Ứng dụng công nghệ tưới phun tự động tiết kiệm nước cho hiệu quả kinh tế cao
Thế nhưng, đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tỷ (thôn 4) thì dường như cái nắng đã không còn khi trước mắt chúng tôi là một màu xanh mơn mởn của rất nhiều loại rau và luồng không khí dịu mát bởi đất nơi đây luôn được tưới mát hằng ngày.
Đi vào tìm hiểu, chúng tôi mới biết được công sức ông đã bỏ ra để được như ngày hôm nay thật đáng trân trọng và khâm phục.
Xuất phát từ một nhà nông chân lấm, tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng những gì ông bỏ ra cũng không thể cho được lợi nhuận cao bởi cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.
Mùa đông lạnh, mưa phùn, sương muối, mùa hè nắng nóng cộng thêm gió Lào (gió Phơn) thổi mạnh làm cho nhiệt độ luôn ở mức cao và ẩm độ thấp.
Bên cạnh đó việc đầu tư của gia đình ông chọn phát triển rau màu để làm hàng hóa nên khó khăn lại càng khó khăn, bởi cây rau là một trong những loại cây trồng rất cần nước vào tất cả các mùa.
Mùa đông rau cần nước để không bị sương muối, mùa hè thì cần nước để phát triển không bị chết nắng.
Khó khăn là thế nhưng gia đình ông đã cố gắng hết sức mình để khi nào cũng có hàng bán ra.
Tuy nhiên do công lao động bỏ ra để chăm sóc, lại cộng thêm tiền điện để tưới nước quá lớn nên dù đã tính công làm lãi thì nhiều vụ gia đình không thu được lợi nhuận.
Biết không thể duy trì cách làm này mãi nên ông đã tìm hiểu rất nhiều về phát triển cây rau và cách khắc phục việc tưới nước, tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm điện khi nguồn nước ngày càng cạn kiện và giá điện ngày càng tăng cao.
Sau một thời gian tìm hiểu thực tế cũng như kiến thức sách vở, báo đài, ông Tỷ đã tìm được hệ thống tưới có thể áp dụng được với vùng đất và yêu cầu của gia đình mình.
Đó là hệ thống tưới phun nước tự động.
Hệ thống này tưới nước dưới dạng mưa nhân tạo, nhờ các thiết bị tạo dòng phun mưa thích hợp.
Tùy vào diện tích gieo trồng mà có thể lắp đặt thiết bị phun tưới phù hợp và nước được tưới tự động bằng môtơ điện 1,5KW, đường kính phun 4 – 5m2.
Ngoài ra, với chất liệu đường ống bằng nhựa cùng trang thiết bị còn cho thấy hệ thống này có thể sử dụng lâu dài, góp phần giảm chi phí ban đầu mỗi vụ màu.
Công nghệ này còn giúp tiết kiệm nước, giảm công tưới, giúp cho việc chăm sóc các luống rau, hoa màu nhẹ nhàng và đem lại hiệu quả kinh tế hơn.
Đặc biệt, việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần bật công tắc điện cho mô tơ chạy, sau đó đi kiểm tra hệ thống ống nước thì có thể tưới cho cả một diện tích lớn, nhỏ bất kể thời gian và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn.
Tùy theo từng loại cây trồng, cách thiết kế diện tích đất trồng mà chiều cao ống phun và số lượng lắp đặt vòi phun tăng, giảm, cao, thấp trên một diện tích đất canh tác.
Kỹ thuật tưới phun nước tự động còn góp phần duy trì diện tích, sản lượng rau trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa các loại rau.
Với kiến thức có được, ông Tỷ đã quyết định vay mượn vốn đầu tư thêm nhằm ứng dụng công nghệ hệ thống tưới phun nước tự động vào vườn rau nhà mình.
Trước hết ông đầu tư thử nghiệm 500m2 diện tích vườn rau nhà mình, ông tự lắp đặt với chi phí 5 triệu đồng.
