Trồng Sen Thương Phẩm Đem Lại Thu Nhập Cao
Hè về, sen thương phẩm từ các ao, bàu ở xã Sùng Nhơn (Bình Thuận) lên bờ tỏa đi khắp mọi hướng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ. Có thể nói rằng, những năm gần đây sen thương phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân nơi đây.
Những ngày đầu tháng 6, về huyện Đức Linh công tác, nghe anh cán bộ nông nghiệp huyện nhắc đến mùa này đang là mùa thu hoạch sen thương phẩm ở một số xã như Vũ Hòa, Sùng Nhơn. Nhắc đến hạt sen tôi nghĩ ngay đến món chè sen thơm phức, mát dịu trong ngày hè nóng bức, nhớ đến liều thuốc tim sen chữa bệnh mất ngủ mà mẹ hay tìm mua cho bà ngoại uống. Tôi quyết định về xã Sùng Nhơn, nơi có diện tích trồng sen thương phẩm nhiều nhất huyện Đức Linh để tìm hiểu về loại cây trồng.
Theo chân anh cán bộ nông nghiệp xã đến bàu sen Bảy Mẫu ở thôn 1, trước mắt tôi là một bức tranh đồng quê tuyệt đẹp với cánh đồng lúa xanh màu mạ non thẳng cánh cò bay, chấm phá ở giữa là những bàu sen đang đua nhau khoe sắc, hương thơm ngát dịu, tinh khiết. Những người nông dân ở đây kể lại, các bàu sen có từ rất lâu đời như bàu Sen Trắng, bàu Dài, bàu Bảy Mẫu.
Cứ vào dịp hè, loài sen trắng tự nhiên dưới bùn mọc lên nở rực rỡ, người dân nơi đây thường hái hoa sen về cắm trong ngày rằm, mồng một. Hiện diện tích ao, bàu, vùng trũng toàn xã gần 100 ha. Năm 2004, thấy diện tích ao, bàu bỏ hoang phí, vài nông dân đã vào tận Đồng Tháp học hỏi cách trồng giống sen hồng Đài Loan về trồng thử nghiệm. Trong đó, hộ ông Trần Lữ Hiền đã trồng thành công giống sen này và mang lại thu nhập cao.
Thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đấu thầu diện tích các ao, bàu bỏ hoang còn lại để nhân rộng giống sen này. Hiện toàn xã có 70 ha sen thương phẩm với 28 hộ dân tham gia trồng. Theo tính toán của các hộ dân trồng sen, so với cây lúa, sen thương phẩm mang lại thu nhập cao gấp 4 – 5 lần. Bình quân 1 ha sen cho năng suất trên 6 tấn sen đóa với giá từ 8.000 – 20.000 đồng/kg, còn sen đã bóc vỏ có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi ha lãi khoảng từ 35 – 50 triệu đồng/vụ. Nhiều hộ còn tận dụng thả cá dưới ao sen để tăng thêm thu nhập.
So năm ngoái, năm nay năng suất sen thương phẩm đạt cao hơn 1 tấn/ha. Anh Hoàng Sạn – cán bộ nông nghiệp xã Sùng Nhơn cho biết: Sen thương phẩm được thu hoạch rộ từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch, qua tháng 9, tháng 10 do mùa mưa nên các ao sen ngập úng chết hết. Năm nào thời tiết thuận lợi thì sen mùa nghịch có giá cao gấp 3 lần sen mùa rộ. Trồng sen thương phẩm đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây. Có hộ trước đây kinh tế khó khăn như hộ ông Hùng Văn Minh (thôn 1), anh Lê Hữu Tám, Nguyễn Giã (thôn 2) nay đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình này.
Để tăng năng suất loại cây trồng này, hàng năm xã đều mời những người có kinh nghiệm trồng sen thương phẩm ở tỉnh Đồng Tháp ra hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Nhờ nắm vững những kỹ thuật được hướng dẫn nên năm nào sen ở Sùng Nhơn cũng đạt khá. Ông Lê Hữu Tám, thôn 2 chia sẻ: Trồng sen thương phẩm kỹ thuật không khó, nhiều người nghĩ trồng sen không cần chăm sóc, cải tạo nhưng có đầu tư, sen mới đạt năng suất cao.
Sen giống chỉ cần trồng một lần, sau đó cứ mỗi lần vào vụ khoảng đầu tháng 1 (dương lịch) bơm khô nước ở trong ao, bàu rồi cho máy dầm nát bùn mới trổ nước vào đầy ao. Cứ để vậy, sen giống sẵn có dưới bùn mọc lên và bón một lượng phân vừa đủ để sen sinh trưởng ra hoa, kết đài. Sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi trên địa bàn. Thời điểm này, đến xã Sùng Nhơn nhìn vào gia đình nào cũng thấy từ người già, trẻ con ai ai cũng chăm chú bóc vỏ hạt sen…
Cô Trần Thị Năm, hộ dân ở thôn 2 vui vẻ nói: “Tôi ở nhà giữ cháu cho đứa con gái, tranh thủ thời gian rảnh nhận sen đóa từ các thương lái về bóc vỏ thành sản phẩm. Một ngày cũng kiếm được 50.000 – 60.000 đồng mua thêm mớ rau, con cá cho gia đình”. Sau khi hạt sen được đóng gói chở đi tiêu thụ các chợ, bỏ mối cho các nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Nha Trang để chế biến các món ăn, bài thuốc chữa bệnh…
Có thể bạn quan tâm
Tái cơ cấu nông nghiệp là gì, những việc gì cần làm ngay, ưu tiên làm gì trước, tái cơ cấu vào đâu?... là những câu hỏi nhiều ngành từ T.Ư đến địa phương đang đặt ra hiện nay.
Từ xã vùng núi khó khăn, sau 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã bứt phá về đích ngoạn mục, làm tấm gương sáng cho các xã trong và ngoài huyện học tập.
Được thực hiện từ năm 2007, đến nay, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đi vào cuộc sống của người dân thuộc những vùng khó khăn, đang hàng ngày trực tiếp tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Mấy tuần nay, giá khoai lang tím tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) tăng gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, nông dân không còn hàng để bán.
Có thể nói, việc các cơ quan chức năng quyết liệt chống hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là phân bón đang làm khổ nhà nông, là một thái độ đáng hoan nghênh.