm chích Agar vào tôm nguyên liệu ngày càng gia tăng.

Ông Trương Đình Hoè – Tổng Thư ký VASEP cho biết: Agar được chế biến từ rau câu, về bản chất không độc hại nhưng con tôm bị bơm Agar sẽ tăng thêm trọng lượng từ 15-30%, kích cỡ con tôm cũng to hơn, đồng nghĩa với việc bán được mức giá cao hơn. Tuy nhiên, tôm nguyên liệu bị bơm Agar sẽ làm kết cấu vỏ tôm bị phá vỡ, thịt tôm giập, nát, chất lượng giảm, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Chưa kể khâu chế tạo Agar từ rau câu cũng không đảm bảo vệ sinh…

“Tình trạng bơm Agar chỉ là thiểu số, nhưng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam lại rất kỵ hành vi gian lận thương mại kiểu này nên chỉ dính một lượng nhỏ là ảnh hưởng tới cả lô tôm xuất đi và có thể bị trả lại.

Thông thường, các doanh nghiệp khi thu mua tôm nguyên liệu cũng không có thời gian đi kiểm tra từng con tôm nên nguy cơ tôm nguyên liệu chứa Agar là rất lớn” - ông Hoè nói.

Cũng theo ông Hoè, để xử lý triệt để tình trạng này, VASEP đã có báo cáo với Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NNPTNT và các cơ quan chức năng nhằm đưa ra nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Chuyện bơm tạp chất Agar vào tôm nguyên liệu không phải là mới, nhưng đúng là ở một số địa phương chưa xử lý kiên quyết nên đến nay tình trạng này vẫn xảy ra.

“Đối với các chất kháng sinh cấm vừa bị phát hiện trong tôm (Chloramphennicol, Oxytetracycline) thì thực chất 2 loại thuốc này không có tác dụng chữa bệnh. Nhiều người nuôi tôm nghe theo lời quảng cáo của những kẻ bán thuốc giả, thuốc thú y kém chất lượng nên đã sử dụng thuốc có chứa 2 chất này, không những không chữa khỏi bệnh cho tôm mà còn vô tình đưa chất cấm vào tôm.

Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cảnh báo vả xử lý nghiêm tình trạng sử dụng thuốc cấm và sử dụng sai mục đích” - ông Tiệp nhấn mạnh.

Theo ông Trương Đình Hòe: “Muốn xử lý tận gốc tình trạng bơm, chích Agar vào tôm hay tồn dư kháng sinh cấm, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương. Có thể VASEP sẽ phải kiến nghị lên Thủ tướng có chỉ đạo tới các địa phương để tạo ra chuyển biến tích cực, nhằm bảo vệ hình ảnh con tôm của Việt Nam”.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Rộng Mô Hình Bón Phân Viên Nén Dúi Sâu Cho Lúa Ở Như Thanh Nhân Rộng Mô Hình Bón Phân Viên Nén Dúi Sâu Cho Lúa Ở Như Thanh

Từ chỗ áp dụng bón phân viên nén dúi sâu trên diện tích 5 ha năm 2008, qua đúc rút kinh nghiệm, tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ tiền mua 24 máy ép phân, đến vụ xuân 2012, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã nhân rộng diện tích bón phân viên nén dúi sâu lên gần 2.000 ha.

02/06/2012
Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn

Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu tổ chức trao giấy chứng nhận công nhận măng tây là rau an toàn cho Tổ hợp tác sản xuất măng tây (HTSXMT) xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Khi có giấy chứng nhận rau an toàn, măng tây sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ.

22/06/2012
Cơ Sở Khoa Học Và Thực Tế Làm 3 Vụ Lúa Ở ĐBSCL Cơ Sở Khoa Học Và Thực Tế Làm 3 Vụ Lúa Ở ĐBSCL

Bước đầu qua điều tra tại một số huyện thuộc Hà Nội, Hà Tây cho thấy nông dân đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng (thuốc trong danh mục gồm 7 loại, trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic acid chiếm 70,9%; thuốc ngoài danh mục 1 loại).

16/07/2012
Cà Mau: Nuôi Cá Sấu Mắc Nợ Cà Mau: Nuôi Cá Sấu Mắc Nợ

Khoảng hai năm trở lại đây nhiều nông dân Cà Mau ồ ạt đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi cá sấu. Nhưng giấc mơ đổi đời đã thất bại, sau một thời gian nuôi, cá sấu bị chết hàng loạt hoặc tắc đầu ra khiến họ trắng tay.

20/03/2012
Kinh Nghiệm Trồng Chuối Theo GAP Của Philippines Kinh Nghiệm Trồng Chuối Theo GAP Của Philippines

Chuối là loại cây ăn trái quan trọng bậc nhất đối với Philippines về mặt sản lượng và diện tích. Do có giá trị dinh dưỡng và giá cả rẻ hơn so với xoài và khóm (dứa) nên chuối dễ tiêu thụ.

04/10/2012