Tỷ Phú Nuôi Tôm Ở Đồng Nai

Khởi nghiệp nuôi tôm từ năm 1999, nhờ tính cần cù và chịu khó, anh Đặng Thanh Lâm (sinh năm 1980, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đã trở thành tỷ phú nhờ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp.
Với gần 7 hécta mặt nước hiện có, anh Lâm đã cải tạo thành 17 ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Hiện đầu ra của con tôm khá ổn định, mỗi năm thu lời hàng tỷ đồng.
* Mạnh dạn đầu tư
Sau một thời gian bôn ba lập nghiệp bằng nhiều nghề, như: thợ cơ khí, thợ cắt kính… nhưng thu nhập không cao, năm 1999 anh về quê Nhơn Trạch và cải tạo gần 1 héc ta đất ngập mặn của gia đình để nuôi tôm sú. Anh Lâm chia sẻ: “Thời gian đó ở xã rộ lên phong trào nuôi tôm thiên nhiên, gia đình tôi có gần 1 hécta đất ngập mặn phù hợp với nuôi tôm sú nên tôi đã nuôi thử nghiệm.
Năm đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nên sản lượng tôm thành phẩm không cao, chỉ lời được 10 triệu đồng. Tới năm 2000, tôi chuyển sang nuôi tôm sú bán công nghiệp”.
Vào năm 2005, huyện Nhơn Trạch rộ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Với số tiền tích lũy được, anh Lâm đã mua thêm đất mở rộng diện tích nuôi tôm, đồng thời đầu tư thêm các thiết bị máy móc: máy bơm nước, hệ thống lắp quạt, dàn quạt ôxy... và chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Anh Lâm cho biết, tôm thẻ chân trắng sinh trưởng nhanh lại dễ thích nghi môi trường hơn tôm sú.
Vào mùa mưa, độ mặn và nhiệt độ thường xuống thấp gây trở ngại lớn cho việc nuôi tôm sú, trong khi nuôi tôm thẻ chân trắng lại thích ứng tốt với các mô hình nuôi có độ mặn từ 0-40%. “Nuôi tôm thẻ phải cho ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp, thành phần thức ăn phải được chia đồng đều thì tôm mới tăng trưởng tốt, cho ăn quá nhiều sẽ gây ô nhiễm nước làm cho tôm dễ bị chết. Những năm đầu do chưa nắm được kỹ thuật cho ăn nên năng suất tôm của gia đình tôi cũng kém” - anh Lâm nói.
* Mở rộng diện tích
Sau từng vụ thu hoạch trúng giá, ngoài số tiền vốn “lận lưng” để dành phòng cho vụ sau, anh Lâm lại thuê thêm đất mở rộng diện tích nuôi tôm. Từ 1 hécta ban đầu, hiện anh đã mở rộng diện tích lên gần 7 hécta mặt nước nuôi tôm. Bên cạnh đó, anh cũng đã đầu tư thêm thiết bị công nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhiều hơn.
Anh Lâm cho biết: “Những năm gần đây, tôm thường xuất hiện các loại dịch bệnh nên khâu quan trọng là phải cải tạo ao đầm thật kỹ lưỡng, đảm bảo xử lý nguồn nước thật sạch. Sau khi thu hoạch, phải xả sạch và phơi ao trong vòng 5-7 ngày để phân hủy những bùn bã hữu cơ dưới đáy ao ở vụ trước. Trong quá trình nuôi tôm cũng cần tập trung theo dõi, quan sát để kịp thời xử lý các loại dịch bệnh của tôm”.
Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp một năm thường có 3 vụ, trung bình mỗi vụ anh thu được hơn 9 tấn/hécta. Sắp tới, anh Lâm cũng sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, anh đang cung cấp sản phẩm cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với giá 140 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lời hơn 7 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay ở Đồng Nai mặc dù chưa bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu, nhưng một số hộ thu hoạch sớm tỏ ra rất phấn khởi vì giá hồ tiêu ở thời điểm này tăng khá cao.

Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa trao Giấy chứng nhận VietGap cho Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Chính Phú, xã Phú Xuyên (Đại Từ - Thái Nguyên).

Trong khi cao su, rừng keo tràm thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai, thì cây sắn được chọn làm đối tượng thay thế để thoát nghèo bền vững.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện có hơn 60% diện tích trồng cà phê tại các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã áp dụng mô hình xen canh với các loại cây mít, tiêu, ca cao, sầu riêng… Việc trồng xen canh trong vườn cà phê giúp người nông dân đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch, nâng cao giá trị sử dụng và thu hoạch trên một diện tích đất.

Theo Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), tính đến nay trên địa bàn huyện có hơn 600ha rừng mỡ ở 14 xã, thị trấn bị sâu ong phá hoại.