Săn Cá Ngừ… Hàng Bay
Ngư dân Phú Yên có đội tàu hùng hậu với 585 chiếc chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Nghề đánh bắt cá ngoài khơi xa tạo mối liên kết, cứ 100 tàu cá là bạn hàng của một công ty, doanh nghiệp thu mua. Khi đội tàu đánh bắt về, các công ty “săn” cá ngừ đại dương chất lượng “hàng bay” để thu lợi, tuy nhiên mặt hàng này rất khan hiếm.
ỨNG VỐN CHO NGƯ DÂN
Dọc theo cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) hiện có 4 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thu mua cá ngừ đại dương, đó là DNTN Bá Hải, Hồng Ngọc, Lợi Anh và Thịnh Hưng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mỗi doanh nghiệp có gần 100 tàu cá là “bạn hàng ruột”. Doanh nghiệp hỗ trợ vốn cho chủ tàu lo phí tổn trước khi xuất bến, khi về bến chủ tàu bán cá lại cho doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Tấn, chủ tàu cá PY- 96021TS cho biết: “Trước khi xuất bến, phí tổn mua dầu, đá…. Hàng trăm triệu đồng, gia đình kẹt tiền nên liên hệ “nhà cá” (doanh nghiệp) cho ứng vốn 40 đến 50 triệu đồng để lo phí tổn, khi tàu về bến cân cá thì hoàn trả sau. Cứ thế mối bạn hàng này duy trì tháng này qua năm khác”.
Để ngư dân vươn khơi bám biển, DNTN Hồng Ngọc đưa ra “gói hỗ trợ” dầu cho ngư dân, mỗi chuyến đi ứng trước cho ngư dân nhiên liệu dầu để đi đánh bắt từ 3.500 đến 5.000 lít tùy từng công suất của tàu. Ông Trần Văn Tàu, chủ tàu cá PY-90531TS đang làm thủ tục ứng dầu, cho hay: “Trước khi xuất cảng, tôi liên hệ doanh nghiệp đến ghi vào sổ sách số dầu cần ứng, khi ra khơi đánh bắt về hoàn trả lại, dạng “cấn trừ” theo giá cá. Cách làm này giống như đặt cọc trong mua bán, tiện đường làm ăn”.
Nhà cá Năm Cát ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) chuyên thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân vươn khơi bám biển. Doanh nghiệp này cung cấp trọn gói từ xăng dầu đến đá cây rồi thu mua cá ngừ. Ông Trần Cát, chủ doanh nghiệp cho biết: “Doanh nghiệp của tôi nhỏ, thế nhưng bao năm qua, nghề kinh doanh cá ngừ gần như hoạt động khép kín: cung cấp xăng dầu đầu ra, rồi thu mua cá đầu vào theo giá cả thị trường. Chủ tàu cá cả xã này với tôi như anh em trong nhà”.
KHAN HIẾM… “HÀNG BAY”
Mùa câu cá ngừ đại dương (thường từ tháng 2 đến tháng 8), mỗi ngày hàng chục tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng phường 6. Trên cảng, một “đội quân tóc dài” (phụ nữ) khiêng cá từ tàu lên vựa cá. Tại đây có đội ngũ công nhân “lựa” (phân loại) ra cá “hàng bay”, loại này không đưa thẳng vào kho lạnh mà khiêng ngược ra xe tải.
Ông Nguyễn Tình, một người làm nghề lựa cá “hàng bay” lý giải: “Ngư dân ở đây đánh bắt cá ngừ đại dương bằng câu vàng, tức là lưỡi câu được thả sâu vào lòng đại dương, khi cá dính câu kéo lên khoang tàu, do đó, chất lượng thịt cá vẫn còn tươi, ngon và giữ được màu đỏ như thịt bò.
Chứ không phải câu bằng đèn, thịt cá có màu đỏ bầm. Tuy nhiên, thời gian đi biển thường kéo dài từ 25 đến 30 ngày, có tàu do khâu “muối” (ướp) cá bảo quản không đạt nên chỉ lứa cá dính sau thịt còn tươi. Loại đó khi đến bến được đưa liền lên xe chở thẳng vào TP Hồ Chí Minh nên gọi là “hàng bay”, số còn lại do rã đông chất lượng thấp nên đưa vào kho lạnh cấp đông, loại này thuộc dạng “hàng nằm” phân phối sau”.
Chúng tôi đến xe tải đông lạnh chở cá ngừ đại dương loại “hàng bay”, cá được muối đá cẩn thận chất lớp lang, một lớp cá 10 con, trong đó 5 con chất đầu quay ra ngoài đuôi xe, 5 con quay đầu vào ca bin.
Ông Trần Văn Tính, tài xế lái xe cho biết: “Cá “hàng bay” vào đến bến bất cứ buổi sáng hay tối gì cũng đưa lên xe chở thẳng vào TP Hồ Chí Minh vì hàng này, bạn hàng chờ sẵn. Tuy nhiên loại “hàng bay” đi thẳng không nhiều, thường một tàu trúng cỡ 1,5 tấn cá thì lựa ra “hàng bay” chỉ đến 3 tạ là cùng”.
