Cá Mập Xuất Hiện Ở Vịnh Vân Phong Tín Hiệu Vui Về Môi Trường
Đó là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, trước thông tin cá mập xuất hiện tại vùng biển vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh.
Thời gian gần đây, ngư dân các xã ven biển huyện Vạn Ninh đánh bắt được khá nhiều cá mập con, chủ yếu là cá có trọng lượng từ 3 - 4kg tại khu vực vịnh Vân Phong.
Theo phản ánh của ngư dân, cá mập con được người dân đánh bắt rải rác tại vùng biển xã Vạn Hưng từ trước Tết, sau đó hiện tượng ngư dân trong huyện đánh bắt, câu được cá mập con ngày càng nhiều. Thực tế những năm gần đây, tình trạng khai thác, nuôi trồng thủy sản ven bờ trong khu vực vịnh Vân Phong quá mức, khiến nguồn lợi hải sản trong vùng có nguy cơ cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển.
Thế nhưng, việc ngư dân liên tục đánh bắt được cá mập con được các nhà khoa học cho rằng, đây là hiện tượng lạ, chưa từng có từ trước đến nay ở vùng biển Khánh Hòa.
Anh Lê Minh Trí, một tay câu khá chuyên nghiệp tại xã Vạn Hưng cho biết, từ sau Tết đến nay, anh 4 lần đi câu đều câu trúng cá mập con, chủ yếu cá có trọng lượng từ 3 - 4kg. Theo anh Trí, từ trước đến nay, anh chưa nghe ai câu được cá mập tại vùng biển này.
Nhưng không hiểu sao, từ đầu năm đến nay có khá nhiều người câu được cá, trong đó có ngư dân trong xã giăng lưới bắt được hàng chục con. Vùng biển mà ngư dân câu được cá mập con nằm trong đầm Hòn Già, thuộc thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngư dân gọi những con cá mập câu được là cá nhám. Tên cá nhám thường được người dân Việt Nam gọi, nhưng ngôn ngữ thế giới đều có tên chung là cá mập, trong đó có sự phân theo giống, loài.
Tại vị trí mà người dân câu được cá, mực nước không sâu, khoảng 5 - 7m. Một số nguồn tin cho biết, cách đây khoảng nửa tháng, một ngư dân ở xã Đại Lãnh, trong lúc hành nghề giã cào trên vùng biển thuộc vịnh Vân Phong đã bắt được một con cá mập, ước nặng 3 - 4 tạ.
Ông Trương Thái Hùng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh xác nhận thông tin này, tuy nhiên vùng biển chính xác ngư dân đánh được cá mập thì không rõ. Còn theo một số ngư dân, nghề đánh bắt hải sản bằng giã cào thường ở khu vực gần bờ, nơi không có rạn đá, san hô. Vì thế, việc xuất hiện cá mập con sinh sống trong vùng biển này là một hiện tượng lạ, chưa từng có ở địa phương.
Ông Võ Văn Quang, Trưởng phòng Nguồn lợi động vật có xương sống, Viện Hải dương học Nha Trang nói: “Qua hình ảnh những con cá mập được một số người dân chụp lại, ban đầu có thể khẳng định đây là giống cá mập mắt trắng (Grey Shark Carcharhinus).
Cá mập mắt trắng là loại cá có thân hình thoi ngắn, đoạn giữa to, đuôi thon; đỉnh mõm dạng hình nón rộng, răng có dạng hình nón sắc nhọn, hàm trên các răng tách biệt. Kích thước từ 1 - 4m; phân bố rộng ở nhiều vùng biển trên thế giới. Nhiều loài của giống cá mập mắt trắng được tìm thấy ở vùng biển khơi, trên các thềm lục địa và hải đảo, đôi khi bắt gặp ở vùng biển gần bờ.
Ông Võ Văn Quang còn cho biết thêm, chuyện cá mập con xuất hiện tại vùng gần bờ là do trong quá trình di cư để sinh sản, những con cá mập mẹ thường tìm chỗ kín, an toàn để sinh đẻ. Sau khi sinh xong, cá mẹ sẽ trở về biển khơi, bỏ lại đàn con ở khu vực sinh sản.
Cứ như thế, sau khi những con cá mập này lớn, đủ khả năng bơi ra biển lớn thì chúng sẽ bơi ra biển như mẹ nó. Đó là tập quán của cá mập, vì thế chuyện cá mập con xuất hiện là bình thường. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn: “Cá mập xuất hiện tại vùng biển Khánh Hòa là tín hiệu vui, vì dựa vào đặc điểm môi trường sống của cá mập cho thấy, môi trường biển nơi chúng tìm đến là trong lành, không ô nhiễm”.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu tôm năm 2012 đạt 2,25 tỷ USD, không đạt mục tiêu như đề ra (2,4 tỷ USD) trong khi được kỳ vọng cao hơn. Doanh nghiệp chế biến lao đao và đang “sống” nhờ vào nguồn tôm mua từ nước ngoài. Người nuôi tôm thì đang khốn khó, dịch bệnh tôm tiếp tục hoành hành báo hiệu mùa vụ mới nhiều khó khăn.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên thực hiện dự án “trồng thử nghiệm nấm rơm” trên địa bàn thị xã. Mô hình này bước đầu được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân sau khi tham gia mô hình đã nhân rộng sản xuất ở những vụ tiếp theo.
Anh Lê Ngọc Trắng, ấp 3, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang do không có nhiều đất để canh tác đã chọn mô hình nuôi cá tra dài ngày và cá tai tượng, mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng phát triển.
Ngày 6-8, Phòng Kinh tế TP. Pleiku (Gia Lai) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê vối, cây hồ tiêu cho 50 nông dân ở xã Biển Hồ.
Đó là nhận định của Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng (Tân Uyên, Bình Dương) Nguyễn Thanh Âm. Bí thư Nguyễn Thanh Âm cho biết thêm, Bạch Đằng hiện có 1.471 hộ dân. Qua thống kê, giám sát và đánh giá 6 tháng đầu năm 2013, mức thu nhập bình quân đầu người của xã Bạch Đằng đạt khoảng 25 triệu đồng/năm.