Khi hệ thống tưới phun tiết kiệm nước được lắp đặt hoàn chỉnh, ông Tỷ áp dụng cho mô hình trồng mướp Thái, mồng tơi và rau thơm.
Sau 02 tháng gieo hạt, trồng cây, vườn rau nhà ông đã cho thu hoạch 2,2 triệu đồng/tháng, trong đó thu hoạch từ mướp Thái là 1 triệu; 0,7 triệu từ mồng tơi và 0,5 triệu đồng từ các loại rau thơm trong vườn.
Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Tỷ lợi nhuận hơn 1 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước khi chưa áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Như vậy, một năm gia đình ông thu hoạch sản phẩm từ vườn trong 9 tháng, thu về gần 20 triệu/tháng/500m2.
Đây là khoản lợi nhuận cao và ổn định đối với hộ nông dân làm kinh tế vườn như gia đình ông.
Vườn rau được trang bị tưới phun tự động của gia đình ông Tỷ
Nhận thấy hiệu quả mang lại rõ rệt, ông đã tiếp tục mở rộng diện tích lắp hệ thống tưới nước phun tự động lên 1.500m2.
Giờ đây, việc trồng rau màu đối với gia đình ông đã đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều nhất là trong việc tưới nước.
Bên cạnh đó, việc cung cấp nước đầy đủ kết hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng rau nhà ông ngày càng đảm bảo và dễ dàng tiêu thụ hơn.
Không chỉ gia đình ông mở rộng diện tích, các hộ khác trong xã thấy mô hình tưới phun tự động tiết kiệm nước đơn giản, đỡ tốn công mà mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã đến nhà ông Tỷ học hỏi kinh nghiệm về lắp đặt hệ thống cho vườn gia đình mình.
Hệ thống tưới phun tự động đã làm thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực và thúc đẩy việc sản xuất rau màu tại địa phương với qui mô ngày càng lớn.
Tạm biệt gia đình ông Tỷ, tạm biệt xã Cẩm Quang, chúng tôi vẫn cảm nhận rõ cái dịu mát và màu xanh của tương lai nơi vườn rau nhà ông.
Quả thật gia đình ông Tỷ là một tấm gương sáng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào phát triển kinh tế hộ gia đình giúp nâng cao thu nhập cho gia đình ông, đồng thời giúp tăng thu nhập cho các gia đình khác và cho xã nhà, góp phần chung tay xây dựng tiêu chí “nâng cao thu nhập” trong xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Nhìn ông Tư Đắc khó ai biết được ông đã ở vào cái tuổi 70. Những bước chân thoăn thoắt bám theo đàn bò trên vùng đất gập gềnh sỏi đá của ông khiến chúng tôi đeo theo muốn bở hơi tai. 20 năm trước, ông Tư Đắc cùng hai người bạn từ phố thị Phan Rang rủ nhau lên đây thuê 120ha đất khai hoang.
Nhờ nuôi cá sấu, người nông dân tròm trèm 60 tuổi với nước da ngăm đen, giọng nói điềm đạm từng rướn mình chở khách trên khúc sông trước nhà, nay đã trở thành doanh nhân tỷ phú, đối tác mãi tận trời Tây .
48 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông, anh Từ Đình Vang (thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có được cơ ngơi bạc tỷ.
Theo đó, Công ty Rijk Zwaan sẽ phối hợp với các hộ nông dân Đà Lạt hình thành một cơ sở trồng và nghiên cứu các loại giống rau Đà Lạt và giống ngoại nhập (khoảng 3 - 5ha), đồng thời sẽ lập một trang trại chuyên sản xuất hạt giống, đặc biệt là hạt giống rau, để cung cấp cho Việt Nam và xuất khẩu (khoảng 15 - 20ha).
Ban Quản lý cũng đang xúc tiến làm việc với các đơn vị để tiếp nhận khu đất khoảng 180ha tại Nông trường An Hạ (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) để xây dựng Khu NNCNC chuyên về chăn nuôi, chủ yếu nghiên cứu phát triển giống heo, bò…