Quý Hiếm Như Cá Lăng Chấm

Cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus) là loài cá quý hiếm hoang dã sống trên hệ thống sông Hồng. Thịt cá mềm, thơm ngon, ít xương dăm, giàu chất dinh dưỡng, được liệt vào hàng đặc sản.
Những thành công ban đầu
Cá lăng chấm sống ở những vùng nước sạch, có dòng chảy nhẹ. Hiện nay, cá lăng chấm bị khai thác rất mạnh đến mức cạn kiệt. Loài cá quý này đang nằm trong Sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ gấp.
Năm 2002, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã thực hiện nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cá này và đến năm 2004 đã cho sinh sản thành công.
Hiện nay, việc nuôi thương phẩm cá lăng chấm bước đầu mang lại những thành công. Mô hình nuôi thử nghiệm ở Hải Dương bắt đầu từ năm 2008 tại hai huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ thả nuôi 0,5 ha với 10.000 con giống đã mang lại hiệu quả, sau hai năm nuôi đạt sản lượng 10 tấn/ha với cỡ cá thương phẩm trung bình gần 1,2kg/con. Năm 2009, Trung tâm Khoa học kỹ thuật sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh cũng thực hiện đề tài nghiên cứu và đưa vào nuôi loài cá quý này, sau một năm, trọng lượng cá đạt khoảng 500g/con và khoảng 2 năm thì thu hoạch được với trọng lượng trung bình 1kg/con. Theo tính toán, cá lăng chấm có giá trị kinh tế cao gấp 15-20 lần so với nuôi cá rô phi. Ngoài việc nuôi thương phẩm, thì các địa phương cũng tiếp cận phương pháp kỹ thuật cho sinh sản nhân tạo loài cá này nhằm cung cấp con giống cho người dân. Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc với 113 con cá bố mẹ nhập từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và đã cho sinh sản thành công loài cá quý này.
Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn
Cá lăng chấm có thể nuôi trong ao đất hoặc trong lồng. Người nuôi cá ở An Giang đã nuôi thử nghiệm cá lăng chấm trong lồng bên cạnh cá tra nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và cũng mang lại hiệu quả tốt. Cá nuôi trong ao đất đòi hỏi lượng ôxy cao hơn những loài cá khác (hàm lượng oxy hòa tan >5mg/l), độ sâu của ao từ 1,2-1,5m. Chiều dày của lớp bùn đáy từ 20-30cm, pH từ 6,5-8. Trong ao nuôi cá lăng chấm nên có dòng nước chảy nhẹ vừa giúp nước ao luôn sạch sẽ vừa tăng lượng ôxy hòa tan và mang lại năng suất cao hơn.
Thức ăn cho cá lăng chấm là thịt ốc, cá tạp băm nhỏ hoặc thức ăn công nghiệp. Hiện nay, giá cá lăng chấm thương phẩm trên thị trường khoảng trên dưới 300.000 đồng/kg tùy thuộc vào kích cỡ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như cá nuôi ít bị bệnh, giá bán cao và dễ bán thì cũng còn những khó khăn cho người nuôi như chưa có mô hình kỹ thuật chuẩn hoàn thiện, cá nuôi chậm lớn, thời gian thu hoạch lâu nên người nuôi cần phải có nhiều vốn. Trong khi đó giá mua con giống khá cao. Giá một con cá giống cỡ 6-7cm trên thị trường hiện nay vào khoảng 15.000 đồng. Nếu nuôi với mật độ 0,5-1 con/m2 thì mỗi ha người nuôi cũng phải đầu tư ít nhất vài chục triệu tiền giống. Chính điều đó khiến cho những người nuôi chưa dám đầu tư nhiều cho loài cá này.
Hiện nay, các tỉnh như Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang đang phát triển mô hình nuôi loài cá quý này bên cạnh những loài cá thương phẩm đang nuôi như cá rô phi, cá vược… Hy vọng trong tương lai gần loài cá này sẽ trở thành đối tượng nuôi phổ biến, không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi mà còn góp phần bảo tồn giống cá quý.
Ở Việt Nam, cá lăng chấm phân bố ở dòng chính thuộc thượng lưu sông Đà, sông Thao, sông Lô, sông Cầu. Cá có màu đen hay xám nhạt ở lưng, bụng có màu hơi trắng. Toàn thân cá không có vẩy bao phủ, có 4 đôi râu. Ngoài vây lưng cao, tia gai dài thì còn có một vây mỡ dài chiếm gần hết khoảng cách sau vây lưng kéo dài đến cán đuôi với nhiều chấm đen to, nhỏ. |
Có thể bạn quan tâm

Qua kết quả nghiên cứu và thực tế cho thấy trồng xen băng cây phân xanh theo đường đồng mức như muồng hoa vàng, cốt khí…giữa cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều) và cây ngắn ngày (ngô, lúa nương, sắn…) là biện pháp đơn giản và rất có hiệu quả trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, cải tạo độ phì của đất và góp phần tăng năng suất cây trồng.

Phương pháp nuôi này phụ thuộc con giống tự nhiên, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí sản xuất hạn chế, nhưng hiệu quả tương đối cao. Có rất nhiều loại đá khác nhau để làm vật bám tùy thuộc vào từng địa phương như đá vôi làm vật bám rất tốt, đá cuội, đá san hô… Kích cỡ đá trung bình 2-4 kg/hòn và dao động từ 1-10 kg/hòn. Đá được chuyên chở bằng thuyền hoặc ghe rải đều trên bãi có hàu giống xuất hiện. Năng suất đạt 0,5-1,5 kg hàu nguyên con/hòn đá.

Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.

Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…