Trùn Quế Mang Lại Nguồn Lợi Lớn
Ngày đăng: 27/06/2012
Trùn quế là loại thức ăn giàu đạm giúp các loại gia cầm như: gà, vịt, bồ câu... lớn nhanh. Không những thế trùn quế còn có khả năng rất đặc biệt là có thể xử lý phân gia súc, gia cầm thành loại phân vi sinh giàu dinh dưỡng dùng để bón cây trồng. Nắm bắt được lợi ích đó, anh Nguyễn Văn Tánh ở thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết - Bình Thuận) đã mạnh dạn đầu tư nuôi trùn quế. Hiện mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình anh.
Trước đây, anh Tánh đã mày mò tìm hiểu cách nuôi trùn quế qua internet và đi thực tế, học hỏi thêm vài hộ nông dân ở các tỉnh miền Tây. Từ đó, anh đã mạnh dạn mua 100 kg giống trùn quế về nuôi thử nghiệm ở 10 m2 đất vườn làm thức ăn cho gà, vịt, bồ câu. Thấy các loại gia cầm ăn trùn quế lớn nhanh, chi phí thức ăn rẻ hơn cám công nghiệp anh Tánh đã nhân rộng mô hình này thêm 50 m2. Anh Tánh cho biết: “Nuôi trùn quế rất đơn giản, vốn đầu tư ít, chỉ vài cái chậu đúc bằng xi măng là có thể thả trùn quế vào và cho chúng ăn phân bò, trâu, lợn tươi đã ủ, trùn cứ thế lớn. Mô hình này vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa là nguồn thức ăn giàu đạm cho gia cầm. Ngoài ra, phân trùn quế được dùng để bón cho cây trồng rất tốt vì đây là loại phân vi sinh giàu chất dinh dưỡng”.
Vừa dẫn chúng tôi đi xem những chậu lúc nhúc trùn, anh Tánh cho hay: nuôi trùn quế đòi hỏi phải chịu khó, vật dụng để nuôi có thể bằng chậu đúc bằng xi măng hoặc làm trại xây rãnh, tráng đáy bằng xi măng. Phân tươi của các loại động vật như bò, trâu, lợn được ủ trước 2 - 3 ngày. Giống trùn quế mua về cho vào chậu, sau đó bỏ phân đã ủ vào cho trùn ăn. Nuôi trùn quế một tháng thu hoạch một lần, khi thu hoạch cứ vén lớp phân sang một bên, trùn sẽ chui hết xuống đáy chậu, khi đó ta thu hết trùn. Anh Tánh lưu ý, trùn quế rất ưa bóng tối, do vậy các chậu nuôi phải che đậy cẩn thận nếu có nắng hoặc nước mưa vào trùn sẽ chết. Với 50 m2 nuôi trùn quế, anh Tánh đã dùng làm thức ăn nuôi trên 300 con gà, hơn 700 cặp bồ câu, 50 con vịt. Trùn quế được bằm mịn trộn với cám công nghiệp sau đó mới cho gia súc ăn. Theo anh Tánh so với nuôi gà bằng 100% cám công nghiệp, cách nuôi này giảm 2/3 chi phí thức ăn. Bởi trùn có nhiều chất đạm, gà ăn lớn nhanh, sức đề kháng tốt. Đặc biệt cách nuôi này cho một sản phẩm sạch, an toàn cho
người tiêu dùng. Ngoài ra, anh còn bán trùn quế giống ra thị trường với giá 50.000 đồng/kg, trùn quế thịt 100.000 đồng/kg. Với mô hình nuôi trùn quế, mỗi năm gia đình anh Tánh thu về khoảng 150 triệu đồng từ tiền bán gà, vịt, bồ câu và bán trùn quế giống, thịt. Thời gian tới anh Tánh sẽ dự định mở rộng diện tích nuôi trùn quế, đào ao nuôi cá bằng trùn quế. Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình, anh Tánh còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân trong và ngoài xã.
Có thể bạn quan tâm
Anh Nguyễn Văn Minh khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi bò
Trong khi nhiều thanh niên ở nông thôn ra các thành phố lớn để tìm việc làm, thì anh Nguyễn Văn Minh quyết tâm ở lại quê hương xây dựng kinh tế gia đình và anh đã thành công.
01/08/2015
Cà Mau có 14.000 ha tôm đạt chuẩn quốc tế
Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, đã có 14.000 ha tôm nuôi sinh thái của tỉnh được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế (chứng nhận Natureland; ASC, BAP; tiêu chuẩn Selva Shrimp).
01/08/2015
Quảng Trị có hơn 200 ha tôm nuôi bị bệnh
Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh tôm nuôi đã xảy ra ở 12 xã, phường, thuộc 5 huyện, thành phố, với diện tích nhiễm bệnh hơn 200 ha.
01/08/2015
Kiếm tiền tỷ nhờ trồng bơ sáp ở Bình Phước
Ghép và trồng thành công giống bơ sáp cao sản, ông Dương Mã Dưỡng ở Bù Gia Mập, Bình Phước thu về hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.
03/08/2015
Đề nghị ưu tiên nhập khẩu đường thô
Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc cân đối cung cầu đường năm 2015.
03/08/2015