Ứng Phó Với Rét Đậm, Rét Hại Nông Dân Chủ Động Giữ Nhịp Sản Xuất
Trong những ngày gần đây, nhiệt độ trung bình trên địa bàn thành phố ở mức 13 - 15 độ C. Dự báo, những ngày tới, nhiệt độ có thể xuống thấp hơn và trong tháng 1 sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nông dân Hải Phòng đang chủ động sản xuất, ứng phó với rét đậm, rét hại.
“Mặc áo”, sưởi ấm cho hoa, rửa sương cho rauĐến làng Minh Kha, xã Đồng Thái (An Dương) vào ngày 10-1, những người nông dân vẫn mải mê chăm bón cho từng gốc đào. Người bón phân, tro bếp; người tuốt lá, “mặc áo” cho đào bằng những tấm ni-lông… tất cả nhằm chống chọi lại cái rét cắt da, cắt thịt.
Ông Nguyễn Trung Bằng, người trồng hoa ở đây cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 100 gốc đào. Nhưng năm nay, thời tiết đỏng đảnh nên chưa biết kết quả thế nào? Trong những ngày rét đậm, rét hại, chúng tôi phải bón thêm phân lân và tro bếp cho cây. Đối với các cây cho nụ ít, tôi phải cho đào “mặc áo” bằng việc trùm ni-lông, thắp điện 24/24 giờ để giữ ấm”.
Nhiều hộ trồng hoa ly ở Đồng Thái ngay khi bắt đầu đưa củ ly vào trồng đã cho che phủ ni-lông, che lưới và thắp đèn sưởi cho hoa. Đến lúc nụ hoa phát triển to, lá mướt, có thể yên tâm được thì bỏ ni-lông che trong những ngày trời ấm. Đối với diện tích trồng quất, ngày rét đậm, ngoài che ni-lông cho cây, sáng nào cũng phải rửa sương muối cho hoa, tránh cho nụ hoa không bị nhiễm bệnh, hoa không nở được.
Tầm giữa trưa nhưng tại khu vực cánh đồng màu xã Tú Sơn (Kiến Thụy), rất đông nông dân chăm sóc rau trong cái lạnh “cắt da, cắt thịt”. Chị Phạm Thị Lanh vừa nhổ cỏ, tưới nước cho hành lá vừa cho biết:
- Mấy hôm nay trời rét quá nên chúng tôi không ra đồng chăm sóc rau màu vào sáng sớm và chiều muộn như thường ngày. Tầm trưa hửng nắng, trời ấm hơn mới tranh thủ ra đồng, làm qua trưa, đến 3 - 4 giờ chiều thì nghỉ…
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tú Sơn, Đồng Văn Nghị, cho biết: “Đợt rét hiện nay đang khiến nhiều loại rau như cải ngọt, cải cúc, xà lách, rau thơm… sinh trưởng kéo dài hơn 10 - 15 ngày so với thời tiết ấm. Mưa phùn kèm theo lạnh còn làm cho một số loại rau như xà lách, cải chíp… bị nhũn lá. Hiện nay, xã đang vận động nông dân bón thêm tro hoại mục, rắc vỏ trấu giữ ấm cho rau. Một số loại rau đặc sản, địa phương vận động nông dân che phủ bề mặt luống bằng lưới chuyên dụng. Nông dân tranh thủ buổi trưa thời tiết ấm thì làm, vừa bảo đảm nhịp độ sản xuất vừa bảo vệ được sức khỏe.
Lo bùng phát dịch
Theo Phó Chi cục thú y Hải Phòng Nguyễn Văn Hùng, rét hại kéo dài vào thời điểm này khiến dịch bệnh trên đàn gia súc dễ bùng phát, đặc biệt là dịch lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn lợn và trâu, bò. Hiện tại, dịch LMLM đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái. Dịch có chiều hướng lan nhanh sang các địa phương lân cận do, hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia súc đang gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, dịch đang có dấu hiệu lây lan rộng do một số chương trình, dự án tặng con giống gia súc cho nông dân các địa phương không qua khâu quản lý, kiểm dịch của cơ quan thú y. Cùng với việc hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y Hải Phòng yêu cầu các địa phương triển khai đợt khử trùng tiêu độc trên diện rộng, kiểm tra việc tiêm vắc xin phòng bệnh vụ 2 cho đàn lợn và trâu bò.
Thực hiện hướng dẫn của Sở Nông nghiệp - PTNT, những ngày qua, anh Phạm Văn Hải ở thôn 9, xã Việt Tiến (Vĩnh Bảo) luôn có mặt tại khu vực trang trại chăn nuôi của gia đình để che chắn gió, bổ sung thức ăn, tăng cường vệ sinh chuồng trại. Anh cho biết: “Nghe thông tin có rét hại, tôi thắp điện sưởi ấm cả đêm cho đàn lợn 50 con, che chắn kín gió chuồng trại và tăng cường sử dụng đệm lót sinh học dưới nền chuồng nuôi, bảo đảm khử mùi hôi, giảm thiểu vi khuẩn, vi rút gây bệnh dịch cho đàn lợn”.
Tại các vùng chăn nuôi tập trung khác ở các xã: Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), Lại Xuân (Thủy Nguyên), Việt Tiến, Vĩnh An (Vĩnh Bảo), Tân Viên, Chiến Thắng (An Lão) các chủ trang trại đều khẩn trương che chắn gió, sưởi ấm cho vật nuôi. Tại nhiều địa phương chăn nuôi trâu, bò thịt, bà con tranh thủ bổ sung thêm cỏ, rơm dự trữ trong chuồng, hạn chế chăn thả tự do trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, đến thời điểm này đàn gia súc, gia cầm của Hải Phòng chưa có hiện tượng bị chết do rét đậm, rét hại.
Theo bà Trần Thị Nghĩa, Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp - PTNT, việc chuyển rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến phần lớn những cây vụ đông ưa ấm, khiến rau màu chậm phát triển, táp lá. Điều khiến các địa phương lo lắng hiện nay là nhiều diện tích mạ lúa xuân bà con gieo trước thời vụ hướng dẫn có khả năng bị chết do mới gieo đã gặp rét hại. Trước nguy cơ thời tiết tiếp tục có rét đậm, rét hại kéo dài, Sở Nông nghiệp - PTNT yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân gieo mạ xuân đúng thời vụ, không gieo sớm trước lịch. Sau khi gieo, gặp rét đậm, phải chống rét cho mạ bằng việc bón tro mục và dùng ni lông trắng che phủ kín mạ.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi người nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt đang lúng túng, người bỏ chuồng không, người nuôi cầm chừng chưa muốn tái đàn do dịch bệnh, giá giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao thì con chim cút trở thành vật nuôi thay thế ưu việt.
Tỉnh Sóc Trăng đang bước vào chính vụ nuôi tôm, Công ty Điện lực tỉnh này đang đối mặt với tình trạng quá tải cung cấp điện do diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh phát triển quá nhanh.
Trong những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ổn định và phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đã có những chuyển biến, đời sống nông dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.
Cùng với dịch bệnh lây lan liên tỉnh trên các ao hồ nuôi tôm, người nuôi trồng thủy sản tại miền Trung như ngồi trên đống lửa khi ngành chức năng chưa tìm ra nguyên nhân cá nuôi chắn sáo ở phá Tam Giang đồng loạt… nổi bụng chết sình.
Người trồng cà chua tại thôn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương) đang lo lắng vì cà chua xuất hiện bệnh khảm, một bệnh ít gặp nhưng gây tổn thất lớn.