Tuy nhiên, ông Tính cũng lý giải thêm: Loại “hàng bay” khi vào TP Hồ Chí Minh không phải bạn hàng “gặp đâu mua đó” mà lựa hàng ưng ý rồi đóng thùng xuất khẩu. Loại hàng này, người “rành” chỉ cần nhìn sơ qua là biết thịt cá loại “xịn” (loại 1) vì có màu đỏ như thịt bò nên ngư dân ở đây gọi là cá bò gù là vậy. Chính loại này là đặc sản cá ngừ đại dương nổi tiếng ở Phú Yên lâu nay.
Các công ty, doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương khi tàu cập bến theo dạng mua “trụm” (mua xô) theo giá thị trường hiện là 140.000 đồng/kg (cách đây 3 tháng là 160.000 đồng/kg). Theo các chủ tàu cá thì ngư dân đi biển đánh bắt về không được doanh nghiệp mua cá theo giá “hàng bay” hay “hàng nằm”. Còn khi chủ vựa lựa ra “hàng bay” chở vào TP Hồ Chí Minh bán theo giá cao hơn, có khi gấp rưỡi, gấp đôi, tùy theo thời điểm.
Công ty, doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương lợi nhuận chủ yếu ở cá “hàng bay”, tuy nhiên tàu cá cập bến thường số lượng “hàng bay” đạt thấp vì tàu cá thô sơ không được trang bị hệ thống bảo quản đạt chất lượng, cá bị rã đông.
Để đánh giá số lượng cá “hàng bay”, ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc nhà máy chế biến cá ngừ đại dương của DNTN Hồng Ngọc cho biết: “Từ đầu năm đến nay, DNTN Hồng Ngọc thu mua 1.200 tấn cá ngừ đại dương, trong đó “hàng bay” 150 tấn. Còn trung bình 1 năm doanh nghiệp này mua 1.700 tấn cá ngừ, trong đó “hàng bay” đạt 300 tấn”.
Cũng chính điều này lý giải vì sao công ty, doanh nghiệp thu mua giá cá ngừ đại dương thời gian qua không nhích lên được thậm chí giảm. Với giá cá như hiện nay, mỗi tàu đánh bắt trên cỡ 1 tấn là đủ chi phí, nên nhiều tàu cá của ngư dân sau chuyến đi biển về thường thua lỗ.
Tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa), hiện nay có một đội tàu thu mua cá từ các tàu đánh bắt trên biển đưa về đất liền. Tuy nhiên đội tàu dịch vụ này ít, công suất thấp nên chưa bám theo đội tàu hùng hậu đang đánh bắt và làm dịch vụ hậu cần, cung cấp nhiên liệu, đá, lương thực, thực phẩm giúp ngư dân bám biển dài ngày, vì thế nhiều tàu về sớm trong khi sản lượng đánh bắt chưa nhiều nên hòa, thậm chí lỗ vốn.
Hiện nay Công ty cổ phần Bá Hải - một công ty thu mua cá ngừ đại dương cỡ lớn ở Phú Yên - đưa ra kế hoạch, từ nay đến năm 2015, công ty sẽ đóng 3 tàu dịch vụ (công suất khoảng 1.000 CV) trực tiếp thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân chuyển về nhà máy. Các tàu dịch vụ này vừa thu mua ngắn ngày, đảm bảo chất lượng cá ngừ đại dương vừa kết hợp làm dịch vụ hậu cần, cung cấp nhiên liệu, đá, lương thực…
Theo ông Lê Văn Hồng, Giám đốc công ty cổ phần Bá Hải: Công ty liên kết với các đội tàu đánh bắt, bảo quản chất lượng cá theo tiêu chuẩn Nhật Bản với mục tiêu xuất khẩu ít nhất 2.000 tấn mỗi năm sang thị trường Nhật Bản, Đức, Na Uy… Tuy nhiên để đầu tư thành công lĩnh vực này nhờ các ngân hàng giúp sức.
Có thể bạn quan tâm
Việc nuôi tôm cao triều ở Phú Yên trong thời gian qua đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép, có địa phương không kiên quyết xử lý nên diện tích lấn chiếm ngày càng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.
Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh liên tục xảy ra, giá tôm giảm mạnh nhiều tháng liền. Trong khi đó, chi phí thức ăn, con giống… nuôi tôm tăng mạnh dẫn đến diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014.
Cư vào mùa này vào thời điểm thủy triều xuống ngư dân lại tìm đến nghề cào chem chép. Một ký chem chép sau khi cào xong, đóng bao bán cho các đầu nậu 1500 đồng/kg. Các đầu nậu cân lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm, cá bóp vì chem chép sữa là thức ăn giàu dinh dưỡng cho các hải đặc sản giá trị như tôm hùm, cá mú, cá bóp...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm xã hội sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.
Ở tuổi 48, ông Nguyễn Tiến Nam, ngụ ấp B2, xã Phước Minh (Dương Minh Châu - Tây Ninh) đã là một chủ trang trại nuôi gà và heo với lợi nhuận là 850 triệu đồng/năm. Điều đáng nể hơn là ông Nam đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.