Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thích Ứng Với Rào Cản

Thích Ứng Với Rào Cản
Ngày đăng: 01/04/2014

Ngành thủy sản cần soi vào thị trường và đổi mới mình để thích ứng với những rào cản thương mại các nước đưa ra ngày càng cao.

Ngày 30-3, tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị triển khai đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Rào cản thương mại: Khó cãi lắm!

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm qua có tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục; riêng năm 2013, kim ngạch đạt 6,5 tỉ USD nhưng hiện đang chậm lại và đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là rào cản thương mại của các nước đưa ra ngày càng cao.

Mặc dù Việt Nam có nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản thuộc dạng tiên tiến của khu vực, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản nhưng hiện vẫn gặp không ít khó khăn.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng các DN Việt Nam cần xem rào cản ấy là bình thường và phải thích ứng với nó. “Khi Việt Nam đã hòa vào thị trường thế giới thì phải chấp nhận luật chơi chung.

Tất cả các nước đều muốn đưa ra những rào cản để bảo vệ hàng hóa trong nước nên chúng ta cần bình tĩnh và xem những rào cản thương mại là việc đương nhiên.

Cái mà DN cần phải làm là soi vào thị trường và đổi mới mình để thích ứng”- ông Tám nói. Cũng theo thứ trưởng Bộ NN-PTNT, để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế, DN cần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm.

Đồng quan điểm, TS Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng các nước đều đã nghiên cứu kỹ trước khi áp thuế suất cao để chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. “Đó là trào lưu quốc tế rồi, không cưỡng lại được, khó cãi lắm, đừng có kiện cáo mà mất công, mất tiền!”- TS Vĩnh nhìn nhận

Tránh tình trạng “tự giết nhau”

Ông Ngô Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam, cho rằng để nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản, Việt Nam phải giảm nhanh xuất khẩu thô, nâng cao xuất khẩu giá trị gia tăng.

Ông Tuấn lấy ví dụ từ mặt hàng cá tra với diện tích thả nuôi trên 5.000 ha và sản lượng hằng năm trên 1,2 triệu tấn nhưng hiện nay chiếm đến 98% là xuất khẩu thô dưới dạng phi lê. Chỉ cần nâng xuất khẩu giá trị gia tăng lên trên 50%, còn xuất khẩu thô xuống dưới 50% ở riêng mặt hàng này thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng từ 6,5 tỉ USD hiện nay lên 8 tỉ USD.

“Nếu làm được như vậy sẽ tạo điều kiện để giải quyết nhiều lao động nhàn rỗi, tăng mức sống cho người lao động trong ngành thủy sản”- ông Tuấn nói. Cũng theo chuyên gia này, chính các DN Việt Nam đã hại nhau trên thương trường quốc tế. “Hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở 165 thị trường trên thế giới.

Chúng ta đã có ưu thế lớn. Thế nhưng, chính chúng ta đã tự trói mình khi giữa DN này với DN khác cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá sâu khi cùng xuất khẩu một mặt hàng”- ông Tuấn dẫn chứng.

TS Chu Tiến Vĩnh cho đó là cách “tự giết mình” của các DN. “Hiện nay có trên 100 DN xuất khẩu thủy sản, nhiều DN không đủ vốn, vay vốn ngân hàng, khi xuất khẩu gặp khó khăn đã bán đổ bán tháo, hạ giá bán để thu hồi vốn, như vậy là chết rồi.

Không chỉ giết chính mình mà giết các DN khác xuất khẩu cùng mặt hàng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh như thời gian vừa qua là chính chúng ta giết chúng ta!”- ông Vĩnh nói và cho rằng Bộ NN-PTNT cần phải điều tra DN đủ điều kiện mới cấp chứng chỉ cho xuất khẩu và phải có quy định cụ thể khi xuất khẩu phải bán đồng giá chứ không được phá giá.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, để lập lại trật tự trong xuất khẩu thủy sản cần đưa ra những cơ chế, những ràng buộc, điều kiện để làm sao các DN có thể cạnh tranh nhưng không vi phạm những quy định của Việt Nam và quốc tế. “Trước mắt, Bộ NN-PTNT trình Chính phủ để ban hành nghị định về cá tra. Ở đó quy định cụ thể từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Nghị định này sẽ sớm được ban hành”- ông Tám khẳng định.

Bỏ quên sân nhà

TS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia chính sách của FAO, cho rằng thị trường nội địa đang chiếm tỉ trọng lớn trong việc tiêu thụ thủy sản.

Thế nhưng lâu nay dường như các DN chế biến thủy sản “bỏ quên” sân nhà. “Ngay cả việc quản lý vệ sinh thực phẩm thủy sản, chúng ta chủ yếu chạy theo đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của thị trường thế giới mà quên rằng người tiêu dùng trong nước cũng đang đòi hỏi những sản phẩm sạch như thế. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ khi tái cơ cấu lại ngành thủy sản Việt Nam”- chuyên gia của FAO khuyến cáo.


Có thể bạn quan tâm

Sò Huyết Được Giá, Mất Mùa Sò Huyết Được Giá, Mất Mùa

“Nuôi sò huyết bao giờ cũng có tỷ lệ hao hụt nhất định” - anh Nguyễn Văn Sơn, ấp 7, xã Thạnh Phước (Bình Đại - Bến Tre) cho biết như thế, nhưng hiện tượng sò chết hàng loạt, liên tiếp nhiều sân như năm nay là bất bình thường. Nguyên nhân có thể là do thời tiết, ô nhiễm nguồn nước xả thải, nắng nóng, chất lượng con giống ngoài thị trường không tốt hoặc cũng có thể do dịch bệnh…

02/08/2013
Thành Phố Cà Mau Hội Thảo Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Thành Phố Cà Mau Hội Thảo Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Ngày 31/7, Trung tâm Khuyến nông - Khuyên ngư tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học.

02/08/2013
Phát Triển Cây Đậu Trên Cát Cho Hiệu Quả Cao Phát Triển Cây Đậu Trên Cát Cho Hiệu Quả Cao

Là một xã vùng biển bãi ngang, toàn bộ diện tích đất tự nhiên của Triệu Vân nằm trong vùng cát của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), do đó canh tác nông nghiệp khó khăn và nguồn nước tưới không đảm bảo. Nguồn thu nhập từ biển của ngư dân Triệu Vân không nhiều lắm do chủ yếu đánh bắt ven bờ

02/08/2013
Tăng Cường Quản Lý Nuôi Chim Yến Tăng Cường Quản Lý Nuôi Chim Yến

Từ ngày 6-9 tới, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện, nơi có cơ sở nuôi chim yến, trường hợp đã nuôi chim yến trước ngày 6-9 thì phải khai báo chậm nhất vào ngày 31-12-2013. Khi có sự thay đổi về quy mô diện tích và số lượng của cơ sở nuôi chim yến, tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải khai báo chậm nhất vào ngày 30-10 hàng năm.

02/08/2013
Những Tiền Đề Bảo Đảm Năng Suất Lúa Mùa Những Tiền Đề Bảo Đảm Năng Suất Lúa Mùa

Ngay sau khi kết thúc gieo cấy hơn 36.000 ha lúa mùa, những ngày này nông dân các địa phương bắt tay ngay chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh giúp lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề quan trọng đạt năng suất, sản lượng đề ra.

02/08/2013